Lệ lách luật ở Liên hợp quốc

(PLO) -Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ) có 15 thành viên thuộc 2 đẳng cấp khác nhau là 5 thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp với quyền phủ quyết và 5 thành viên không thường trực. 
Hội đồng Bảo an LHQ
Hội đồng Bảo an LHQ

Cái tính từ "thường trực" hàm ý là 5 nước này luôn luôn là thành viên của HĐBA LHQ. Vì họ có quyền phủ quyết nên mọi quyết định của HĐBA LHQ sẽ không được thông qua nếu chỉ cần một trong số này không đồng tình bất kể đa số các thành viên của HĐBA LHQ đã đồng tình.

Còn "không thường trực" có nghĩa là 10 thành viên này được bầu chọn hàng năm từ những thành viên còn lại của LHQ để luân phiên nhau. Nhiệm kỳ của họ là 2 năm. Vì vậy, mỗi năm LHQ thay thế 5 thành viên không thường trực.

Cơ cấu của diện 10 thành viên này được quy định theo khu vực trên thế giới để đảm bảo tính đại diện cho khu vực trong HĐBA LHQ, cụ thể là 3 cho châu Phi, 2 cho châu Á, 2 cho Mỹ La tinh, 1 cho Đông Âu và 2 cho Tây Âu cùng với Canada, Australia và New Zealand.

Cho nhiệm kỳ 2017 -2018, đại hội đồng LHQ (ĐHĐ LHQ) đã bầu Kazakhstan cho châu Á (Thái Lan thất cử), Ethiopia cho châu Phi và Bolivia cho khu vực Mỹ Latinh. Bolivia và Ethiopia không có đối thủ tranh chấp. Vào 2 ghế dành cho Tây Âu có 3 ứng cử viên là Thụy Điển, Italy và Hà Lan. Thụy Điển được bầu với 134 phiếu thuận. Còn Italy và Hà Lan sau 5 vòng bầu đều cùng được 95 phiếu.

Hai nước này thỏa thuận chia đôi nhiệm kỳ 2 năm và thỏa thuận này đã được ĐHĐ LHQ thông qua. Trong lịch sử đến nay của LHQ, chuyện như vậy mới chỉ xảy ra một lần vào năm 1960 giữa Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyện hiếm xảy ra nhưng không phải đã không từng xảy ra và như thế là đã có tiền lệ trong LHQ. Và tiền lệ luôn là biểu hiện đầu tiên của lệ. Hiến chương của LHQ không quy định giải pháp như thế và lẽ ra nếu tuân thủ nghiêm chỉnh Hiến chương của LHQ thì không được phép làm như thế. Nhưng vì lách luật vốn là thuộc tính bẩm sinh của lệ nên trong LHQ mới xảy ra chuyện như thế. Bây giờ, tiền lệ ấy đã chính thức trở thành lệ.

Việc bầu những thành viên không thường trực của HĐBA LHQ là một trong những cuộc mặc cả và đi đêm điển hình nhất trong hoạt động của LHQ. Thông thường, các thành viên LHQ ở cùng khu vực tự dàn xếp trước với nhau để khi bầu trong ĐHĐ LHQ thì ứng cử viên của khu vực chắc chắn đắc cử - như Bolivia và Ethiopia năm nay cho khu vực Mỹ La tinh và châu Phi.

Các ứng cử viên cũng còn tiến hành những chiến dịch hoạt động ngoại giao rất bài bản và từ cách đó rất lâu để vận động các thành viên LHQ ở các khu vực khác ủng hộ mình. Vì thế, họ thường biết trước chắc chắn sẽ giành về được ít nhất bao nhiêu phiếu bầu - trừ khi có thành viên đã cam kết ủng hộ nhưng rồi thay đổi quyết định vào phút cuối.  

Việc Italy và Hà Lan sau cả 5 lần bầu vẫn ngang bằng nhau về số phiếu là bằng chứng rõ nhất về sự dàn xếp, mặc cả và đi đêm trước đó.

Lệ lại lách được luật và thắng luật lần này ở LHQ nhờ tác động của nó giúp các thành viên LHQ không bị khó xử, không bị mang tiếng là lá mặt lá trái với hai ứng cử viên của khu vực Tây Âu mà họ đã cam kết ủng hộ. Nhưng suy cho cùng thì chấp nhận giải pháp chia phần như thế có phần vô trách nhiệm đối với trọng trách của một thành viên không thường trực của HĐBA LHQ.

Dĩ hòa vi quý như thế về lâu dài sẽ khích lệ tính không lành mạnh và minh bạch trong cuộc ganh đua vào HĐBA LHQ, có lợi cho thành viên riêng lẻ của LHQ mà không có lợi chung cho LHQ. LHQ là nơi thể hiện rõ nét nhất tính công minh và hiệu lực của luật pháp quốc tế mà để cho lệ lách luật như vậy, cho dù không phải phổ biến và thường xuyên, thì đâu có khác gì tự gây hại cho chính mình...

Đọc thêm