Từ thông tin trên báo chí về phát ngôn của ông Đỗ Văn Đương bên hành lang Quốc hội liên quan đến vai trò và hoạt động của LS, Liên đoàn LS Việt Nam khẳng định, việc ông Đương cho rằng "Thực chất LS ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền…" và phản đối việc qui định “quyền im lặng” trong dự thảo Bộ luật tố tụng Hình sự (sửa đổi) là “vẽ đường cho hươu chạy”, để tội phạm lộng hành đã gây “bão” dư luận về cách đánh giá vai trò, vị trí và hoạt động của LS
Đặc biệt, theo Công văn, Liên đoàn LS Việt Nam đánh giá phát ngôn của ông Đương rằng “thực chất LS ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền” là qui chụp một cách thiếu căn cứ và hoàn toàn trái với qui định tại Điều 3 Luật LS (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) về chức năng xã hội của LS, không phù hợp nguyên tắc về bảo đảm quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa được xác định là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận tại Khoản 3 điều 31 Hiến pháp 2013, đi ngược chủ trương cải cách Tư pháp, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội đối với nghề LS còn non trẻ.
Chính vì vậy, thay mặt gần 9.000 LS trên cả nước, Liên đoàn LS Việt Nam “phản đối nhận thức và quan điểm của ông Đỗ Văn Đương đã phát biểu trên báo chí liên quan trực tiếp đến nghề LS như nêu trên”.
Liên đoàn cũng kiến nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo, Ủy ban Tư pháp xem xét, kiểm tra và làm rõ tính xác thực của các ý kiến phát biểu của ông Đỗ Văn Đương và xem xét trách nhiệm, tư cách ĐBQH, tư cách Ủy viên ủy ban Tư pháp của ông Đỗ Văn Đương theo qui định của pháp luật.