Lịch sử D-Day suýt đổi khác vì... vợ điệp viên!

(PLO) -Sự kiện D-Day hay còn gọi là “Ngày Đồng minh” bắt đầu chiến dịch đổ bộ lên bãi biển Normandie của Pháp ngày 6/6/1944 chính thức mở mặt trận thứ 2 tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít Đức, đã từng ở trong tình thế nguy hiểm “không thể diễn ra”. Đây là thông tin trong tài liệu mật mà Anh công bố mới đây. 
Bãi biển Omaha ở Normady được bảo vệ sau cuộc giao tranh ác liệt trong sự kiện D-Day ngày 6/6/1944. (Nguồn: Reuters)
Bãi biển Omaha ở Normady được bảo vệ sau cuộc giao tranh ác liệt trong sự kiện D-Day ngày 6/6/1944. (Nguồn: Reuters)

Nhưng đáng nói, nguyên nhân lại nằm ở người vợ của điệp viên hai mang lừng danh thế giới Juan Pujol García.

Cơn nhớ nhà không đúng lúc

Juan Pujol García, một công dân Tây Ban Nha nhưng làm việc cho Cơ quan tình báo Anh - MI-5 với biệt danh Garbo. Tuy nhiên khi hoạt động trong cơ quan an ninh của Đức, ông lại mang bí danh “V-Alaric”.

Ông được đánh giá là một con át chủ bài xuất sắc nhất của MI-5 trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Trong sự kiện D-Day hay còn gọi là Ngày Đồng minh, Juan Pujol đã đánh lừa tất cả các siêu điệp viên của Đức cũng như chính quyền Đức Quốc xã rằng, ông đang nắm trong tay một mạng lưới có tới hàng chục điệp viên làm việc cho Berlin đang hoạt động ở Anh.

Ông cũng thuyết phục thành công chính quyền Đức quốc xã tin rằng, chiến dịch Normandie chẳng qua chỉ là đòn đánh lạc hướng cho một cuộc đổ bộ quy mô hơn sẽ diễn ra tại khu vực Pas de Calais dọc bờ biển nước Pháp.

Trong ghi chép bí mật ngày 13/6/1944 của liên lạc viên Tomas Harris, Juan Pujol thông báo với chính quyền Đức Quốc xã rằng: “Cuộc tấn công hiện nay là một chiến dịch đánh lạc hướng quy mô lớn. Mục đích của chiến dịch là thiết lập một khu vực chiếm đóng trọng yếu nhằm thu hút tối đa quân Đức tới đây. Tiếp đó sẽ là cuộc tổng tấn công thứ hai dự báo sẽ thắng lợi hoàn toàn”.

Không phải bàn cãi về khả năng thuyết phục và sự chuẩn bị không thể hoàn hảo hơn cho sự kiện D-Day của điệp viên hai mang Juan Pujol cho đến thời điểm đó. Thế nhưng theo các tài liệu mà MI-5 vừa chuyển giao cho Cục lưu trữ quốc gia Anh ở Kew, phía Tây Nam thủ đô London, vợ của điệp viên Pujol là bà Araceli Gonzalez de Pujol đã bỗng nhiên “gây rắc rối” đúng thời điểm quan trọng nhất. 

Khi đó, vợ chồng điệp viên và con trai đã được bố trí bí mật trong một căn hộ an toàn của MI-5 ở London nhằm bảo vệ danh tính và cả tính mạng cho họ. Tại đây, điệp viên Pujol có nhiệm vụ quản lý một nhóm các tình báo viên gửi tín hiệu sai nhằm đánh lạc hướng quân Đức.

Thế nhưng ngay tại đây, bà Gonzalez đã bất ngờ trở nên tuyệt vọng, cô đơn và thậm chí ghét cả thời tiết của Anh. Báo cáo ghi lại rằng, bà khó chịu đến nỗi đã chán ghét tất cả thức ăn thời chiến của Anh, phàn nàn rằng chúng có “quá nhiều mì ống, quá nhiều khoai tây và không đủ cá”. Và cuối cùng bà đòi được về thăm nhà và mẹ của mình, nếu không bà sẽ kể hết cho mọi người về kế hoạch đổ bộ lịch sử này.

