Lê Minh Sơn suýt 'mất nghiệp' vì 'vạ miệng'

(PLO) - Có tài, có tiếng, có hình thức và đặc biệt khẩu khí ngoa ngôn, lắm khi chua chát, Lê Minh Sơn có nhiều fan hâm mộ điên cuồng nhưng cũng bị không ít người ghét bỏ. Bản năng, sự vô tư và giản đơn trong suy nghĩ, sự cực đoan của người nghệ sĩ gộp lại trong con người nhiều năng lượng này, khiến anh gần như lúc nào cũng muốn bung tỏa…
Lê Minh Sơn đệm đàn cho nhạc sỹ Nguyễn Đức Cường trong ca khúc "Mãi vẫn tuổi thơ tôi Hà Nội".
Lê Minh Sơn đệm đàn cho nhạc sỹ Nguyễn Đức Cường trong ca khúc "Mãi vẫn tuổi thơ tôi Hà Nội".

“Đừng lẽo đẽo chạy theo đám đông”

Cái tên “gã nhà quê” gắn liền với Lê Minh Sơn dù anh là người thành phố chính hiệu bởi đến với âm nhạc của anh là đến với những bờ ao, ruộng lúa, đàn cò, đến với đêm hội làng quyến luyến không muốn về, đến với lưng còng dáng mẹ... Chất quê trong âm nhạc của Lê Minh Sơn có sắc màu tươi sáng, ký ức tuổi thơ tròn đầy nhưng cũng có cả sự suy tư khắc khoải về số phận con người. Mỗi ca khúc của Lê Minh Sơn dù chỉ có vài câu ngắn gọn nhưng vẫn là một câu chuyện có ý tứ rõ ràng, thể hiện sự nhạy cảm của tâm hồn người nghệ sĩ.

Mang hơi thở cuộc sống vào những ca khúc của mình bằng những ngôn từ mộc mạc, đậm chất dân dã, Lê Minh Sơn đã khiến người nghe như được đằm mình trong làn nước mát bến sông quê, trên những vạt cỏ may tím ngát nơi triền đê như “Bên bờ ao nhà mình”, “Gió mùa về”, “Nắng lên” hay khắc khoải dằn lòng trước nỗi đau của đồng loại trong “Sau bão”. Với “À í a”, “Ôi quê tôi”, tưởng như Lê Minh Sơn đã nói hộ được những tiếng nấc nghẹn trong lòng những người con xa xứ khi về thăm quê. Những đổi thay đau đớn nhưng tất yếu của cuộc sống. Anh đã lưu giữ hộ người nghe những kỉ niệm qua những ca khúc của mình.

Chỉ “ưu ái” mảng sáng tác về quê Việt, không màng tới những thứ âm nhạc đau đớn, vật vã vì yêu đương, chia tay, ly biệt... thậm chí, chẳng buồn nghe những thứ âm nhạc mình cho là “rác”, Lê Minh Sơn cho biết, chẳng cần phải chạy theo thị hiếu khán giả, anh vẫn vui khi sống được bằng nghề. Bằng chứng là mỗi năm anh đều đủ tiềm lực cho ra sô diễn riêng và anh vẫn có “lãi”. Mặc dù mỗi lần đi lĩnh tiền bản quyền tại Trung tâm bản quyền âm nhạc, con số mà chàng nhạc sĩ được lĩnh chỉ là một phần vô cùng nhỏ nhoi trước các ca khúc lâm ly bi đát đang tràn lan trên mạng.

Có thể mục đích viết nhạc của Lê Minh Sơn, ngoài lòng đam mê lớn lao dành cho nghệ thuật, đó còn là kế mưu sinh. Nhưng động lực để anh viết nhạc thì lại hoàn toàn không phải vì tiền. Anh bảo, nếu nghĩ đến tiền, dù chỉ là đồng 500 thôi thì anh không thể có cảm xúc, chứ đừng nói là ôm đàn sáng tác. “Bây giờ mọi thứ đều quy ra đồng tiền. Nhưng tôi có thể tự tin nói rằng: Trong âm nhạc, tôi là người rất trong sáng”, Lê Minh Sơn quả quyết.

