Kỳ trước, Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng ý kiến của cố bác sĩ Ngô Văn Quỹ (nguyên Giám định viên pháp y, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Pháp y Đại học Y Dược TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu TP.HCM) cho rằng có sự dàn dựng vụng về “từ A đến Z” trong bản cáo trạng đầu tiên truy tố Lê Bá Mai. Mời độc giả tiếp tục theo dõi phân tích pháp y chuyên sâu của bác sĩ Quỹ trước phiên xử phúc thẩm vụ án vườn mít lần thứ nhất.
“Từ xưa đến nay ở tòa án, báo cáo pháp y là hai phần ba của vụ án. Căn cứ vào báo cáo pháp y hết sức lơ mơ, hết sức ấu trĩ như thế này để kết tội hình thức tối cao - tiếng Pháp gọi là không phục hồi được - tử hình, cái đó hoàn toàn không thể chấp nhận được” - bác sĩ Ngô Văn Quỹ nói.
Hiện tượng dòi trong thi thể cho thấy nạn nhân đã chết từ 8 đến 10 ngày trước
Bác sĩ Quỹ nói: “Trong pháp y, khẳng định thời điểm chết không phải chỉ căn cứ một yếu tố mà phải căn cứ một loạt các yếu tố, xong tập hợp các yếu tố lại mới đưa ra thời điểm chết. Bình thường anh chỉ có thể nói trong khoảng thời gian từ lúc này đến lúc kia thôi chứ không thể nói “trong khoảng 5 ngày” như trong bản giám định pháp y vụ án vườn mít.
Tử thi để ở vườn mít như vậy thì sẽ thối, kéo các con nhặng xanh tới. Quy luật của nhặng xanh là khi ngửi thấy mùi tử thi thối rữa thì nó đến đẻ trứng. Từ lúc chết đến lúc nhặng xanh tới là 3 ngày, rồi nó đẻ trứng. Từ khi đẻ trứng tới khi thành dòi khoảng 4-5 ngày. Xong dòi chui vào kén, sau một thời gian dòi bung kén chui ra thành nhặng xanh. Có những cái kén rỗng tức là vòng đời của nhặng xanh còn lâu hơn nữa.
Trong 8 tiếng đến 12 tiếng đồng hồ thì trứng sẽ thành dòi. Dòi ăn những thứ xung quanh, xong hóa thành con nhộng, con nhộng cắn kén thành nhặng xanh chui ra ngoài. Đáng lẽ ra thấy dòi như thế anh phải lấy cái chỗ dòi ấy đưa vào kính hiển vi xem có con nhộng rỗng chưa, nghĩa là con nhộng đã chui ra khỏi kén thành nhặng xanh khác rồi hay chưa.
Thấy cái kén rỗng thì phải đến 7 ngày. Nếu mà thấy có cái kén trong ấy thì cũng đã 5-6 ngày rồi. Anh không xem bằng kính hiển vi, anh chỉ xem bằng mắt thường thế thôi nên mới kết luận khoảng 5 ngày. Dòi ăn trơ cả xương ra thế cơ mà.
|
Bản ảnh thực nghiệm hiện trường lần thứ nhất ngày 30/12/2004, tử thi nạn nhân khi đó được Mai đặt nằm theo chiều ngang, trong khi lúc phát hiện tử thi nạn nhân lại có tư thế đầu cắm xuống đất, mông chổng lên, một chân duỗi, một chân quỳ gối. |
Ông Hùng có viết trong thực quản của con bé Thị Út có sâu bọ vào đấy, nhưng lại không viết rõ là sâu bọ gì. Anh phải lấy được những con dòi trong ấy ra, đưa vào kính hiển vi, rồi đưa cho những người có chuyên môn xem thì người ta sẽ biết được mấy ngày.
Bây giờ không thể mổ lại tử thi nữa nên chỉ còn căn cứ vào bản giám định pháp y của bác sĩ Hùng viết cũng lấy được một số điểm chứng minh rằng không phải nạn nhân Út chết trước đó 5 ngày. Ông Hùng viết “da đầu thối rữa, bong tróc, lộ xương sọ, các hốc tự nhiên vùng đầu, mặt thối rữa do côn trùng tấn công lộ xương, một số răng rời khỏi hốc xương hàm, các hốc tự nhiên có dòi ăn sâu vào bên trong”. “Sườn tiếp áp xương ức phân hủy rời tự nhiên”, xương sườn mà rời tự nhiên như thế tức là nó phải nát bấy cái sụn xương sườn đi rồi, mà tất cả cái này nằm trong bản pháp y của anh. “Tình trạng tử thi phân hủy mạnh”, anh nói hai, ba lần tình trạng này.
