Lên phương án thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã lên phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư. Phương án này đang được Bộ GTVT xin ý kiến một số bộ, ngành trước khi trình Chính phủ xem xét quyết định.
Bộ GTVT quyết tâm thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Bộ GTVT quyết tâm thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Đề xuất thí điểm trong 5 năm

Theo ông Uông Việt Dũng - Chánh Văn phòng Bộ GTVT, khi thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, Quốc hội đều có chỉ đạo giao Chính phủ nghiên cứu thu hồi vốn ngân sách đã đầu tư cho các tuyến cao tốc. Triển khai chỉ đạo của Quốc hội, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ GTVT nghiên cứu, xây dựng cơ chế pháp luật về thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Đến nay, phương án thu phí đã cơ bản được Bộ GTVT xây dựng. Điểm nhấn tại phương án được Bộ GTVT đề xuất là sẽ có 9 tuyến cao tốc được đưa vào thí điểm thu phí. Các tuyến cao tốc được chọn bao gồm cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và 8 đoạn tuyến cao tốc thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm: Cao Bồ - Mai Sơn; Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; cầu Mỹ Thuận 2.

Thời gian thực hiện thí điểm được Bộ GTVT kiến nghị áp dụng cho đến khi quy định pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc được Quốc hội thông qua. Thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm kể từ thời điểm đoạn/tuyến đường bộ được triển khai thu phí. Sau thời gian thí điểm thu nêu trên, sẽ có đánh giá, tổng kết đề xuất cơ chế phù hợp.

Mức thu phí 9 tuyến cao tốc này được Bộ GTVT đề xuất xác định trên 3 nguyên tắc gồm: mức thu phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc; mức thu được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước; mức thu được tính toán theo từng đoạn/tuyến đường bộ cao tốc cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế, xã hội theo từng khu vực.

Bộ GTVT cũng kiến nghị áp dụng toàn diện thu phí không dừng. Số tiền thu được sau khi trừ chi phí tổ chức thu, sẽ nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước qua ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương theo phương án đầu tư khai thác.

Lý giải việc cần thí điểm, Bộ GTVT cho rằng hiện pháp luật chưa có quy định về thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư. Do đó, việc thu này là chưa có tiền lệ, cần tiến hành thí điểm theo đúng quy định, trong đó bước đi đầu tiên là việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết chấp thuận cơ chế thí điểm thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên các đoạn/tuyến đường bộ cao tốc. Sau khi Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế thí điểm được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn tổ chức thu, nộp, quản lý, sử dụng số tiền thu được. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT, Bộ Tài chính ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Tại sao Bộ GTVT muốn thu phí?

Theo Bộ GTVT, để thực hiện mục tiêu 5.000km đường bộ cao tốc vào năm 2030, Việt Nam cần đầu tư khoảng 813 nghìn tỷ đồng. Như vậy, yêu cầu ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng mới đường cao tốc là rất lớn. Do đó, thu phí cao tốc đường bộ để tạo nguồn cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết.

Bên cạnh đó, khi các công trình đường cao tốc đưa vào sử dụng phải được quản lý, khai thác và bảo trì. Dự kiến đến năm 2025, 1.624 km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoàn thành và đi vào hoạt động, yêu cầu kinh phí cho quản lý, bảo trì đường cao tốc hàng năm sẽ rất lớn. Tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021 - 2025 là 9.067 tỉ đồng, bình quân 1.813 tỉ đồng/năm.

Trao đổi với PLVN về đề xuất trên của Bộ GTVT, Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy nhận định, qua một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, ông ủng hộ chủ trương thu phí trên cao tốc do Nhà nước đầu tư. Theo ông Thủy, Nhà nước đã bỏ tiền ra đầu tư các đường quốc lộ, nay bỏ tiền ra đầu tư thêm đường cao tốc rộng hơn, đẹp hơn thì cần phải tính toán. “Anh nào nhà giàu, có tiền thì đi đường này, nếu không anh vẫn có thể đi đường khác” - ông Thủy nói.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, thu trên đường cao tốc nào thì cần cân nhắc và xây dựng tiêu chí cụ thể. Ông gợi ý một số tiêu chí đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách có thể thu phí: Thứ nhất, đường cao tốc từ địa điểm A đến địa điểm B cần có hai đường, tức không thu trên đường độc đạo, tạo điều kiện để người dân có quyền lựa chọn; Thứ hai, mức thu phí phải thấp để người dân “dễ thở” và không trở thành gánh nặng chi phí. Do là tiền ngân sách nên thời gian thu phí có thể kéo dài, đây cũng là điều kiện để mức thu phí thấp xuống.

“Thu ít, thu chậm, mục tiêu xây dựng cao tốc vẫn là để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại là chính, không mang nặng vấn đề thu được bao nhiêu trong thời gian bao lâu. Đặt mục tiêu chính là thu được bao nhiêu là không được” - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đọc thêm