Theo đó, sẽ trả lời 2 câu hỏi về việc Lê Bá Mai có tội hay không có tội và có cần thiết, đủ điều kiện để giám đốc thẩm nâng lên tử hình hay không?
Vụ án Lê Bá Mai xảy ra từ năm 2004, đến nay đã trải qua 6 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, trong đó 2 lần tuyên tử hình, 2 lần tuyên chung thân, 1 lần tuyên vô tội và trong lần xét xử gần nhất, ngày 30/8/2013, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã tuyên giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 66/2013 của TAND tỉnh Bình Phước, phạt Lê Bá Mai chung thân về tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”.
Sau đó bị cáo kháng cáo kêu oan, dư luận quan tâm vụ án thì băn khoăn tại sao Lê Bá Mai phạm liền 2 tội đặc biệt nghiêm trọng, không có tình tiết giảm nhẹ nào mà lại chỉ bị tuyên án chung thân - phải chăng đây là “giải pháp an toàn” khi căn cứ kết tội bị cáo này chưa vững chắc?
10 năm, 3 vòng tố tụng
“Kỳ án vườn mít” xảy ra ngày 11/12/2004 tại xã An Khương, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Theo bản án sơ thẩm, trong lúc đang rải phân cho cây trồng, Lê Bá Mai (SN 1982, quê Thanh Hóa, trú tại tỉnh Bình Phước) phát hiện bé Thị Út (SN 1993) và bé Thị Hằng (SN 1995) đang mót củ sắn gần nơi Mai làm nên nảy sinh ý định giao cấu với Út.
Lê Bá Mai dùng xe gắn máy chạy đến rủ Út vào khu vườn mít ở gần đó, rồi dùng tay đánh vào gáy làm Út bất tỉnh và thực hiện hành vi hiếp dâm. Thấy nạn nhân còn sống, Lê Bá Mai lấy quần của Út siết cổ nạn nhân cho đến chết, rồi vùi xác vào gốc cây mít nhằm phi tang. Đến ngày 16/12/2004, người thân của Út phát hiện thi thể nạn nhân. Liền sau đó, theo lời khai của các nhân chứng, Mai bị công an bắt giữ để điều tra về hành vi giết người và hiếp dâm trẻ em.
Đến nay vụ án đã trải qua 6 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, trong đó 2 lần tuyên tử hình, 2 lần tuyên chung thân, 1 lần tuyên vô tội và trong lần xét xử gần nhất, ngày 30/8/2013, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã tuyên giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 66/2013 của TAND tỉnh Bình Phước, phạt Lê Bá Mai chung thân về tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”.
Nhận xét về vụ án trên tại buổi làm việc, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Vũ Đức Khiển nói: “Đây là vụ án kỳ lạ bởi vì mỗi lúc xử một khác, nếu khẳng định đúng phạm tội thì dứt khoát phải tuyên tử hình, không thể chung thân vì không có tình tiết giảm nhẹ”.
Theo ông Khiển, vụ án đã vi phạm thủ tục tố tụng, kết tội chứng cứ chưa đáng tin cậy, không có căn cứ vững chắc để kết luận Lê Bá Mai giết Út và không có chứng cứ nào kết luận Lê Bá Mai hiếp dâm. Từ đó, ông Khiển đề nghị nên cho nghiên cứu kỹ vụ án, “nếu hôm nay VKSNDTC không đưa ra lý lẽ thuyết phục thì chúng tôi sẽ tiếp tục khiếu nại” - ông Khiển khẳng định.
Cùng tham dự buổi làm việc có nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoài Thu. Bà Thu chỉ ra vẫn còn nhiều lời khai mâu thuẫn về những đồ vật thu thập, về hướng đi cũng có nhiều lời khai bất nhất. Đáng chú ý hơn, theo hiện trạng đi kiểm tra thực địa của bà thì rất ngỡ ngàng là hoàn toàn không có đường đi để Lê Bá Mai có thể chở Út vào vườn mít, đồng thời theo niềm tin nội tâm của bà “đây là một vụ án dàn dựng không khéo, không hợp lý”…
Làm oan cho một người là đau khổ cho cả gia đình họ
Phó Viện trưởng Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP.HCM Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ, đây là một vụ án rất phức tạp, kéo dài, xét xử nhiều lần từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và cũng có nhiều quan điểm xét xử khác nhau.
“Trên tinh thần đó, chúng tôi rất thận trọng, bằng kinh nghiệm và trách nhiệm đã suy nghĩ rất nhiều về vụ án này. Rõ ràng nếu làm oan cho người thì không chỉ khổ cho họ và gia đình họ, mà bản thân những người làm công tố cũng cảm thấy day dứt, không yên tâm được” – ông Sơn bày tỏ.
Vì vậy, ông Sơn đã giải đáp đầy đủ các thắc mắc trên và khẳng định VKSNDTC phải dựa vào toàn bộ những chứng cứ để có một cái nhìn toàn diện và khách quan về vụ án. Qua xâu chuỗi các lời khai, các chứng cứ thấy hoàn toàn phù hợp với hiện trường, diễn biến khách quan, nhân chứng, thực nghiệm lại hiện trường và chúng là những căn cứ quan trọng để làm cơ sở kết tội; các lời khai là khách quan, không bị mớm cung…
Ông Sơn cũng cho biết, cơ quan điều tra đã thực nghiệm hiện trường và xe máy đã vào được trong đó, có chụp ảnh và biên bản. Tuy nhiên, cũng có một số lời khai còn không thống nhất, VKSNDTC đánh giá đây là sự bất nhất không cơ bản và không quyết định đến bản chất vụ án…
Đối với mức án chung thân do HĐXX phúc thẩm gần đây đã tuyên dựa trên các căn cứ: bị cáo giết người không có dự mưu, không tàn bạo, dã man chỉ siết cổ vì sợ bị phát hiện, nhân thân không có tiền án, tiền sự, văn hóa thấp 5/12, ban đầu có thành khẩn; bị cáo lại là con trai duy nhất trong gia đình… Trên cơ sở này, VKSNDTC đã cân nhắc quyết định không kháng nghị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh tấm lòng và trách nhiệm của 2 vị nguyên lãnh đạo Ủy ban Quốc hội và cho rằng đây là nghĩa cử đẹp. Viện trưởng thông tin, trước đó VKSNDTC đã tổ chức 2 tổ độc lập nghiên cứu hồ sơ vụ án trên cơ sở dư luận và ý kiến luật sư. Ban Cán sự Đảng VKSNDTC đã nghe báo cáo rất nhiều và lần lượt đủ cả 20 vấn đề được đặt ra cho thấy tinh thần rất cầu thị của VKSNDTC. “Trước khi diễn ra phiên tòa đã cho anh em tranh tụng. Đó là cách làm cầu thị và thận trọng” - Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình bổ sung.
Thừa nhận mặc dù vẫn còn những lời khai mâu thuẫn với nhau nhưng Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đa số những chứng cứ phản ánh bản chất sự việc và quá trình tố tụng xét về tổng thể là đúng. Về việc có hay không việc kháng nghị, Viện trưởng nêu rõ điều kiện để kháng nghị giám đốc thẩm là phải vi phạm tố tụng nghiêm trọng, có tình tiết mới. Trên thực tế đây cũng không phải là vụ án duy nhất giết người, hiếp dâm mà không tử hình. “Những lập luận của Tòa là có cơ sở, nếu quyết tâm kháng nghị giám đốc thẩm xong hủy bản án thì lại phải thêm vài năm nữa, không khéo lại không phải kỳ án mà là “kỳ cục” án” – ông Bình nêu rõ.