Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam, thách thức lớn nhất của ngành Nông nghiệp Việt Nam hiện nay là làm sao để tăng giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp làm ra nhưng vẫn cắt giảm được chi phí sản xuất cho một sản phẩm nông nghiệp. Và mọi lời giải cho “bài toán” đó đều đi đến một con đường: phải liên kết lại với nhau để sản xuất và cùng hưởng lợi.
Thí điểm ngành mía và gạo
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Cục KTHT), Bộ NN&PTNT, trên cả nước, hiện có 400 chuỗi liên kết, nhưng các mô hình hiện nay chưa tạo thành mô hình điểm phổ biến ra địa bàn cả nước. Do vậy, Cục KTHT cùng với 5 DN muốn đi tiên phong xây dựng cho được một mô hình liên kết thực chất, có chuẩn mực.
Là mô hình điểm nên Cục KTHT sẽ là cầu nối xây dựng hợp đồng liên kết giữa các DN, và hộ nông dân thông qua hợp tác xã (HTX). Cùng với Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA), 4 DN được “chọn mặt gửi vàng” tham gia thí điểm kí kết lần này còn có Cty CP Giống cây trồng Trung ương (VINASEED); Cty TNHH Toản Xuân (Nam Định); Công ty CP Mía đường Lam Sơn (LASUCO); Cty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai.
Ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục KTHT cho hay: Hai ngành hàng mía đường và lúa gạo được chọn làm điểm lần này. Ngành mía đường sẽ xây dựng mô hình HTX, hình thành chuỗi liên kết giữa tại 5 tỉnh: Thanh Hóa, Gia Lai, Sơn La, Khánh Hòa và Hậu Giang. Tại mỗi tỉnh, sẽ triển khai tại 2 huyện, củng cố, thành lập ít nhất 2 HTX, quy mô trung bình khoảng 200ha/huyện; thì ngành gạo sẽ hợp tác với Cty CP Giống cây trồng Trung ương và Cty Toản Xuân tổ chức triển khai xây dựng thí điểm chuỗi liên kết giữa hộ nông dân, HTX DN tại 4 tỉnh: Thanh Hóa, Đắk Lắk, Lào Cai và Nam Định. Và mỗi tỉnh cũng sẽ triển khai tại 1-2 huyện, thành lập 2 HTX quy mô trung bình khoảng 150 ha/huyện với sản phẩm chính là gạo Japonica, lúa thuần, lúa lai và Bắc Thơm 7.
Doanh nghiệp phải có cổ phần trong HTX
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam, cái khó nhất trong liên kết hiện này chính là vấn đề hợp đồng trách nhiệm và chia sẻ lợi ích giữa DN và hộ nông dân. Ông Nam nói rằng, ý thức của người nông dân tham gia liên kết là một trở ngại. “Họ vào HTX nhưng vẫn còn tư tưởng vào thì được Nhà nước cho cái gì mới vào còn không cho gì thì ở ngoài làm sướng hơn. Cái khó là người nông dân chưa thấy sự liên kết là để làm ăn, để sản xuất để tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm mà mình làm ra, đồng thời để giam sức lao động, chi phí đầu tư sản xuất của chính mình”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Dù khó khăn nhưng phát triển liên kết giữa DN, hộ nông dân thông qua mô hình HTX để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn là một yêu cầu thực tiễn. Nhưng để xây dựng cho được những HTX kiểu mới, ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Cty CP Mía đường Lam Sơn cho rằng DN phải đóng cổ phần vào để tạo mối liên kết bình đẳng, bền vững với người nông dân.
Theo ông Tam, DN đang chuẩn bị nguồn vốn để góp cổ phần, tổ chức cho được khoảng 40 HTX theo mô hình mới trong 2 năm tới. “Không chỉ mía đường, chúng tôi sẽ còn mở rộng ra sản xuất rau quả, thực phẩm an toàn công nghệ cao. Chúng tôi sẽ là đầu mối cung cấp giống, kỹ thuật, vật tư và đặc biệt là chuyển giao công nghệ cho nông dân. Qua đó cùng với họ sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap để đưa được sản phẩm ra thị trường”- ông Tam chia sẻ.
Đánh giá về hiệu quả mô hình liên kết sản xuất, Thứ trưởng Nam vẫn nhấn mạnh đây vẫn là vấn đề rất khó. Ông cũng cho rằng, các DN đi tiên phong trong mô hình thí điểm này chắc chắn sẽ gặp nhiều vướng mắc nhưng Bộ NN&PTNT cam kết sẽ đồng hành, khó đâu gỡ đó. “Nói quan điểm, đường lối thì cái nào cũng đúng nhưng vào thực tế chúng ta sẽ vướng. Thí điểm gặp vướng mắc đến đâu ta gỡ đến đó, chứ hô hào chung chung không bao giờ ra gì được. Những kết quả đúc rút từ mô hình sẽ giúp chúng ta tìm ra chính sách chất lượng để tham mưu cho Chính phủ”, ông Nam nói.