“Lẽ công bằng” chính là căn cứ giải quyết tranh chấp dân sự

(PLO) - Là một trong các văn bản mang tính “rường cột”, chỉ sau Hiến pháp, nên việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự có tính quyết định đến sự ổn định của cả hệ thống pháp luật.
“Lẽ công bằng” chính là căn cứ giải quyết tranh chấp dân sự
Vì vậy, Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến sáng qua (22/9) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp 8 đối với những vấn đề chung có tính chất nguyên tắc làm cơ sở cho việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện; sau đó sẽ công bố lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp để chỉnh lý, tiếp tục trình Quốc hội cho ý kiến vào các nội dung cụ thể tại Kỳ họp 9 (5/2015) và thông qua tại Kỳ họp 10 (10/2015) nhằm xây dựng Bộ luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia, góp phần ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp đã được sửa đổi.
Không cần tòa khi dân tự giải quyết được
Giải trình về mục tiêu sửa đổi của Bộ luật Dân sự, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ luật Dân sự phải là bộ luật chung, thể chế hóa các qui định của Hiến pháp về các quyền nhân dân của cá nhân nên cần có tính ổn định cao để không phải sửa đổi thường xuyên. Tán thành với mục tiêu này, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm, sửa đổi Bộ luật Dân sự phải theo nguyên tắc “Những cái gì dân giải quyết được thì không cần thiết phải đưa ra tòa vì “việc dân sự cốt ở đôi bên”. Những vấn đề Hiến pháp đã quy định thì Dự thảo Luật phải cụ thể hóa cho đầy đủ”. 
Cùng lưu tâm đến “tuổi thọ” của một trong những bộ luật “rường cột”, ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - cho rằng, Bộ luật Dân sự phải theo tinh thần Hiến pháp, qui định cụ thể hơn để người dân khi tham gia các quan hệ dân sự thì căn cứ vào luật mà hành xử. Đến khi có tranh chấp thì Tòa án cũng căn cứ vào đó mà xử mới bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp đã được sửa đổi.  
Từ quan điểm “cuộc sống bao giờ cũng đi trước, đặt ra nhiều vấn đề phải sửa đổi, bổ sung cho hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật dân sự nói riêng, trong đó có Bộ luật Dân sự”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội - nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật được coi là “nền” của hệ thống pháp luật này, nhưng cũng đặt yêu cầu cao đối với sự ổn định của Bộ luật sau khi được sửa đổi. 
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội: “để Bộ luật có sức sống dài hơn, cần thiết phải lấy ý kiến rộng rãi bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp mới vì đã là nền thì phải có tính ổn định khá tốt, nếu không giữ được nền thì các luật khác cũng phải liên tục sửa đổi theo”; đồng thời yêu cầu làm rõ những điều luật sửa đổi, bổ sung tại Dự án Bộ luật Dân sự này “sẽ kéo theo bao nhiêu luật phải sửa” để có sự chuẩn bị, đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật khi áp dụng. 
Chưa có luật phải xử bằng “lẽ công bằng”
Đó là một trong những quan điểm trong Bộ luật Dân sự để thể chế hóa trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo cơ chế pháp lý đầy đủ để các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện thông qua hoạt động xét xử của Tòa án. 
Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Chính phủ đề xuất bổ sung quy định khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ, việc dân sự, TAND không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này, TAND áp dụng quy định về áp dụng tập quán, áp dụng tương tự quy định của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ luật Dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ, việc dân sự của người dân.
Xem xét từ chức năng, vị trí, vai trò của Tòa án đã được Hiến pháp xác định, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho rằng, đề xuất trên là phù hợp nhưng vẫn bày tỏ lo ngại về tính khả thi khi áp dụng bởi thời gian qua, việc áp dụng tập quán còn nhiều lúng túng và cũng chưa có quy định thế nào là “lẽ công bằng” để làm căn cứ cho Tòa án giải quyết các yêu cầu của nhân dân khi chưa có điều luật như đề xuất của Chính phủ. Nên giải pháp “an toàn” cho sự tồn tại của đề xuất này là phải quy định rõ các nội dung về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật Dân sự, làm căn cứ để Tòa án áp dụng giải quyết các vụ, việc dân sự khi pháp luật chưa can thiệp kịp. 
Từng có thâm niên trong ngành Tòa án, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - không thấy yên tâm với đề xuất sẽ mở ra không gian tối đa để các vụ, việc dân sự của người dân khi nhờ đến Tòa án đều được giải quyết như vậy bởi: “Khiếu kiện hiện nay rất phức tạp, những gì ta đã quy định rồi còn chưa giải quyết được thì đưa những gì chưa được quy định mà buộc Tòa án phải thụ lý giải quyết  là vô lý. Cùng với đó, trình độ thẩm phán cấp huyện còn hạn chế mà quy định chưa có điều luật nhưng Tòa án vẫn buộc phải giải quyết thì không thể khả thi được”.
Đây cũng là băn khoăn của nhiều chuyên gia đối với đề xuất của Chính phủ trong điều kiện kinh tế - xã hội và pháp luật hiện nay, nhất là đòi hỏi thẩm phán phải có điều kiện và năng lực chuyên môn cao về giải thích pháp luật. Bên cạnh đó, dường như đề xuất này chưa đáp ứng đúng tinh thần theo qui định của Hiến pháp về việc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Do đó, “đề nghị Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm xem xét kỹ, dù là quy định mới nhưng không hay, ngược đời thì không thể bổ sung vào luật” - ông Nguyễn Văn Hiện nhắc nhở. 

Đọc thêm