Liên tiếp 2 trẻ gặp biến chứng viêm cơ tim do hậu COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 2 bệnh nhi mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) đều có diễn tiến nặng, rơi vào nguy kịch vì viêm cơ tim cấp.
Bệnh nhi L.N.H hiện đã bình phục Ảnh: BVCC
Bệnh nhi L.N.H hiện đã bình phục Ảnh: BVCC

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM) thông tin, bệnh viện vừa liên tục tiếp nhận 2 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy cấp sau khi mắc COVID-19.

Trường hợp nam bệnh nhi thứ nhất là L.N.H (9 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) được chuyển đến bệnh viện cấp cứu vào giữa tháng 3/2021 sau khi nhiễm COVID-19 ngày thứ 2. Thời điểm nhập viện trẻ có biểu hiện sốt cao, ói, tái nhợt, tim chậm, rồi đập nhanh bất thường.

Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận, bệnh nhi bị tràn dịch màng tim. Ngay lập tức, trẻ được làm thủ thuật đặt dẫn lưu dịch ra ngoài. Tuy nhiên, tình trạng bệnh vẫn không cải thiện, bệnh nhi rơi vào sốc tim, viêm cơ tim cấp, nguy kịch tính mạng.

Sau khi hội chẩn nhanh các bác sĩ đã quyết định cho trẻ chạy ECMO khẩn ngay trong đêm. Sau gần 10 ngày được can thiệp, điều trị tích cực, hiện bệnh nhi đã cai được ECMO, sức khỏe đang bình phục tốt.

Khi bệnh nhi trên vừa bình phục thì ngày 3/4 các bác sĩ lại tiếp nhận thêm một trường hợp tương tự. Bệnh nhi là bé gái 7 tuổi, ngụ tại Tây Ninh được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng tổn thương tim trầm trọng.

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người nhà ghi nhận, trước đó trẻ mắc COVID-19 có biểu hiện sốt cao, cơ thể tím tái. Sau chẩn đoán trẻ bị viêm cơ tim cấp, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhi chạy ECMO với hy vọng sẽ giữ lại sự sống cho bé.

Qua đây, các sĩ cảnh báo mọi người không nên chủ quan với COVID-19, đặc biệt là trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Nhóm trẻ chưa được chích ngừa vaccine COVID-19 khi nhiễm bệnh vẫn còn nhiều biến cố khó lường. Trường hợp trẻ mắc COVID-19 có các dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Theo thống kê của CDC Hoa Kỳ từ dữ liệu của hơn 900 bệnh viện, COVID-19 là thủ phạm hàng đầu gây viêm cơ tim ở trẻ em dưới 16 tuổi. Tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ bị nhiễm là 0,133%, nguy cơ viêm cơ tim ở trẻ mắc COVID-19 là 37 lần cao hơn so với nhóm không mắc COVID-19.

Hầu hết trẻ mắc COVID-19 đều có biểu hiện nhẹ, sức khỏe nhanh chóng bình phục. Tuy nhiên, nhóm trẻ có bệnh lý nền, trẻ bị béo phì là nhóm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng cần được theo dõi, điều trị. Sau đây là một số cách giúp kiểm soát các triệu chứng hậu COVID-19 ở trẻ.

Chẩn đoán sớm

Do các triệu chứng của COVID-19 giống với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác như cảm lạnh thông thường hoặc cúm, vì vậy, chúng ta có thể thường bỏ qua các dấu hiệu ban đầu của bệnh. Tuy nhiên, để bảo vệ trẻ, chẩn đoán sớm là rất quan trọng, nếu chậm trễ có thể dẫn đến các biến chứng nặng. Khi điều trị kịp thời, việc xuất hiện các triệu chứng sau khi khỏi COVID-19 có thể dễ kiểm soát hơn.

Thay vì chăm chú vào các nguồn internet hoặc cố gắng điều trị cho con bạn bằng các loại thuốc khác nhau, điều quan trọng, cha mẹ nên cho trẻ thăm khám để được bác sĩ tư vấn. Cha mẹ chỉ dùng thuốc cho trẻ khi có sự tư vấn, khuyến nghị của bác sĩ, không tự ý chữa trị, tránh biến chứng xảy ra với bé.

Dinh dưỡng khoa học

Trong giai đoạn trẻ phục hồi sau COVID-19, cha mẹ cần lưu ý đến chế độ ăn uống và dinh dưỡng của con. Bé cần chế độ ăn cân bằng, bao gồm tất cả các vitamin, khoáng chất trong bữa ăn. Ngoài ra, phụ huynh luôn nhắc trẻ uống nước. Thực phẩm tươi nấu tại nhà và trái cây giàu Vitamin C sẽ giúp nâng cao sức khỏe thể chất. Cha mẹ nên hạn chế cho bé ăn vặt với đồ chế biến sẵn vì có thể làm chậm quá trình hồi phục.

Tránh để trẻ lo lắng

Căng thẳng, lo lắng do COVID-19 phổ biến ở người lớn và cũng tồn tại ở trẻ em. Những biểu hiện thay đổi tâm trạng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tâm thần do COVID-19 gây ra ở trẻ. Lúc này, cha mẹ xác định các dấu hiệu, tìm cách khắc phục. Trẻ cần được hỗ trợ trong trường hợp này, cha mẹ chính là những người tốt nhất đồng hành cùng con.

Đọc thêm