Juan Pujol García - điệp viên người Tây Ban Nha làm điệp viên hai mang cho MI-5 của Anh trong khi vẫn nhận nhiệm vụ của Đức Quốc xã. (Nguồn: Getty)
Juan Pujol García - điệp viên người Tây Ban Nha làm điệp viên hai mang cho MI-5 của Anh trong khi vẫn nhận nhiệm vụ của Đức Quốc xã. (Nguồn: Getty)

Đưa vợ “vào tròng”

Trước tình thế bất ngờ này, điệp viên hai mang Juan Pujol đã không chỉ phải thể hiện khả năng trong công việc mà còn để giải quyết vấn đề gia đình. Ông nghĩ ra kế hoạch hợp tác với cộng sự là liên lạc viên Tomás Harris cũng của MI-5 đưa ra một kế hoạch đánh lạc hướng tinh vi với chính vợ của mình. Và bà Gonzalez cũng không thể ngờ mình lại trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ” của chồng, nhằm mục đích giữ cho bà im lặng. 

Bà đã được thông tin rằng, chồng bà đã bị bắt và nguyên nhân chính là do những yêu cầu vô lý của bà. Trong lúc nửa tin nửa ngờ, bà đã được đưa đến thăm chồng tại một trung tâm thẩm vấn thời chiến của MI-5, đó là trại 020. Lúc này thì bà đã hoàn toàn hối hận và tin rằng, vì mình mà chồng đã bị bắt giam và thẩm vấn.

Cuối cùng, bà cũng đã đồng ý ký vào một cam kết rằng, bà sẽ ngừng mọi hành động hoặc có ý tưởng kích động có thể làm lộ danh tính và nhiệm vụ của chồng. Sau đó, Juan Pujol García đã được “thả” và trở lại làm điệp viên hai mang cho MI-5.

Trong một báo cáo mô tả chi tiết những gì gọi là “Nỗi nhớ nhà sâu sắc của Mrs.G”, liên lạc viên Harris giải thích rằng, bà đã “không bao giờ được tiếp cận và thích ứng với cách sống của người Anh, cũng như không được học tiếng Anh".

Chồng bà cũng không chấp nhận các cuộc gặp mặt của những người bạn Tây Ban Nha của bà ở London, vì sợ rằng bà có thể lọt ra một thông tin nào đó về nhiệm vụ đặc biệt của mình trong những buổi chuyện phiếm. Tất nhiên, lúc đó mọi thông tin sẽ được truyền nhanh chóng về cho Abwehr - Cơ quan tình báo quân sự Đức Quốc xã.

“Mong muốn của bà ấy là được trở về nước, đặc biệt là để nhìn thấy mẹ. Điều đó đã khiến bà có những cư xử mất cân bằng. Rất nhiều tháng ròng, bà ấy đã năn nỉ tôi để có thể thu xếp một chuyến đi trở về quê nhà, thậm chí chỉ cần trong một tuần thôi”.

“Trong lúc tuyệt vọng nhất, khi trở nên đã quá tồi tệ, bà ấy thậm chí đã đe dọa sẽ rời bỏ người chồng của mình. Thế nhưng dù vậy, bà cũng không thể tác động được nhiều. Vì thế, bà Gonzalez mới đe dọa sẽ có những hành động để làm đổ bể công việc của chồng, và sau đó bà ấy sẽ được tự do”.

“Có thời điểm, bà Gonzalez đã tháo vòi khí gas trong nhà bếp của ngôi nhà ở Hendon, phía bắc London, nơi gia đình bà đang sinh sống và đe dọa sẽ tự tử. Thế nhưng thậm chí như vậy thì MI-5 cũng không quan tâm đến lời cảnh báo của bà.

