Lực lượng chức năng Nga đã tịch thu gần 200 tang vật như 18kg thuốc nổ và nhiều thiết bị giảm thanh, lựu đạn, cùng các bộ phận để lắp súng, và hơn 7.000 viên đạn các loại. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn ngăn chặn hoạt động của 8 xưởng chế tạo đạn, lục soát nhà riêng của 62 cá nhân, thu giữ 181 đơn vị súng sản xuất trong nước và nước ngoài gồm 11 súng tự động, 36 súng trường và 131 súng lục các loại như Glock, Walther, PM, TT, APS, PSM, Nagant.
Hơn 2 năm trước (4-6-2015), FSB từng triệt phá một đường dây buôn lậu các loại súng cầm tay từ Latvia vào Nga, bắt 1 công dân Latvia và 8 người Nga. Số vũ khí kể trên bị thu giữ trong một cuộc truy quét ở vùng Pskov, giáp biên giới với Latvia và Estonia. Lực lượng thực thi pháp luật Nga cũng từng phát hiện một đường dây buôn lậu vũ khí qua Ukraine.
Số súng ngắn bị thu giữ mang nhãn hiệu Desert Eagle, Smith & Wesson, SIG Sauer và nhiều nhãn hiệu khác. Và vụ phát hiện này diễn ra khi nhân viên an ninh bố ráp một nhóm chuyên buôn lậu vũ khí vào Bắc Kavkaz của Nga từ Liên minh châu Âu thông qua Ukraine.
Hơn 1 năm trước (7-8-2016), giới truyền thông Anh từng công bố kết quả điều tra về một băng nhóm người Romania chuyên buôn lậu vũ khí quân dụng từ Ukraine vào Tây Âu và Trung Đông. Băng nhóm này được cho là sẵn sàng bán vũ khí cho bất cứ ai muốn mua, dù đó là kẻ cướp ngân hàng hay kẻ giết người hàng loạt hoặc phần tử khủng bố.
Hồi đầu năm 2017, Europol phối hợp với cảnh sát Tây Ban Nha bắt 5 người, thu giữ 85.000 USD và hơn 10.000 khẩu súng các loại, cùng 400 đạn pháo, lựu đạn cùng súng máy chống máy bay. Và đây là số vũ khí chuẩn bị bán cho các nhóm khủng bố và tội phạm.
Số vũ khí bị thu giữ |
Được biết, vụ tịch thu số vũ khí kể trên diễn ra tại thành phố Bilbap, Cantabria và Gerona hồi tháng 1 và đây là chiến dịch triệt phá đường dây buôn lậu vũ khí có tên gọi Portu. Gần 2 năm trước (16-12-2015), Bộ Nội vụ Serbia cho biết, cảnh sát nước này đã triệt phá một băng nhóm buôn lậu vũ khí tới Pháp, bắt 2 nghi can và tịch thu nhiều súng đạn và thuốc nổ.
Bộ trưởng Nội vụ Nebojsa Stefanovic cho biết, 2 nghi can bị bắt là công dân Serbia và họ là thành viên của một đường dây buôn lậu vũ khí quy mô lớn tới Pháp. Và để triệt phá băng nhóm kể trên, cảnh sát thành phố Novi Sad đã phải theo dõi trong nhiều tháng.
Trước đây vũ khí là thứ duy nhất khủng bố cần, nhưng hiện vũ khí loại nào, đặc tính ra sao mới là điều quyết định chúng bỏ tiền ra mua. Nhiều người nói rằng, thị trường tiêu thụ vũ khí lậu chưa từng bị thu hẹp, thậm chí có nhiều lái súng kinh doanh công khai bởi họ có các tướng quân đội bảo kê. Theo giới truyền thông, nguồn cung cấp vũ khí từ chợ đen không bao giờ thiếu, cần bao nhiêu cũng có, vấn đề mà mua vào thời điểm nào và với mức giá bao nhiêu.
Theo giới chuyên môn, vũ khí trái phép tuồn vào châu Âu hầu hết xuất phát từ các quốc gia vùng Balkan. Sau khi giao dịch, vũ khí thường được tháo rời từng bộ phận và vận chuyển thành nhiều đợt vào châu Âu. Ngoài những đường dây buôn lậu vũ khí, giới chuyên môn từng cảnh báo các hiểm họa khôn lường đến từ thị trường vũ khí chợ đen bởi đó là hành động tiếp tay cho khủng bố và tội phạm.
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Manchester và Viện Nghiên cứu phi lợi nhuận (RAND) của châu Âu, có tới 60% vũ khí được mua bán trên chợ đen trực tuyến có xuất xứ từ Mỹ. Bất kỳ ai cũng có thể truy cập vào chợ đen trực tuyến và chỉ trong vài phút đã có thể tiếp cận với nhiều người bán. Hơn 2 tháng trước (cuối tháng 7-2017), 2 trang web đen AlphaBay và Hansa đã bị đánh sập. Theo thống kê, chỉ từ tháng 5-2015 đến tháng 2-2017, đã có 450 triệu USD được giao dịch thông qua AlphaBay./.