Lễ hội tôn vinh “Nam Hải đại tướng quân”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại cửa biển Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đã diễn ra lễ hội Nghinh Ông nhằm tôn vinh loài cá Ông hay cá Voi, mà ngư dân vùng biển còn gọi là “Nam Hải đại tướng quân”, với sự tham gia của  220 người trong đoàn diễu hành và hàng nghìn người dân từ khắp nơi tham dự.

Vị thần hộ mệnh cho thuyền ngư dân đi biển

Chủ lễ cùng Ban trị sự lăng Ông trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu tại lễ hội Nghinh Ông (Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

Chủ lễ cùng Ban trị sự lăng Ông trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu tại lễ hội Nghinh Ông (Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

Tại buổi lễ, Chủ lễ cùng Ban trị sự lăng Ông trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu và được 8 học trò lễ khiêng, theo hầu. Đồng thời, lực lượng diễu hành có 220 người gồm: Các đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí: kích, kiếm, bát xà mâu; đoàn múa mâm… ăn mặc lễ phục xếp thành hàng dài đi diễu hành. Song song đó, bà con trong vùng cũng nhập đoàn đi theo...

Đồng thời, tại biển, hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân được trang trí cờ, hoa để ra biển nghinh Ông. Đoàn tàu xuất bến ra biển, nếu gặp cá Ông phun nước thì rước Ông về ngay. Nếu không gặp thì đến vùng nước xanh (cách bờ khoảng 5 đến 7km), Chủ lễ sẽ xin “keo”, khi nào xin được thì thỉnh Ông về.

Ông Trần Minh Đặng – Chánh vạn Lăng Ông Nam Hải Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) kể lại: “Theo lưu truyền trong dân gian, cá Ông là một linh vật hết sức linh thiêng, là vị thần hộ mệnh cho thuyền bè đi biển. Mỗi khi sóng to gió lớn, tàu thuyền gặp nạn thì cá Ông như “hiện lên” hộ tống đưa vào chỗ cạn an toàn cho người và phương tiện. Và ngược lại, khi cá Ông gặp nạn sẽ được ngư dân tổ chức an táng và thờ cúng thật trang trọng”.

Lúc này, đoàn người đi bộ xuất phát tại Lăng Ông đến ngã ba đầu cầu bắc ngang Sông Ông Đốc tuyến bờ Bắc (giáp khóm 7 và khóm 9, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời), sẽ lên xe diễu hành đến cảng cá Sông Đốc, đưa Lệnh Ông xuống tàu ra biển và xin keo xong quay trở về cảng cá Sông Đốc lên xe và diễu hành về Lăng Ông, an vị.

Ông Trần Quốc Lâm - Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau cho biết: “Nghinh Ông là một tập tục lâu đời của ngư dân Sông Đốc, đây là lễ hội dân gian truyền thống được lưu truyền gìn giữ hàng trăm năm nay. Lễ hội nhằm duy trì và phát huy các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của ngư dân vùng biển nói chung, đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân trên địa bàn thị trấn nói riêng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần xây dựng và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần trong Nhân dân hướng tới hình thành lễ hội Văn hóa, du lịch, tín ngưỡng trọng điểm của địa phương.

Vì vậy mà không ai bảo ai, hễ đến ngày lễ là có hàng chục ngàn người đủ loại thành phần, tôn giáo khác nhau về tham dự với niềm tự hào của nét văn hóa đặc trưng miền sông nước này”.

Cầu cho biển lặng, gió hoà

Đông đảo ngư dân và người dân xuống ghe ra biển tại lễ hội Nghinh Ông (Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

Đông đảo ngư dân và người dân xuống ghe ra biển tại lễ hội Nghinh Ông (Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

Được biết, hàng năm cứ đến ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch là hàng nghìn người dân từ khắp mọi miền đất nước lại tề tựu về đây để hòa mình vào không khí sôi nổi, đồng thời cầu nguyện cho một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cuộc sống no đủ. Đặc biệt, các ngư dân quanh năm bám biển sẽ cầu xin cho những chuyến tàu ra khơi bình an và đánh bắt thật nhiều tôm, cá....

Phần lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống với ý nghĩa cầu mong Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; đồng thời tiếp tục duy trì và phát huy các giá trị Văn hóa Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, phục vụ thỏa mãn nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của ngư dân Cà Mau và tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần trong Nhân dân.

“Theo nghề ghe biển trên 10 năm, tôi rất tự hào và vui khi được tham gia lễ hội, cầu cho mưa thuận gió hòa, những chuyến ghe ra khơi bình an đánh bắt thật nhiều tôm, cá...” - anh Trần Tuấn Anh (ngư dân, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chia sẻ.

Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội dân gian lớn nhất ở Cà Mau và được xếp vào danh sách 60 lễ hội tiêu biểu ở Việt Nam; Lễ hội có nguồn gốc từ lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển. Lễ hội Nghinh Ông gắn liền với tín ngưỡng dân gian và đền thờ Cá Ông ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Sông Đốc là một cửa biển lớn của khu vực ĐBSCL với gần 4.000 phương tiện đánh bắt thủy hải sản. Trong đó có gần 2.000 phương tiện đánh bắt xa bờ. Từ năm 1925, khi hay tin Cá Ông dạt vào cửa biển Sông Đốc, bà con ngư dân trong vùng đã họp bàn xây miếu và thỉnh cốt về thờ cúng.

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển, cầu cho biển lặng, gió hoà, quốc thái dân an, ngư dân ra khơi may mắn, đánh bắt cá tôm được an hoà. Đặc biệt, lễ hội được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2021.

Đọc thêm