Liên tiếp nhiều ca bị rắn độc cắn, bác sĩ chỉ cách sơ cứu ban đầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian vừa qua, các bệnh viện trên cả nước liêp tiếp ghi nhận nhiều trường hợp bị rắn độc cắn. Đáng chú ý, do sơ cứu không đúng cách, nhiều bệnh nhân bị hoại tử tay chân, nhiễm trùng máu... Vì vậy, nhận biết rắn độc cắn và sơ cứu ban đầu đúng cách là vô cùng cần thiết.
Hình ảnh con rắn hổ mang đã cắn bệnh nhân ở Phú Thọ.
Hình ảnh con rắn hổ mang đã cắn bệnh nhân ở Phú Thọ.

Liên tiếp nhiều trường hợp bị rắn cắn

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), đơn vị tiếp nhận bệnh nhân nam 54 tuổi được đưa vào cấp cứu ban đầu trong trạng thái da niêm mạc nhợt, mạch nhanh, nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được. Ít phút sau bệnh nhân xuất hiện co giật và ngừng tuần hoàn.

Gia đình kể lại, bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn. Tại phòng khám, bệnh nhân lập tức được các bác sỹ hỗ trợ ép tim liên tục, dùng thuốc vận mạch, chống độc và khẩn trương vận chuyển về bệnh viện Bạch Mai. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch do được cấp cứu kịp thời.

Từ đầu tháng 11 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa liên tiếp ghi nhận 32 ca bị rắn cắn phải nhập viện điều trị. Gần đây nhất là bệnh nhân N.V.T (50 tuổi) khi lên rẫy phát cỏ thì bị một con rắn màu xanh, đuôi đỏ cắn vào tay phải. Anh T tự đắp lá vào vết cắn, nhưng sau đó tay sưng to nên phải vào cấp cứu tại bệnh viện.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cũng từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận từ 15-20 trường hợp bị rắn cắn, đa phần là nhóm rắn lục đuôi đỏ và rắn hổ mèo. Điển hình là bệnh nhân nam V.V.Đ (41 tuổi) bị rắn hổ mèo cắn vào mu bàn tay phải. Do không rửa vết thương và sơ cứu nên chỗ vết cắn bắt đầu đau nhức, tê tay, sưng phồng và rơi vào trạng thái lơ mơ trước khi nhập viện. Qua nhiều ngày tích cực điều trị giải độc, đến nay sức khỏe và vết thương của bệnh nhân đã ổn, sẵn sàng xuất viện.

Hổ mang thường, hổ mang chúa và rắn lục đuôi đỏ (từ trái sang phải) Ảnh: Bệnh viện 108

Hổ mang thường, hổ mang chúa và rắn lục đuôi đỏ (từ trái sang phải) Ảnh: Bệnh viện 108

Bác sĩ Đoàn Quốc Duy - Phó trưởng khoa, Phụ trách khoa Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, khi môi trường sống của loài rắn không thuận lợi như lũ lụt, khô hanh, hạn hán hoặc môi trường tự nhiên bị lấn chiếm, xâm phạm chúng sẽ vào nhà tìm nơi trú ngụ, tìm nguồn nước, thức ăn như chuột, gà, trứng… hoặc khi bị tấn công chúng sẽ phản ứng cắn lại.

"Có rất nhiều loại rắn độc xuất hiện tại các vườn cây, bụi rậm hoặc có khi vào nhà dân để trú ngụ, kiếm ăn, nọc độc của nó có thể nguy hiểm đến tính mạng con người. Điển hình như rắn lục xanh đuôi đỏ, chàm quạp, sải cổ đỏ có thể gây rối loạn đông máu, hoại tử mô; rắn cạp nia, cạp nong, hổ mang chúa, hổ đất thì gây độc thần kinh, liệt cơ. Đặc biệt loại rắn hổ mèo thì gây độc thần kinh, liệt cơ và hoại tử mô", bác sĩ Duy nói.

Các bước xử trí khi bị rắn cắn

Theo TS.BS Lê Xuân Dương - Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mục tiêu của sơ cứu là loại bỏ bớt nọc độc và làm chậm sự dịch chuyển của nó từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể. Đồng thời bảo vệ tính mạng của bệnh nhân, ngăn chặn và xử trí sớm các biến chứng trước khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế.

Các bước sơ cứu cần làm: Đầu tiên cần trấn an người bệnh, không để bệnh nhân tự đi lại. Cần để bệnh nhân bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).

- Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề). - Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.

- Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay bị cắn.

- Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm. Có thể chích nặn rửa vết cắn dưới vòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng.

- Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.

- Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.…

- Lưu ý: Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24 - 48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả

Tuyệt đối không làm: Garô là biện pháp làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch. Nó gây đau và rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu nguy hiểm. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garô. Ngoài ra khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa tính mạng.

- Chích, rạch, chọc tại vùng vết cắn: các biện pháp này không có lợi ích, rõ ràng gây hại thêm cho bệnh nhân (tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh,...nhiễm trùng nặng thêm).

- Hút nọc độc, chườm đá, sử dụng các loại thuốc dân gian, cố gắng bắt hoặc giết rắn...

Để đề phòng rắn cắn cần: Đi ủng, giày cao cổ và quần dài, đặc biệt khi đi trong đêm tối, đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ; Không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín; Không sống ở gần các nơi rắn thích cư trú...

Đọc thêm