Liệu pháp đột phá “cứu cánh” cho bệnh nhân bị lõm ngực

(PLO) - Với sự phát triển không ngừng của y học, giờ đây các bệnh nhân bị bệnh lõm ngực ở vùng ĐBSCL không nhất thiết phải đến tận TP Hồ Chí Minh để điều trị. Từ đó, có thể giảm bớt thời gian, chi phí cho người dân.
Ca phẫu thuật thành công nhờ áp dụng kỹ thuật Nuss
Ca phẫu thuật thành công nhờ áp dụng kỹ thuật Nuss

Bệnh viện Đa khoa thành phố (BVĐK) Cần Thơ vừa phẫu thuật lõm ngực thành công cho em Huỳnh Quốc K. (14 tuổi, ngụ Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Được biết, đây là lần thứ 60 bệnh viện phẫu thuật thành công bệnh lõm ngực.

Để đạt được những thành tựu này, bên cạnh đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm thì việc áp dụng công nghệ kỹ thuật Nuss đóng vai trò rất quan trọng tạo nên sự thành công của từng ca phẫu thuật.

Lõm ngực không còn là nỗi lo

Gần một tuần sau khi phẫu thuật, tình trạng sức khỏe em K. đang dần ổn định. Các bác sĩ tận tình theo dõi sức khỏe cùng với sự động viên từ gia đình để giúp em sớm hồi phục sức khỏe trở về nhập học.

Chị Ngô Thị Kim H. (mẹ em K.) cho biết, lúc mới sinh ra K. bình thường như những đứa trẻ khác. Khi lên bảy tuổi, gia đình phát hiện trên ngực của K. có biểu hiện lạ, lõm dần, càng về sau vết lõm càng rõ và sâu hoắm. Mỗi lần vận động nặng hoặc tập luyện thể thao, cháu rất khó thở, choáng váng, ăn uống khó khăn.

Không những thế, tiết học thể dục đối với K. luôn khó khăn. Đặc biệt, ở những môn cần vận động nhiều như chạy nhanh, nhảy cao. Do mặc cảm với bệnh lý, K. không nói với thầy cô mà chỉ cố gắng thực hiện đến khi mệt mới dám xin phép nghỉ ngơi. Từ khi ngực bị lõm K. tự ti không thích tiếp xúc với mọi người.

Lo ngại cho bệnh tình của con ngày càng trở nên trầm trọng, gia đình đã đưa  đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán K. bị bệnh lõm ngực bẩm sinh. Bác sĩ khuyên gia đình nên đưa cháu đi chữa trị càng chữa sớm thì tránh các biến chứng và mặc cảm. Có người đã hướng dẫn nên đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) chữa trị.

Đến khi thấy K. càng lớn dần sợ không chữa được mới quyết tâm điều trị. “Tìm hiểu kỹ càng hơn thông tin, tôi được biết BVĐK TP Cần Thơ có làm kỹ thuật này, thuận tiện cho chúng tôi đi lại, thăm nuôi con. Chúng tôi chở cháu nhập viện với hy vọng cháu sớm khỏi bệnh. Chứ nếu lên Sài Gòn sẽ phải tốn kém nhiều chi phí, trong khi điều kiện gia đình không phải khá giả gì”, chị H. chia sẻ.

Em Huỳnh Quốc K. nhập viện theo dõi trước khi tiến hành phẫu thuật
Em Huỳnh Quốc K. nhập viện theo dõi trước khi tiến hành phẫu thuật

Thực hiện thành công hơn 60 trường hợp lõm ngực 

BSCKII. Phạm Văn Phương, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân K. cho biết, nguyên nhân của bệnh lõm ngực chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng nhiều khả năng là do yếu tố di truyền.

Nói về phương pháp điều trị, ông Phương thông tin, trước đây muốn chữa bệnh lõm ngực, chỉ có một cách dùng vật hút vùng ngực lõm lên hoặc mổ hở. Phẫu thuật này dễ để lại sẹo lớn, dị dạng và biến chứng cao. Giờ đây y học tiến bộ, bệnh lý đã được can thiệp kịp thời bằng phương pháp phẫu thuật nội soi nâng lõm ngực bẩm sinh (còn gọi là kỹ thuật Nuss) giúp trẻ phát triển bình thường.  

