Phát cho biết: “Công việc chính của tôi là nhân viên ban doanh trại của Đoàn an dưỡng, nhưng từ thẳm sâu tâm hồn luôn hướng về Trường Sa, mặc dù nơi ấy đối với tôi chỉ biết qua báo, đài. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, tôi sáng tác thơ để đọc cho cựu chiến binh, bộ đội đến đây an dưỡng nghe, để họ vui lòng sống vui khỏe quãng đời còn lại”.
Sinh ra ở Long Thành (Đồng Nai), nhưng Phát là cậu bé không may mắn như bao trẻ khác, phải rời cha mẹ lúc hai tuổi, sau đó làm con nuôi của ba mẹ bây giờ.
Phát cho biết, gia đình ba mẹ nuôi của anh có truyền thống cách mạng, bố là bộ đội, mẹ là du kích. Thời chiến đấu, ba nuôi- ông Phùng Huy Hoàng đã xiêu lòng vì những bài thơ của bà Đàm Lan Phương rồi họ nhanh chóng thành chồng vợ. Lớn lên trong vòng tay yêu thương đùm bọc của bà Phương, Phát đã ảnh hưởng từ bà tâm hồn nghệ sĩ.
“Tất cả những bài thơ tôi làm đều gắn với biển đảo. Chẳng phải nhà thơ, nhưng thơ đã giúp tôi thêm yêu cuộc sống người lính, yêu Trường Sa. Mỗi lần có đoàn cựu chiến binh về nghỉ dưỡng, tôi lại đọc cho họ nghe. Có thương binh đã khóc vì xúc động, có chú cười bảo: “Lính trên cạn làm thơ về biển”. Các chú, các bác thương binh đã tiếp cho tôi sức mạnh để sáng tác” - Phát chia sẻ.
Phát sáng tác nhiều thể loại thơ như tự do, lục bát, thất ngôn bát cú. Mỗi một bài thơ là một cách thể hiện, nhưng tựu chung lại chứa đầy ắp chất biển mặn mòi, ai đọc cũng có chung sự cảm nhận: Cảm động, tự hào và kiêu hãnh về biển, đảo, về những người lính Trường Sa đang ngày đêm vững chắc tay súng canh biển trời của đất mẹ giữa ngàn khơi.
Một trong những bài thơ hay phải nói đến bài “Tiếng sóng Gạc Ma” mà thiếu úy Phát sáng tác trong một ca gác đêm ở đơn vị, trân trọng giới thiệu với độc giả.
Tiếng sóng Gạc Ma
Tôi đã nghe tiếng sóng vọng từ biển xa
Tôi đã nghe tiếng nói từ Trường Sa
Quần đảo nhỏ hiên ngang hình đất nước
Những trái tim che chở ngọn quốc kỳ
Giọt máu đào nhỏ xuống biển khơi
Mẹ vẫn chờ con trai của mẹ
Con ở đâu? Thẳm sâu từ biển cả
Bao năm rồi bất tử giữa đại dương
Gạc Ma, Gạc Ma. 64 linh hồn bất tử
Giọt máu đào nhuộm đá san hô
Gạc Ma, Gạc Ma các anh nằm dưới đó
Tiếng sóng vọng về, tiếng sóng Gạc Ma.