Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên giao dịch cuối tuần:
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 67,80-68,92 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 1,12 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 67,90-68,95 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 1,05 triệu đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 67,70-68,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 1,2 triệu đồng/lượng.
Tuần qua, giá vàng trong nước ghi dấu một tuần sụt giảm cả về giá và giao dịch. Cùng với giá giảm mạnh, giao dịch trên thị trường cũng không giữ được không khí như tuần trước, lượng khách giao dịch tại các cửa hàng giảm mạnh, trở lại như thời điểm trước khi vàng “sốt giá”.
Tính chung cả tuần giá vàng SJC giảm 1 triệu đồng, vàng Doji giảm 400 nghìn đồng, vàng Rồng Thăng Long giảm 930 nghìn đồng.
Tại thị trường vàng thế giới (chốt phiên giao dịch cuối tuần): giá vàng được niêm yết ở mức 1.921,90 USD/ounce, giảm 19,4 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.000), tương đương 53,85 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 14,97 triệu đồng/lượng.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới không giữ được ngưỡng 1.930 USD/ounce, giá vàng khép lại tuần giao dịch tại 1.921,90 USD/ounce.
Nhìn chung, thị trường vàng thế giới đã có một tuần không mấy “rực rỡ” khi phải chịu nhiều yếu tố bất lợi như quyết định tăng lãi suất như dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), sự mạnh lên của đồng USD và các cuộc hòa đàm giữa Nga - Ukraine ghi nhận diễn biến tích cực.
Bên cạnh đó, sự sụt giảm mạnh của giá dầu xuống dưới 100 USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh cũng đẩy vàng giảm sâu.
Quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ dù được được dự đoán từ trước nhưng cũng sẽ gây áp lực lên giá vàng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, giá kim loại quý vẫn được hỗ trợ từ lo ngại lạm phát cao khi lạm phát tại Mỹ và châu Âu tiếp tục “nóng” lên.
Tính chung của tuần, với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, giá vàng thế giới sụt mạnh 2,8%. Đây là tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021 tới nay của kim loại màu.
Dự báo giá vàng tuần tới, kết quả khảo sát diễn biến giá vàng thế giới tuần tới của Kitco News cho thấy tỷ lệ ủng hộ xu hướng tăng đã cao hơn.
Cụ thể, tỷ lệ chuyên gia nhận định giá vàng đi lên tuần tới tăng từ 44% lên 56%; Tỷ lệ chuyên gia dự đoán giá vàng giảm cũng tăng từ 17% lên 25% và tỷ lệ giữ quan điểm trung lập giảm mạnh còn 19%.
Còn đối với kết quả khảo sát trực tuyến trên thị trường, tỷ lệ nhà đầu tư ủng hộ giá vàng tăng cũng tăng nhẹ từ 63% lên 68%; Tỷ lệ dự đoán giá vàng giảm lùi từ 22% về 18%; Còn lại tỷ lệ cho rằng giá vàng đi ngang là 14%.