Đừng coi thường say nóng, say nắng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.
Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Nắng nóng kéo dài trên diện rộng không chỉ gây ảnh hưởng tới sinh hoạt và môi trường làm việc mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Trong đó say nóng thường xảy ra, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột. Say nóng là tình trạng cơ thể tăng thân nhiệt do tiếp xúc với nhiệt độ môi trường cao, hoặc hoạt động thể lực quá mức, vượt quá khả năng điều hòa của trung khu điều nhiệt dẫn đến rối loạn mất khả năng kiểm soát thân nhiệt.

Đây là hiện tượng tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới say nắng (sốc nhiệt). Đây là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động các cơ quan thần kinh, tuần hoàn, hô hấp do tác động của nắng nóng hoặc hoạt động thể lực quá mức.

Nếu như say nóng thường gặp vào buổi chiều có nhiều tia hồng ngoại, kết hợp với làm việc ở những nơi nhiệt độ, độ ẩm cao, thông gió kém, thì say nắng thường xảy ra vào giữa trưa trời nắng nóng gay gắt, có nhiều tia tử ngoại, kết hợp với làm việc dưới trời nắng nóng, độ ẩm cao, không khí lưu thông kém.

Biểu hiện ban đầu của say nóng, say nắng gồm nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da, có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Biểu hiện nặng hơn, nếu không được xử trí kịp thời, như tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê, nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Để phòng, chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế, ngày 21/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có văn bản đề nghị thủ trưởng đơn vị khẩn trương thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các trường đại học, giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành… về phòng, chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế tại bệnh viện.

Theo đó, các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu tại viện và ngoại viện; tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt, đặc biệt là đột quỵ; sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh; Phối hợp với các đơn vị truyền thông, trung tâm y tế dự phòng... trên địa bản tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng, chống nắng nóng và thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột.

Về phía người dân, để phòng, chống nắng nóng và hạn chế tối đa ảnh hưởng có hại đến sức khỏe, Bộ Y tế đã đưa ra những biện pháp: Bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, thậm chí hàng giờ để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi. Không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có gas bởi chỉ khiến cơ thể thêm phần mất nước, tốt nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…

Lựa chọn trang phục nhẹ, rộng, ví dụ như đồ cotton để dễ toát mồ hôi. Ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt. Đội nón rộng vành, ưu tiên loại có các lỗ thông hơi. Đeo kính mát để bảo vệ mắt... Ngoài ra cần giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.

Nếu cần thiết phải ra nắng thì cần cố gắng chỉ ra nắng trong thời gian ngắn và phải thoa kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất là 15. Ngay khi cơ thể có cảm giác mệt và say nắng, cần nhanh chóng tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, đặc biệt là tránh nắng vào khoảng 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất.

Vào mùa hè, để tăng cường sức đề kháng hiệu quả, cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn; nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…

Ngoài ra, không nên làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức. Tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay một tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ở nơi thoáng mát 10 - 15 phút. Khi từ môi trường ngoài nắng nóng đến nơi râm mát, cơ thể sẽ tiết ra nhiều mồ hôi, thân nhiệt cao, tránh tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.

Đọc thêm