Vùng ngực, bụng, tứ chi bong tróc thượng bì, rỉ dịch vàng phân ruồi. Không thể nào có chuyện chết 5 ngày mà tử thi bị thối rữa đến thế được. Tập trung bốn điểm này cho thấy nạn nhân phải chết trong khoảng 7/11/2004 đến 9/11/2004, ít nhất 7-8 ngày, nhiều nhất là 10 ngày trước khi khám nghiệm tử thi (ngày 17/11/2004). Tôi chỉ cần anh nói 6 ngày thôi thì Lê Bá Mai cũng đã oan rồi.
Phía bị cáo có quyền không tín nhiệm báo cáo pháp y này vì họ không công nhận độ tin cậy kỹ thuật pháp y như vậy và đề nghị Tòa trưng cầu một cơ quan pháp y khác tái khám nghiệm. Tòa phải hỏi ông pháp y khác xem giám định viên nói như thế có đúng không, chứ sách pháp y người ta dạy ở trường đại học hàng trăm năm nay rồi”.
Vì sao tử thi có dáng quỳ gối, chúi đầu xuống đất?
Khi được luật sư hỏi quá trình cứng của tử thi như thế nào, bác sĩ Quỹ nói: “Người ta xem từng giờ, từng phút một, khi chết mấy phút, mấy giờ, mấy ngày thì như thế nào, có cái bảng bằng tiếng Pháp hẳn hoi đây. Tử thi bắt đầu cứng từ ba giờ, cứng trước hết là xương quai hàm. Mấy người chết hay há miệng, gia đình phải ấn nó lên. Có hiện tượng khi một cái khớp hay cái gì đã bắt đầu cứng rồi, anh xoa bóp nó sẽ mềm và không bao giờ cứng trở lại, cho nên khi có người chết, người ta thường lấy rượu xoa bóp cho mềm lại rồi mới mặc quần áo. Ba giờ thì mới bắt đầu cứng, đến 13 giờ thì cứng toàn thân. Bao giờ thì tử thi mềm ra? Từ ngày thứ hai và ngày thứ ba thì nó mềm ra, sau đó không cứng lại được nữa.
Để tử thi tự nhiên trên mặt đất thì chân tử thi có cong lại không? Tử thi bị thiêu thì nó cong lại vì hiện tượng gân bị rút. Còn tử thi bé Út có hình dạng như một người quỳ chúi đầu xuống đất (trong phiên tòa sơ thẩm đầu tiên, bị cáo Lê Bá Mai nhận tội nhưng lại khai để Út nằm thẳng – PV).
|
Cố bác sĩ pháp y Ngô Văn Quỹ. |
Tôi cho là con bé chết ở nơi khác, hung thủ cho vào cái túi hay một cái bình gì đấy rồi mang đến vườn mít thì bỏ ra. Tôi khẳng định nếu Mai nói rằng để con bé nằm thẳng thì khi chết rồi, tử thi không cách gì co lại được, vì ba ngày là hết cứng rồi, chỉ còn mềm ra thôi. Chỗ này mâu thuẫn hẳn giữa lời khai nhận tội của Mai với hiện trường”.
Nếu có giao cấu, phải có tinh trùng
Về chuyện kết luận giám định mẫu ghi thu dịch từ âm đạo của nạn nhân Út không có tinh trùng dù trong những bản khai nhận tội Mai đều khai khi hiếp dâm nạn nhân thì đã xuất tinh (sau đó Mai khai do bị ép cung, dụ cung, nhục hình nên mới nhận tội – PV), bác sĩ Quỹ cho biết: “Thứ nhất, ở người sống, nếu hai ngày sau khi giao hợp mà tinh trùng không vào tử cung và không vào được trứng thì nó sẽ chết, sẽ bị tiêu hủy ngay. Âm đạo của phụ nữ sau kỳ kinh 24 tiếng đồng hồ cũng không thể tìm thấy có một tí máu nào vì các thứ và bạch cầu dọn sạch hết rồi.
Nếu Mai có giao cấu và xuất tinh thì tinh trùng còn trong tử cung tử thi, con bé Út chết rồi không còn miễn dịch ở trong cơ thể nữa, không còn bọn bạch cầu đến dọn vệ sinh chỗ đó nữa thì tinh trùng vẫn còn nằm trong đó. Làm sao mà bác sĩ Hùng làm nổi cái chuyện như thế được.
Cho nên vụ án này nếu Mai mà chết là chết oan. Mai không phải là hung thủ mà hung thủ là một người khác hoặc một nhóm người khác. Còn việc tìm được hung thủ hay không là chuyện của công an. Có nhân chứng tố cáo nghi can là người khác chứ không phải Mai, vấn đề này công an phải điều tra lại”.