MI-5 còn kiên quyết rằng, bà không được phép rời khỏi Anh vì bất cứ lý do gì, vì sợ rằng sẽ bà không chỉ phản bội chồng mình, mà còn làm lộ toàn bộ hoạt động của MI-5 trong đó có điệp viên hai mang Garbo”. 

Ghi chép của Harris cho biết, trong suốt quá trình “rơi vào bẫy của chồng”, bà Gonzalez vẫn được tôn trọng tuyệt đối. Điều đó rất quan trọng bởi nó có thể quyết định sự thành - bại của cả một kế hoạch khổng lồ.

Bà Araceli Gonzalez de Pujol - vợ của điệp viên Pujol cuối cùng đã không để lộ kế hoạch thế kỷ do chồng phụ trách. (Nguồn: Getty)
Bà Araceli Gonzalez de Pujol - vợ của điệp viên Pujol cuối cùng đã không để lộ kế hoạch thế kỷ do chồng phụ trách. (Nguồn: Getty)

Ghi dấu lịch sử

Sau khi giải quyết êm thấm chuyện gia đình, sự kiện D-Day đã diễn ra đúng như dự kiến. Và tất nhiên, đóng góp quan trọng của điệp viên hai mang Juan Pujol García đã mang lại thành công cho Ngày Đồng minh.

Nguyên soái Đức Quốc xã Keytel trước khi bị xử tử năm 1946 trong phiên tòa Nurenberg đã thừa nhận: “Mệnh lệnh của Hitler khi đó đã dựa đến 99% vào thông tin  do điệp viên V-Alaric tức Juan Pujol cung cấp”. 

Juan Pujol, một nông dân nuôi gà ở Tây Ban Nha, đã hoạt động như một tình nguyện viên cho Abwehr - Cơ quan tình báo quân sự Đức Quốc xã vào năm 1941. Sau khi trải qua quá trình đào tạo, ông đã được cử đến London, nhưng thực sự định cư tại Lisbon, Bồ Đào Nha - nơi ông bắt đầu gửi một loạt các thông tin tình báo về nước Anh cho tình báo Đức.

Sau này, tình báo Anh đã phát hiện và chặn mọi hoạt động của Pujol. Tiếp đó, chính cơ quan này đã tuyển dụng Pujon như một điệp viên hai mang. Gia đình điệp viên Pujon chính thức chuyển đến London, Anh. Tại đây, ông và cộng sự Tomás Harris đã tạo ra một mạng lưới “điệp viên cộng sự giả mạo” để che mắt Đức Quốc xã. Báo cáo cho hay, có thời điểm phát triển, mạng lưới này có tới 27 thành viên.

Trong suốt quá trình hoạt động của mình, dù MI-5 có rất nhiều điệp viên xuất sắc; thế nhưng Juan Pujol vẫn là một trong số ít những điệp viên hai mang quan trọng nhất của mọi thời đại của Anh. Trong khi đó, Cơ quan tình báo quân sự Đức Quốc xã của Đức đã không bao giờ ngờ rằng, ông là một điệp viên hai mang.

Thậm chí, cư quan này còn trao tặng ông Huy chương “Chữ thập sắt hạng Nhì” - “Iron Cross Second Class” vì những đóng góp cho Đức Quốc xã. Sau chiến tranh, ông cũng đã được nhà nước Anh vinh danh.

Sau khi hoàn thành mọi nhiệm vụ, với sự hỗ trợ của MI-5, điệp viên Pujon đã đến Angola và tạo một cái chết giả vì bệnh sốt rét, trước khi đến định cư ở Venezuela. Ở đây, ông mở một quầy sách và sống một cuộc sống bình thường. Cuộc hôn nhân của ông với bà Gonzalez không kéo dài. Tuy nhiên sau đó, ông đã tái hôn và có thêm 3 đứa con. Ông qua đời vào năm 1988.../.