Với nhạc sĩ “nhà quê” này, được hát và được mang đến cho khán giả những cảm xúc âm nhạc mới của mình, ấy là hạnh phúc tuyệt đỉnh. “Hạnh phúc nhất là được sống trong không gian âm nhạc của mình. Nó giống như cảm giác của một cầu thủ khi sút tung lưới đối phương - một cảm giác không thể diễn tả”, Lê Minh Sơn hào hứng. Vì thế, dù sau mỗi sô diễn, có sút đi 4, 5 ký, có hao tổn chút ít tài chính, anh vẫn dồi dào sức lực để mang đến cho khán giả, vẫn là một gã nhà quê Lê Minh Sơn, nhưng lại đầy mới mẻ và “hiện đại” hơn qua từng năm.

Sau cái vẻ ngang tàng của Lê Minh Sơn, là một người ý thức rất mạnh về cái Tôi cá nhân khi làm nghệ thuật. Một người không khoan nhượng với sự đèm đẹp, tàm tạm nào đó. Anh quan niệm, trong bất kỳ lao động nào, sự cẩu thả thật khó chấp nhận, đặc biệt là trong sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy, trong công việc, nguyên tắc làm việc của nhạc sĩ “Ôi quê tôi” là không cho phép mình dễ dãi trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Sơn bảo, có một điều cốt tủy ở đời, rằng mọi việc phải làm cho tử tế thì mới có thể lâu dài. Những chộp giật sẽ qua rất nhanh, và thường vô tăm tích sau đó. Con người trong xã hội hiện đại có xu hướng sống hời hợt hơn. Những yêu thương trao gửi ít đi, niềm tin ngắn lại. Cái gì cũng nhanh, cũng gấp gáp, cũng nôn nóng.

“Tôi sợ nhất câu slogan “Sống là không chờ đợi”. Làm sao có thể sống mà không chờ đợi được. Một thứ quả phải đợi ngày mới chín. Một cái cây phải đợi tháng năm mới cho bóng mát. Một tài năng cũng phải đợi thời điểm mới có thể tỏa sáng. Vì chúng ta không muốn chờ đợi, nên phải chăng chúng ta mới tự gây họa cho nhau bằng thuốc làm chín trái cây chỉ sau một đêm, rau trồng ngoài vườn có thể hái chỉ sau vài ngày nhờ kích thích, và nhiều người thì thành ra người nổi tiếng cũng chỉ sau một cuộc bán mua, một phen hở áo lộ hàng...”, nhạc sĩ chia sẻ.

 

Nhiều lần rước họa vì “vạ miệng”

Nhiều nghệ sĩ phải trả giá vì những giây phút bốc đồng trong đời mình, thậm chí chỉ là từ những lời nói đùa mà ra. Trường hợp Lê Minh Sơn là một điển hình. Những phát ngôn đầy đụng chạm như: “So với các nhạc sĩ trẻ, là tôi ngồi chiếu trên chứ. Cái vóc của tôi là viết về quê hương, đất nước chứ không phải quanh đi quẩn lại cái mấy cái thứ vớ vẩn, anh yêu em, em yêu anh”; “Ở ta, nhạc sĩ biết chơi nhạc cụ không nhiều. Nếu tôi nhận là tay guitar số 2 thì không ai dám nhận mình là số 1 cả”; hay “Âm nhạc và bản chất của Lê Minh Sơn giống như mắm tôm ý. Ai ăn được thì mê tít. Ai không ăn được thì bịt mũi chạy đi nhưng không thể kêu tởm được”... kéo theo những dư luận hậu trường ồn ào.

Còn nhớ, trong một bài báo, Lê Minh Sơn từng nhận xét trực diện các trưởng lão làng nhạc Việt. Sau đó, anh đã bị nhiều bậc trưởng lão “tổng sỉ vả” trên mặt báo, tại các diễn đàn, rằng anh “là một thằng trẻ ranh mà rất hoắng”, “một gã non choẹt nhưng thích lý sự và “điên”, “mắc bệnh vĩ cuồng”, “muốn phủ bỏ thành tựu của những người đi trước”... Sự việc đã trở nên nghiêm trọng đến mức anh mất việc, tay trắng về nhà trong khi vợ đang mang bầu đứa con đầu lòng tháng thứ 3.

