Gương sáng Pháp luật

Lê Thái Bình: “Khi khoác lên mình màu áo xanh thanh niên tình nguyện, là lúc tôi chiến thắng bản thân mình!"

(PLVN) -  Sinh ra và lớn lên tại Kỳ Anh, một huyện nghèo nằm ở phía Nam tỉnh Hà Tĩnh, vùng đất mà người ta vẫn thường ví von “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, trải qua một tuổi thơ đầy cơ cực với những cơn đau đớn, dày vò của bệnh tật, hơn ai hết, Lê Thái Bình từ chính nỗi đau của mình vẫn luôn thấu cảm, thương yêu cho bất hạnh của những người khác, cố gắng tập tễnh từng ngày để bước đi trên đôi chân không lành lặn của mình và chưa bao giờ ngừng theo đuổi giấc mơ trở thành người có ích cho cộng đồng, cho xã hội.
Anh Lê Thái Bình (ngoài cùng bên trái) và các em nhỏ
Anh Lê Thái Bình (ngoài cùng bên trái) và các em nhỏ

Không may mắn như bao người, chàng trai Lê Thái Bình (35 tuổi, ngụ thôn Trung Thượng, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) từ khi sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh hưởng từ chất độc màu da cam dioxin khi ông nội anh tham gia chiến trường đã khiến lúc lọt lòng Bình mắc chứng bại não bẩm sinh, giọng nói méo mó và cũng không đủ sức khỏe để đến trường cùng chúng bạn.

Anh Bình (thứ tư từ trái sang) và các tình nguyện viên trong một lần thiện nguyện

Anh Bình (thứ tư từ trái sang) và các tình nguyện viên trong một lần thiện nguyện

Không chấp nhận đầu hàng trước số phận quá đỗi ngặt nghèo, Lê Thái Bình bằng một trái tim lành lặn và hành trình nỗ lực phi thường đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành niềm tự hào không chỉ của gia đình mà còn là của cả huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Lê Thái Bình là minh chứng sống cho câu nói : “Tàn mà không phế”.

Theo lời kể, từ khi lọt lòng mẹ, Bình đã có những biểu hiện bất bình thường. Đến tuổi lên ba, cậu bé con vẫn chưa biết đi, chưa biết nói. Sốt sắng và lo lắng cho con trai bé nhỏ, gia đình đã đưa Bình vượt mấy trăm cây số khăn gói ra Hà Nội để thăm khám. Kết quả, Bình bị bại não bẩm sinh do di truyền chất độc da cam.

Sau mấy năm trời kiên trì điều trị tại bệnh viện, lên 8 tuổi, Bình vẫn không thể đi, chỉ có thể bò lê la ở góc nhà và khoảng sân bé nhỏ. Năm 10 tuổi, sau nhiều nỗ lực, cố gắng tập đi từ chiếc xe ba bánh tự chế của cha, Bình mới có thể tập tễnh bước đi vài bước.

Hoàn cảnh của Bình càng éo le và đắng đót hơn từ khi người em trai chào đời, Hơn 20 tuổi nhưng nhận thức của em trai Bình vẫn chỉ như đứa trẻ 1 tuổi và thường xuyên lên cơn động kinh, khó khăn càng chồng chất khó khăn.

Chia sẻ với Pháp luật Việt Nam, Bình tâm sự: “Tuổi thơ của tôi trôi qua là những tháng ngày vật lộn với nỗi đau của bệnh tật, đầy rẫy đau thương và buồn tủi. Đến 12 tuổi tôi mới cắp sách tới trường, học đến lớp 5 tôi phải ngừng việc học của mình lại vì sức khỏe quá yếu. Nhìn thấy cha mẹ vất vả, tôi muốn làm một điều gì đó để đỡ đần gia đình. Tôi quyết định đi học nghề tin học và gắn bó tới giờ.”

Không để mình trở thành gánh nặng trút lên đôi vai gầy của đấng sinh thành, Bình đã quyết tâm theo học nghề tin học tại một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Sau khi hoàn thành khóa học, Bình mở một tiệm internet và bắt đầu lập nghiệp từ chính công việc này. Cơ sở kinh doanh laptop, sửa chữa máy tính cũ của Bình hoạt động ngót nghét gần chục năm đã giúp trẻ em trong xã tiếp cận với công nghệ thông tin, phục vụ học sinh trong quá trình học tập. Đặc biệt, với mong muốn tạo điều kiện cho các em học sinh cũng như người dân có cơ hội đọc được những cuốn sách hay, giá trị để nâng cao kiến thức trong cuộc sống, tìm hiểu về cách làm ăn, Lê Thái Bình đã mạnh dạn mở “Không gian đọc sách Thái Bình” rộng 15m2 tại chính cơ sở Tin học của anh. Tủ sách với hàng nghìn cuốn sách thuộc nhiều thể loại như văn học, truyện thiếu nhi, khởi nghiệp, kỹ năng sống… thu hút hàng nghìn lượt độc giả là học sinh, thanh, thiếu niên và bà con trong xã đến đọc sách và mượn sách về đọc.

