Liên tiếp các ca sốc nhiệt, làm gì để phòng tránh?

(PLVN) - Thời gian vừa qua liên tục ghi nhận các ca nhập viện do say nắng, sốc nhiệt, thậm chí đã có ca tử vong. Chuyên gia y tế khuyến cáo một số cách phòng chống sốc nhiệt.
Ảnh minh họa

Say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp. Say nắng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.

Các dấu hiệu nhận biết người bị sốc nhiệt: Các triệu chứng của kiệt sức vẫn còn sau 30 phút; Nhiệt độ tăng lên 40 độ C hoặc cao hơn; Cảm thấy rất nóng và khô; Không đổ mồ hôi mặc dù cơ thể rất nóng; Thở nhanh hoặc hụt hơi; Dần mất tỉnh táo; Lên cơn co giật; Không phản ứng...

Các đối tượng có nguy cơ cao sốc nhiệt, say nắng là trẻ em, người già, người có bệnh lý nền như bệnh tim mạch, hô hấp, nội tiết, chuyển hóa, cơ thể suy kiệt. Bị say nắng, sốc nhiệt không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu… mà say nắng say nóng còn có khả năng dẫn đến đột quỵ. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Để phòng chống sốc nhiệt, say nắng, chuyên gia y tế khuyến cáo:

– Người khi có các bệnh lý nguy cơ thì không nên tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng.

– Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

– Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

– Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

– Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể...

Đọc thêm