Ngày 10/3, mạng xã hội xôn xao về việc Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tổ chức lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Nhiều ý kiến cho rằng, việc lấy ý kiến trẻ em vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là không hợp lý, thậm chí là một tình huống “gây cười" bởi đây là một vấn đề khó, ngay cả người lớn cũng khó có thể cho ý kiến đầy đủ.
Về vấn đề này, ngày 10/3, trao đổi với báo chí, bà Đinh Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên cho biết: “Đây không phải là buổi tọa đàm hay hội nghị mà là Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức lấy ý kiến học sinh về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Buổi lấy ý kiến bằng phiếu này diễn ra trong vòng 15 phút của giờ ra chơi với 50 học sinh lớp 9. Nội dung không có gì ảnh hưởng đến học sinh, thậm chí là rất hữu ích với học sinh cũng như giáo viên”.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Hà Đình Bốn thì cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đó là trẻ em. Nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho trẻ em đóng góp ý kiến của mình vào việc xây dựng các quy định về đất đai, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức lấy ý kiến trẻ em về một số nội dung liên quan. Những ý kiến của các em sẽ được tổng hợp và gửi Ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…
Các học sinh đã được tìm hiểu về các quy định về đất đai. Cụ thể, khi Nhà nước thu hồi đất cần đảm bảo những điều kiện thế nào cho trẻ em; Các đối tượng nào cần được hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; Nếu em là người được đứng tên trên sổ đỏ, em có đồng ý để bố và mẹ hoặc người giám hộ cùng đứng tên trên sổ đỏ để giúp em trong quá trình mua bán các tài sản này hay không; Khi xây dựng chính sách pháp luật về đất đai có liên quan đến trẻ em và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan tới trẻ em, các cơ quan nhà nước có cần các em tham gia ý kiến hay không...
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, có thể mức độ tìm hiểu của trẻ với dự thảo Luật Đất đai hay giá trị gia tăng của việc làm này không nhiều vì dự thảo Luật có nhiều nội dung phức tạp, vượt qua tầm hiểu biết của các em.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra thì việc lấy ý kiến của trẻ em đối với dự thảo văn bản là việc làm có ý nghĩa để toàn xã hội nhận thức, triển khai tốt hơn các quy định liên quan về quyền trẻ em. Thực tế, Quốc hội đã từng “mở cửa” cho trẻ em vào “đóng vai” nghị sĩ, phát biểu ý kiến tại hội trường, giúp các bạn nhỏ hiểu hơn về hoạt động của cơ quan lập pháp, hay một số địa phương tổ chức Diễn đàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND với trẻ em…
“Tất cả những hoạt động, mô hình này đều nhằm giúp trẻ em được tham gia vào công việc của Nhà nước, thể hiện sự tôn trọng với tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước, của mỗi địa phương”, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhấn mạnh.