Cái ôm chứa đựng tình cảm, sự thấu hiểu, sẻ chia của Bình dành cho người có hoàn cảnh khó khăn

Cái ôm chứa đựng tình cảm, sự thấu hiểu, sẻ chia của Bình dành cho người có hoàn cảnh khó khăn

Lê Thái Bình là minh chứng cho câu nói "Tàn mà không phế"

Lê Thái Bình là minh chứng cho câu nói "Tàn mà không phế"

Thấu hiểu được nỗi đau của chính bản thân mình, Bình luôn cháy bỏng khao khát có thể lan tỏa yêu thương, giúp đỡ nhiều người thông qua các hoạt động trong công tác thiện nguyện, tình nguyện. Đối với anh, hai chữ “tình nguyện” là ước mơ từ thời thơ ấu.

“Hồi còn nhỏ, các anh chị sinh viên tình nguyện thường xuyên đến thăm tôi. Họ đã mang đến cho tôi tình yêu thương, sự đồng cảm và chia sẻ giúp tôi phá vỡ được nỗi mặc cảm, tự ti trong bản thân và tôi muốn hòa mình vào đội quân tình nguyện để giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn hơn tôi. Thú thật, tôi nghĩ điều ước đó sẽ chẳng bao giờ thành sự thật, bởi một người khuyết tật như tôi, thân mình còn chưa lo nổi huống gì đi làm tình nguyện cho người khác. Vậy mà cái mong mỏi đó của tôi như được chấp cánh khi tôi được tiếp cận với công nghệ thông tin. Cuộc đời tôi đã thay đổi. Tôi đã tự học hỏi, tìm tòi những kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm thủ lĩnh tình nguyện để một ngày thực hiện hóa ước mơ làm tình nguyện viên của mình.”

Được biết, năm 2013, anh Bình đã lên mạng xã hội Facebook khởi xướng thành lập ra nhiều đội nhóm thiện nguyện như "Đội tình nguyện Kỳ Anh", “Nhóm hướng thiện từ trái tim”, Anh kêu gọi, mong muốn kết nối các bạn trẻ yêu quê hương tổ chức các chương trình thiện nguyện nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, thắp lên ngọn lửa tình nguyện nơi vùng quê nghèo.

Hơn 10 năm hoạt động các tổ chức thiện nguyện của anh Bình đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng đợt hoạt động, phù hợp với đặc thù, tính chất và yêu cầu thực tiễn. Việc huy động nguồn lực từ xã hội để tổ chức các hoạt động được triển khai một cách bài bản. Qua hơn 8 năm hoạt động, Đội nhóm của Bình đã huy động được nguồn kinh phí, vật lực, ngày công có tổng trị giá gần 6 tỷ đồng, các hoạt động tổ chức tập trung hướng về vùng quê nghèo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng, giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, gia đình chính sách, trẻ em vùng cao…

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Tân ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực vượt qua chính mình cũng như đóng góp của anh Bình đối với hoạt động của cộng đồng, xã hội.

“Tôi đánh giá anh Lê Thái Bình là một công dân rất tốt của địa phương. Mặc dù có hoàn cảnh khó khăn, khiếm khuyết về sức khỏe nhưng Bình là người có ý chí, dám vượt qua mọi rào cản để vươn lên trong cuộc sống. Bình không chỉ giúp cho bản thân anh mà còn giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác; đây cũng là người sáng lập ra nhóm hướng thiện từ trái tim đã có nhiều đóng góp cho địa phương. Bên cạnh đó, anh Bình cũng rất năng nổ tham gia nhiều hoạt động của đoàn thanh niên như quyên góp, tặng sách, tặng quà cho học sinh trong các dịp”, ông Trung nói.

Để tham gia hoạt động cộng đồng, công tác thiện nguyện với người bình thường đã là việc khá khó khăn, đòi hỏi phải có sự sắp xếp khoa học về thời gian và công việc hằng ngày. Với người khuyết tật như Bình lại càng khó hơn khi việc di chuyển, đi lại, giao tiếp với anh vẫn rất khó khăn bởi Bình phát âm không rõ, phải gằn từng chữ một nhưng ngần ấy khó khăn vẫn không làm chùng bước chàng trai dũng cảm.