Đó thực sự là những tháng ngày hoang mang. Anh dường như bị gục rất nhanh vì những lời “đao to búa lớn” giáng xuống mình. Khi ấy, nhạc sĩ Nguyễn Cường nhắn cho Sơn một câu, nửa yêu thương, nửa khích bác: “Đại bàng sợ gì bão tố. Mày là chim sẻ, chết mày đi”. Cho tới giờ, rất nhiều tin nhắn tình tứ đã bị xóa đi, riêng tin nhắn đó của “bố” Cường (cách Lê Minh Sơn gọi Nguyễn Cường), Sơn lưu mãi.

Từ cú sốc đó, Lê Minh Sơn tự dặn mình phải cẩn trọng hơn khi phát ngôn. Nhưng cứ gặp, nói chuyện và quen, anh lại quên đi rất nhanh sự đề phòng. Có lẽ sự đề phòng không thuộc về bản chất của anh. Sơn thích ngồi quán bia, ăn thịt chó mắm tôm, hoặc những món ăn dân dã. Những khi anh mời ai đó uống bia, nghĩa là anh không đề phòng nữa, và chuyện sẽ lại nổ như pháo rang.

Anh kể, trong một cuộc nhậu, anh có nói dự định viết vở nhạc kịch “Dã tràng xe cát”, trong đó Thanh Lam sẽ đóng vai chính, quay sang một người bạn anh đùa, “cho cậu này đóng vai con cua, được mọi người khênh ra khênh vào, không nói câu nào vì cậu ấy là phóng viên, làm gì biết hát!”. Vậy mà một tuần sau, trên một tờ báo đã xuất hiện bài phỏng vấn Lê Minh Sơn với chi tiết rất oách là “phóng viên đóng vai con cua”. Và những thông tin kiểu như thế với Lê Minh Sơn là vô cùng nhiều. Chả thế mà khi anh từ chối nói chuyện vợ con, có tờ báo đã suy luận là vợ chồng anh sắp ly dị và anh đang chán đời, bỏ đi du học.

Rồi chuyện mối quan hệ với Thanh Lam, những cắt cúp cố tình của người biên tập biến những câu nói của anh trở nên ỡm ờ và càng khiến dư luận khó chịu xung quanh sự khen ngợi có phần quá đà theo chiều hướng tung hứng giữa anh và Thanh Lam. Lỗi trước hết là những lời nói có phần bốc đồng của cả hai. Nhưng họ cũng đồng thời là nạn nhân khi không kiểm soát được nội dung thông tin khi tung ra dư luận.

Trong một bài phỏng vấn, Lê Minh Sơn đã không ngại ngần chê Đinh Tiến Dũng - thường gọi là “giáo sư” Cù Trọng Xoay là người không thông minh và thậm chí anh còn cho rằng Mr Xoay nịnh khán giả thái quá, phản cảm trong chương trình “Cặp đôi hoàn hảo”. Và  ngay sau những phát ngôn gây sốc này, Lê Minh Sơn đã lập tức bị khán giả chỉ trích tơi bời vì anh dám động vào “thần tượng vàng” trong lòng họ.

Dù gặp nhiều sự cố “vạ miệng”, cùng không ít những trắc trở trong sự nghiệp, nhưng cha đẻ của những tác phẩm mang hương vị làng quê dường như không chịu khuất phục và đầu hàng với âm nhạc. Từng tuyên bố ngừng viết để tìm lại sự thanh xuân cho tâm hồn, vậy mà sức hút của những thanh âm đã khiến người đàn ông này “phản bội” lời nói của chính mình. Hôm nay tỉnh này, mai đã tỉnh khác. Đời lang thang qua những chuyến đi. Lấy đi làm lãi. Lấy đi làm niềm vui. Và xác định phải đi thì mới có cảm hứng, mới có sáng tạo.

Sơn nhận mình là một cái ao thôi. Nhưng dù là một cái ao, nhỏ, nhưng nước chưa bao giờ tù đọng, vì luôn luôn được làm mới, luôn luôn được khơi thông. Anh chiêm nghiệm: “Cái hay nhất của tuổi trẻ là cứ đi, không sợ hãi, cứ vượt lưng người khác mà đi. Cái gì thấy đẹp mà chưa ai nhặt thì mình nhặt. Con đường có thể dẫn bạn đến ngõ cụt, nhưng là ngõ cụt của riêng bạn, bạn sẽ tạo ra con đường khác tốt hơn dựa trên những kinh nghiệm tích lũy được”.