Lễ hội du lịch Thác Bản Giốc 2022 - 'Mái tóc tiên' bồng bềnh bên triền núi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bản Giốc - ngọn thác “tóc tiên”, một trong những thác hùng vĩ và đẹp nhất Việt Nam. Ngọn thác này cũng được xếp vào Top những thác nước tuyệt đẹp trên thế giới. Ngày 8-9/10, UBND huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) sẽ tổ chức Lễ hội du lịch Thác Bản Giốc.
Lễ hội du lịch Thác Bản Giốc 2022 - 'Mái tóc tiên' bồng bềnh bên triền núi

Ông Lương Văn La, Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) cho hay, Lễ hội gồm nhiều hoạt động như: chương trình nghệ thuật đêm khai mạc; Lễ rước nước cầu Quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa...

Ông Lương Văn La, Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) và cô gái dân tộc Tày.

Ông Lương Văn La, Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) và cô gái dân tộc Tày.

Ngoài ra, Lễ hội du lịch Thác Bản Giốc còn trưng bày gian hàng giới thiệu sản vật, ẩm thực của các huyện, thành phố, các doanh nghiệp trong tỉnh Cao Bằng và các xã, thị trấn; triển lãm ảnh đẹp của tỉnh Cao Bằng và huyện Trùng Khánh; các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian: tung còn, đẩy gậy, lày cỏ, bịt mắt bắt vịt, chèo xuồng kayak, thi bóc hạt dẻ...; hội thi hát dân ca, dân vũ giữa các chi hội bảo tồn dân ca các dân tộc trên địa bàn huyện...

Lễ hội du lịch Thác Bản Giốc năm 2022 diễn ra từ ngày 8-9/10 tại Thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyên Trùng Khánh (Cao Bằng).

Lễ hội du lịch Thác Bản Giốc năm 2022 diễn ra từ ngày 8-9/10 tại Thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyên Trùng Khánh (Cao Bằng).

Lễ hội còn là ngày hội văn hóa du lịch, là cầu nối gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các vùng miền; làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của huyện Trùng Khánh. Đồng thời, khuyến khích các hoạt động phong trào của địa phương, động viên các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếng hát Then đàn Tính vang vọng Thác Bản Giốc.

Tiếng hát Then đàn Tính vang vọng Thác Bản Giốc.

Thác Bản Giốc nằm trên địa bàn xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm huyện khoảng 25 km. Thác Bản Giốc có vẻ đẹp đan xen giữa hùng vĩ, dữ dội với nét mộng mơ hiền hòa và trữ tình sâu lắng.

Chị Minh Hậu, dân tộc Tày ở Bản Giốc- Quây Sơn cho hay, điểm thu hút, thác không chảy thẳng một dải từ trên xuống mà có những mô đất mấp mô, thành nhiều tầng, nhiều lớp, khiến nước sông Quây Sơn chảy qua đây chia tách thành nhiều dải như những “mái tóc tiên”, tạo thành một mảng trắng xóa giữa đất trời Cao Bằng, xen giữa màu xanh núi rừng.

Chị Minh Hậu, dân tộc Tày luôn tự hào với vẻ đẹp Thác Bản Giốc, sông Quây Sơn.

Chị Minh Hậu, dân tộc Tày luôn tự hào với vẻ đẹp Thác Bản Giốc, sông Quây Sơn.

Từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, Thác Bản Giốc lại đón những cơn mưa rào, khiến dòng nước chảy càng ồ ạt, xiết mạnh đổ xuống tung bọt trắng xóa. Nhiều người cho rằng đây chính khoảng thời gian lý tưởng nhất để ngắm dòng thác cuộn chảy với sự sống đầy cuồng nhiệt.

Khoảng tháng 9 trở đi là lúc thác Bản Giốc bước vào thu, trời trong xanh, mát dịu, cánh đồng lúa với những thửa ruộng bậc thang vàng óng, bồng bềnh trong gió heo may rồi vờn hoa tam giác mạch trắng mãn khai, tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, tạo nên một khung cảnh lãng mạn. Dòng sông Quây Sơn mơ màng như tiên nữ với đôi mắt sóng sánh một màu xanh ngọc. Chiều bảng lảng, dòng thác soi dáng, e ấp bên triền núi. Những ngày nắng thu, trong gió nhẹ, dòng thác nổi bật với 7 sắc cầu vồng huyền ảo, rất đẹp và rất thơ. Khói lam chiều bên bếp lửa hồng ở những bản làng người dân tộc Tày, Nùng, lãng đãng bên thác làm nên một nét đẹp quyến rũ.

Thưởng lãm Thác Bản Giốc trở về, các du khách thấy bâng khuâng một niềm nhớ.

Thưởng lãm Thác Bản Giốc trở về, các du khách thấy bâng khuâng một niềm nhớ.

Du khách dạo chơi trên chiếc thuyền bè mộc mạc ngắm vẻ đẹp vừa thơ mộng vừa hùng vĩ của thác, đưa tay ve vuốt giọt nước trắng ngần của “mái tóc tiên”, hít thở bầu không khí trong lành cùng làn hơi nước mát rượi. Để thỏa sự trải nghiệm, du khách leo lên phía trên sườn núi để ngắm dòng thác từ trên cao tuôn đổ, ngắm “mái tóc tiên” mềm mại uốn lượn giữa sắc xanh bạt ngàn của núi rừng miền biên viễn.

“Chưa đi Thác Bản Giốc thì chưa tới Cao Bằng!”. Đó là lý do, hàng năm, Thác Bản Giốc đón hàng nghìn lượt du khách tới thưởng lãm. Đặc biệt, đối với những người ưa du lịch mạo hiểm, thích ngắm nhìn những khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên thì thác Bản Giốc chính là một điểm đến lý tưởng, một trải nghiệm khó quên trong đời.

Sau chuyến viễn du, đắm mình với cảnh đẹp Thác Bản Giốc, thả hồn bản sắc dân tộc người Tày, du khách thấy bâng khuâng một niềm nhớ để thêm yêu những danh thắng, văn hóa độc đáo trên dặm dài đất nước hình chữ S.

Thác Bản Giốc nằm trong tuyến trải nghiệm phía Đông của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng. Với vẻ đẹp kỳ vĩ hiếm có, thác Bản Giốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia theo Quyết định số 989/QĐ-BVHTTDL ngày 20/5/1998; là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á; thác còn lọt vào top 10 thác đẹp nhất thế giới và là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác lớn có đường biên giới giữa các quốc gia. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc. Từ đây, “hòn ngọc quý” nơi biên viễn của Tổ quốc như được bừng sáng, điểm tô thêm vẻ đẹp của mảnh đất Cách mạng Cao Bằng.

Thác Bản Giốc là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á.

Thác Bản Giốc là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á.

Đọc thêm