Bình nói: “ Khi bước chân vào con đường tình nguyện, được khoác lên mình chiếc áo màu xanh thanh niên tình nguyện là lúc tôi đã chiến thắng được bản thân mình. Tôi hiểu rằng mình không chỉ sống cho riêng mình mà mình cần phải mang nhiều tình yêu thương và hạnh phúc đến với những người kém may mắn hơn. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôi phải đương đầu với nhiều áp lực, cái nhìn hiếu kỳ, dị nghị của người đời. Có người bảo tôi rằng “Mày khuyết tật thế kia thì làm tình nguyện được cho ai”, rồi có người lại nghĩ “hắn đi làm tình nguyện để nhận được sự thương hại”. Nhưng nhờ sự động viên, khích lệ của bạn bè tôi bỏ ngoài tai tất cả những lời nói đó để cùng với các bạn tình nguyện viên miệt mài với công việc thầm lặng bằng tất cả trái tim và nhiệt huyết của mình.”.

Chị Nguyễn Thị Hà Trang – Phó Bí thư huyện Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Kỳ Anh cho biết: Đồng chí Lê Thái Bình đã có rất nhiều đóng góp đối với hoạt động Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên huyện Kỳ Anh nhất là trong công tác an sinh xã hội, đồng chí đã tặng hàng ngàn suất quà, trị giá hàng trăm triệu đồng đến các đối tượng chính sách, già cả, neo đơn và nhất là các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, hay như xung kích tặng quà tại những nơi lũ lụt, thiên tai đi qua..v.v. Đặc biệt, đồng chí Bình đã truyền cảm hứng, truyền nghị lực sống cho những người cùng hoàn cảnh như đồng chí nói riêng và đoàn viên thanh niên nói chung trên địa bàn huyện cũng như ở những nơi khác. Tôi tin rằng, những đóng góp của đồng chí sẽ là tấm gương sáng cho các bạn trẻ noi theo và vươn lên trong cuộc sống”.

Dẫu vẫn biết cuộc đời là một hành trình dài, vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách đang ở phía trước. Nhưng người viết bài này vẫn mong và tin Lê Thái Bình sẽ luôn mạnh mẽ, lạc quan, viết tiếp hành trình tươi đẹp của mình, lan tỏa yêu thương đến cho tất cả mọi người, cho cuộc sống hạnh phúc hơn.

Ngoài hoạt động thiện nguyện, anh Bình có niềm đam mê đặc biệt với viết lách. Dưới đây là một số thành tích tiêu biểu của anh.

- Tháng 5-2022, xuất bản cuốn sách “Hành trình từ trái tim”. Cuốn sách như “liều thuốc kích thích, động viên tinh thần” đã giúp cho không ít người khuyết tật “hồi sinh” niềm tin vào cuộc sống. Tác giả Lê Thái Bình đã dành 50% tiền bán sách để ủng hộ chương trình Tết vì người nghèo.

- Năm 2012 bài viết “Ước mơ và sự vượt lên của đời tôi” đạt giải Nhất cuộc thi viết “ Người khuyết tật lập nghiệp”do báo Lao động xã hội và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức.

- Tháng 4 năm 2013, Bài viết “8/3 nghỉ một ngày được không mẹ” đạt giải Nhất cuộc thi “ Nốt Sol Cuộc sống” do báo Tuổi trẻ tổ chức.

- Tháng 5 năm 2014, bài viết “Thủy thủ lái tàu bằng đôi chân” đạt giải Khuyến khích, cuộc thi “Gương nghị lực phi thường” Do báo Thanh niên tổ chức. (Nhân vật trong bài viết là Anh Lê Hồng Sơn ở Hương Khê - Hà Tĩnh được Ban tổ chức chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" hỗ trợ 30 triệu đồng.

- Tháng 11/2017, bài viết “Tình nguyện cho tôi hạnh phúc” đạt giải Nhì cuộc thi viết “Hành trình hạnh phúc” do Hạt giống tâm hồn Việt tổ chức

- Tháng 11/2013, anh Lê Thái Bình được Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Kỳ Anh tặng Giấy khen vì có nhiều thành tích trong phong trào tình nguyện.

- Cơ sở tin học Thái Bình được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tặng bằng khen 2010-2013.

- Tháng 7/2014, Lê Thái Bình được chọn trong 10 gương mặt tiêu biểu tại Đại hội Liên hiệp thanh niên huyện Kỳ Anh nhiệm kỳ 2014 – 2017.

- Tháng 8/2014, nhận giấy khen của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Anh vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

- Tháng 10/2014, nhận bằng chứng nhận số 36 GCN/TĐTN của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh là thanh niên tiêu biểu trong phong trào thi đua Chào mừng kỷ niệm 100 ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng.

- Năm 2020, Là một trong 64 thanh niên khuyết tật tiêu biểu tôn vinh trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt theo Quyết định số 93-QĐ/KT-TWH của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

- Hiện anh Lê Thái Bình đang là Uỷ viên Hội LHTN Việt Nam huyện Kỳ Anh

Đọc thêm