2 con ngan đổi mạng người
Hiếm có phiên xét xử nào mà kẻ sát nhân lại nhận được sự cảm thông, chia sẻ đặc biệt từ phía gia đình bị hại và dư luận như vụ án này. Ngay từ sáng sớm, phòng xét xử đã chật kín người tham dự, họ là hàng xóm láng giềng, bà con thân thích, thậm chí cả những người không quen biết với bị cáo.
Trước vành móng ngựa, bị cáo Tình kể rành mạch việc làm dẫn tới kết cục đắng lòng. Theo đó, vào các ngày 13 và 20/11/2015, sau khi ngủ dậy, cho vật nuôi ăn, bị cáo phát hiện nhà bị mất hai con ngan. Trong lúc bực tức, bị cáo đã nảy sinh ý định giăng dây điện vào khu vực nuôi nhốt ngan đề phòng chống trộm cắp.
Ba ngày sau, khi đi kiểm tra một vòng khu vực chăn nuôi, bị cáo lấy một cuộn kẽm và một cuộn dây điện mang ra khu vực nuôi nhốt ngan. Tại đây, bị cáo lấy cuộn dây kẽm cắt làm hai đoạn dài rồi giăng chúng chạy song song với nhau, gắn quanh hàng rào khu vực nuôi nhốt. Tiếp đến, bị cáo lấy hai sợi dây điện buộc xoắn lõi đồng vào hai đầu đoạn dây kẽm, kéo cuộn dây điện vào trong nhà cắm vào nguồn điện sinh hoạt 220V của gia đình rồi lên giường đi ngủ.
Hiện trường nơi xảy ra sự việc |
Hồ sơ vụ án thể hiện, sáng 24/11/2015, Võ Hoàng Phiên (SN 1992) rủ Nguyễn Lê Quân (SN 1996, cùng ngụ phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ) đi bộ đến nhà anh Tình với mục đích bắt trộm ngan. Trước khi vào khu chăn nuôi, Phiên bảo Quân đứng ngoài canh gác còn mình trèo rào vào bên trong khu vực chuồng ngan.
Khi Phiên vào đến chuồng ngan thì bị vướng vào sợi dây kẽm mà anh Tình đã đấu nối với nguồn điện. Phiên bị điện giật, ngã nằm úp mặt xuống đất. Thấy bạn ngã, Quân gọi nhưng Phiên không trả lời, Quân chạy về nhà kêu người đến gọi anh Tình rút dây điện ra khỏi ổ cắm, rồi chạy ra chuồng ngan đưa Phiên đến Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ cấp cứu, nhưng Phiên đã tử vong.
Ngay sáng đó, anh Tình đã đến công an phường Bình Tân (thị xã Buôn Hồ) để đầu thú và khai báo toàn bộ nguyên nhân và sự việc diễn ra ngày hôm đó.
Trong bản kết luận giám định tử thi của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk nêu, Phiên tử vong là do: “Thương tích bỏng điện độ 4, độ 5 mặt, cổ ngực, tay phải gây sung huyết, xuất huyết nặng ở phổi dẫn đến trụy tim mạch và suy hô hấp không hồi phục”.
Suốt quá trình điều tra, Tình đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình, gia đình đã bồi thường cho phía bị hại, tỏ rõ thái độ ăn năn hối cải. Trước vành móng ngựa, Tình luôn miệng xin lỗi vợ con và gia đình bên phía bị hại, xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về làm ăn nuôi vợ con.
Ngay cả gia đình bị hại cũng tha thiết xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tất cả cũng tại hoàn cảnh gia đình bị cáo quá thương tâm, bị cáo chưa nhận thức rõ được sự nguy hiểm từ việc dùng điện vào lợi ích cá nhân, nhận thức kém về pháp luật và hành vi phạm tôi không phải là do cố ý.
Tại phiên tòa đáng chú ý nhất là mẹ của bị cáo, người đàn bà gầy guộc, lưng còng ngồi ngay bên dưới vành móng ngựa chăm chú nhìn đứa con trai đang ngồi trước mắt. Thỉnh thoảng bà lại rơi lệ, nấc lên những tiếng nghẹn ngào. Khi bình tĩnh được, bà lại chăm chú nghe xét xử và không quên nhìn dáng vẻ buồn bã, chịu đựng của người chồng ngồi cách bà 2 hàng ghế.