(Còn tiếp)
Nghi vấn từ kết luận giám định siêu nhanh, siêu khớp
Theo cáo trạng lần đầu tiên, “tại Biên bản khám nghiệm tử thi số 323/GĐPY ngày 17/11/2004 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước đối với tử thi Thị Út như sau:
Khám ngoài: nạn nhân trong thời kỳ phân hủy, nạn nhân mặc áo thun, không mặc quần. Đầu: da đầu bong tróc, lộ xương hộp sọ. Mặt: mắt, mũi, miệng, tai phân hủy biến dạng.
Vùng cổ: có một quần vải thun quấn chặt vào cổ giữa, có nút thắt phía sau gáy dạng nút kép, quần thấm dịch phân hủy, vùng cổ phát hiện vết hằn da khép kín cổ, chỗ rộng nhất 4cm, chỗ hẹp nhất 2,5cm, chu vi vùng cổ 13,5cm.
Vùng ngực, bụng: bong tróc thượng bì, trương căng không phát hiện do ngoại lực tác động. Bộ phận sinh dục: âm đạo mở, niêm mạc thối rữa thoát nhiều dịch, không nhận diện được màng trinh do bị phân hủy.
Khám trong: vùng đầu không phát hiện ngoại lực tác động. Vùng cổ: tổ chức dưới da tại vết hằng chắc, nhạt màu, khí quản xẹp, lòng khí quản đỏ thẫm, phân hủy, không xác định được tình trạng tổn thương, thực quản bị côn trùng tấn công.
Tử cung: kích thước giới hạn bình thường, buồng tử cung không có thai, có ích dịch phân hủy”.
Người ký bản khám nghiệm tử thi là bác sĩ Trần Văn Hùng. Năm 2004, ông Hùng chưa phải là giám định viên nhưng vẫn được Công an tỉnh Bình Phước chỉ định làm giám định viên trong vụ án vườn mít do tỉnh này chưa có giám định viên pháp y. Ông Hùng đã mổ tử thi ngày 17/11/2004, cùng ngày ông đã vội vàng kết luận: nạn nhân chết do bị thắt cổ ngạt hô hấp bằng chính chiếc quần của nạn nhân, thời điểm chết cách đó “khoảng 5 ngày”, tức là khoảng ngày 12/11/2004, vừa khớp với ngày một nhân chứng khai đã trông thấy Lê Bá Mai chở nạn nhân đi./.
Theo cáo trạng lần đầu tiên, “tại Biên bản khám nghiệm tử thi số 323/GĐPY ngày 17/11/2004 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước đối với tử thi Thị Út như sau:
Khám ngoài: nạn nhân trong thời kỳ phân hủy, nạn nhân mặc áo thun, không mặc quần. Đầu: da đầu bong tróc, lộ xương hộp sọ. Mặt: mắt, mũi, miệng, tai phân hủy biến dạng.
Vùng cổ: có một quần vải thun quấn chặt vào cổ giữa, có nút thắt phía sau gáy dạng nút kép, quần thấm dịch phân hủy, vùng cổ phát hiện vết hằn da khép kín cổ, chỗ rộng nhất 4cm, chỗ hẹp nhất 2,5cm, chu vi vùng cổ 13,5cm.
Vùng ngực, bụng: bong tróc thượng bì, trương căng không phát hiện do ngoại lực tác động. Bộ phận sinh dục: âm đạo mở, niêm mạc thối rữa thoát nhiều dịch, không nhận diện được màng trinh do bị phân hủy.
Khám trong: vùng đầu không phát hiện ngoại lực tác động. Vùng cổ: tổ chức dưới da tại vết hằng chắc, nhạt màu, khí quản xẹp, lòng khí quản đỏ thẫm, phân hủy, không xác định được tình trạng tổn thương, thực quản bị côn trùng tấn công.
Tử cung: kích thước giới hạn bình thường, buồng tử cung không có thai, có ích dịch phân hủy”.
Người ký bản khám nghiệm tử thi là bác sĩ Trần Văn Hùng. Năm 2004, ông Hùng chưa phải là giám định viên nhưng vẫn được Công an tỉnh Bình Phước chỉ định làm giám định viên trong vụ án vườn mít do tỉnh này chưa có giám định viên pháp y. Ông Hùng đã mổ tử thi ngày 17/11/2004, cùng ngày ông đã vội vàng kết luận: nạn nhân chết do bị thắt cổ ngạt hô hấp bằng chính chiếc quần của nạn nhân, thời điểm chết cách đó “khoảng 5 ngày”, tức là khoảng ngày 12/11/2004, vừa khớp với ngày một nhân chứng khai đã trông thấy Lê Bá Mai chở nạn nhân đi./.