Để nâng lõm ngực bằng kỹ thuật Nuss, các bác sĩ rạch hai đường nhỏ, luồn xuyên 1 hoặc 2 thanh kim loại qua ngực, tùy theo mức độ lõm của ngực để nâng phần ngực lõm. Phẫu thuật này được thực hiện bằng phương pháp nội soi với nhiều ưu điểm là ít xâm lấn, ít tàn phá, thời gian phẫu thuật nhanh, bệnh nhân mau hồi phục, sớm hòa nhập cuộc sống.

Thanh kim loại không thể uốn trong lồng ngực được mà phải uốn sẵn theo tư thế ở ngoài trước khi đưa vào, sau đó xoay thanh để đưa lồng ngực cao và tạo thế theo ý muốn. Sau đó lại phải cố định chắc thanh này vào khung sườn để nó không di lệch hoặc xoay ngược lại. Thanh kim loại được để trong người bệnh nhân khoảng hai năm.

Tuy nhiên, cái khó là không phải muốn điều trị lúc nào cũng được mà phẫu thuật mới tạo khung ngực thích hợp nhất ở trẻ từ 12-18 tuổi, đôi khi là 10 tuổi. “Thông thường, bác sĩ không chỉ định thực hiện cho trẻ dưới 10 tuổi vì xương còn quá mềm, trẻ còn nhỏ, chưa biết tự bảo vệ sau phẫu thuật đặt thanh kim loại trong lồng ngực. Còn các trường hợp trên 18 tuổi thì xương đã cứng, khó phẫu thuật, có thể gây nhiều biến chứng”, ông Phương thông tin.

Theo các bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của em K. cho biết, “Thể trạng của bệnh nhân K. đã khá tốt, có thể ngồi dậy và tập đi. Thường sau phẫu thuật bệnh nhân cần có thời gian để hồi phục vì cần làm quen với ngực mới. Thanh kim loại đặt bên trong, nâng phần sụn lõm sẽ khiến cho bệnh nhân có cảm giác đau vùng mạn sườn, đi đứng khó khăn. Bệnh nhân cần luyện tập và có thời gian để quen dần”.

Lõm lồng ngực là bệnh lý bẩm sinh, gây biến dạng lồng ngực có thể phát hiện lúc trẻ mới sinh hoặc lúc tuổi dậy thì. Bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ cũng như tâm lý của trẻ sau này. Các biến chứng có thể gặp phải là phần sụn lõm gây khó thở do chèn ép tim hoặc chèn ép phổi. Lồng ngực bị lõm vào trong ở phía trước. Cơ chế gây bệnh là do tăng sản quá mức các sụn sườn trong quá trình phát triển của trẻ, đẩy xương ức lõm vào trong lồng ngực. Đối tượng bị lõm ngực có thể do bẩm sinh hoặc khởi phát vào tuổi dậy thì nhưng đa số trường hợp lõm ngực bẩm sinh. Dị tật lõm ngực không tự khỏi, mức độ lõm ngực có thể diễn tiến tùy thể trạng và tăng nhanh ở giai đoạn dậy thì.

Tại BVĐK TP Cần Thơ, kỹ thuật Nuss đã được áp dụng từ năm 2014. “Ban đầu, ê kíp bác sĩ thực hiện chưa quen tay, quá trình phẫu thuật phải sử dụng máy nội soi nên thời gian thực hiện một ca mất khoảng 2 - 3 giờ. Đến giờ này, ê kíp đã thành thạo kỹ thuật và không cần dùng máy nội soi. Do vậy, thời gian thực hiện một ca rút xuống gần phân nửa. Đến nay, khoa Ngoại lồng ngực thực hiện thành công hơn 60 trường hợp lõm ngực”, ông Phương thông tin thêm.

Đọc thêm