Kết thúc phiên tòa, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt Phạm Anh Tình mức án 7 năm 6 tháng tù giam về tội giết người. Nghe tòa tuyên án, Tình như chết lặng, quay lại phía sau nhìn người thân hai hàng nước mắt tuôn trào. Phía dưới, có tiếng khóc ré lên của người thân, khi Tình bị dẫn giải ra xe trở về trại.
Những tháng ngày ăn năn
Được biết, Tình quê gốc ở Quảng Bình, từ nhỏ sống cùng cha mẹ. Năm 1996, anh theo gia đình chuyển vào Đắk Lắk sinh sống. Vì hoàn cảnh khó khăn nên mới học đến lớp 3 anh đã phải nghỉ học ở nhà lao động làm nương rẫy phụ giúp gia đình kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Năm 1999, Tình xây dựng gia đình. Trước ngày xảy ra sự việc, hai vợ chồng đã có ba đứa con (hai trai, 1 gái). Kinh tế gia đình thuộc dạng trung bình ở địa phương, nhà làm nghề nông, thu nhập chính dựa vào vài sào cà phê, tiêu cạnh nhà, ngoài ra có làm thêm nghề bán dép để tăng thêm thu nhập. Vì nhà làm nghề nông nên nhà Tình có nuôi thêm vài con gà, vài con ngan cho vui cửa vui nhà cũng là phòng dịp khách đến chơi.
Trao đổi với phóng viên, chị Dương Thị Ngọc Thảo (SN 1972, vợ bị cáo) tâm sự: “Vợ chồng tôi ai cũng ít chữ, nghèo khó. Nào ngờ mọi thứ đang yên bình thì tai họa ập xuống, tôi sợ một mình không đủ sức cho các con học hành đến nơi đến chốn. Anh Tình là trụ cột chính trong gia đình. Thời gian chưa vào mùa vụ anh Tình còn ra ngoài đi làm thuê kiếm thêm thu nhập nuôi các con ăn học”.
Được biết, nhà chị Thảo có nuôi được đàn ngan 15 con để cải thiện sinh hoạt nhưng thời gian đó thường xuyên bị trộm ghé thăm, cứ cách vài ba ngày là lại mất. Cả đàn ngan không được bán con nào mà cứ ra đi trong đêm tối.
Sau những lần mất trộm, gia đình có lên trình báo công an phường, họ cũng xuống lập biên bản nhưng được vài ngày ngan lại mất. “Đã thế, khi nhà tôi phơi cà phê, bọn trộm còn ngang nhiên kéo cả bạt phơi cà phê, rồi xúc vô tải vác đi. Xe dựng trước nhà không lấy được thì bọn chúng rút hết xăng trong bình. Vì quá bức xúc nên anh Tình mới làm nên cái bẫy điện để phòng, chứ bản thân không có ý hại ai”, người vợ chia sẻ.
Một người hàng xóm của bị cáo bày tỏ: “Thằng Tình nó là người chịu khó, hiền lành, chưa từng gây thù oán, xích mích, hay hại ai bao giờ, bao nhiêu năm nay chỉ biết lao động, kiếm tiền nuôi vợ con, sáng dậy thật sớm lo gà qué, bò bê rồi đi làm rẫy, tối nào cũng phải 19h giờ mới về tới nhà”.
Chỉ vì bực tức mà Tình đã hành động dại dột. Xảy ra chuyện đáng tiếc để rồi phải lĩnh án, nhiều người dân thấy thương cảm cho số phận, hoàn cảnh của gia đình bị cáo. Không ngờ, hành động đó lại dẫn tới kết cục đau thương cho tên trộm, đẩy chính bản thân Tình rơi vào cảnh tù tội với cái án đắng lòng như thế.
Bị cáo Tình trước vành móng ngựa |
Vậy là, chỉ vì trộm ngan, Phiên đã phải mất mạng một cách oan uổng, còn Tình thì phải nhận án 90 tháng tù với tội danh “Giết người”. Vụ việc này là một bài học đắt giá cho những ai sử dụng điện lưới để bảo vệ tài sản gia đình của mình mà không nghĩ đến hậu quả xảy ra.
Thiết nghĩ, trong việc bảo vệ tài sản gia đình, người dân có quyền sử dụng nhiều thiết bị, cách thức, phương pháp khác nhau, tuy nhiên việc mắc điện vào xung quanh hoặc mắc trực tiếp vào tài sản bảo vệ là hết sức nguy hiểm. Hy vọng, sau vụ việc trên, bà con dân làng cũng rút kinh nghiệm trong việc bảo vệ tài sản gia đình./.