Xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng lớn
Có thể nhận thấy, dịch nCoV đang có những tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Có thể thấy rõ nhất, dịch bệnh này đã, đang và sẽ tác động lớn đối với hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam, không chỉ giới hạn trong quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc mà cả trên các thị trường thứ ba, ảnh hưởng từ xuất khẩu (XK), nhập khẩu, thương mại biên giới cho đến thương mại nội địa, sản xuất công nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng.
Một số tác động có thể chỉ ra như: Kéo dài thời gian giao hàng, thông quan do phải thực hiện các công tác kiểm dịch y tế nghiêm ngặt ở cả hai đầu (xuất và nhập). Đại diện Cục XNK (Bộ Công Thương) đánh giá, tình hình dịch đang diễn biến ngày càng khó kiểm soát nên việc XNK sang Trung Quốc sẽ càng khó hơn. Việc kiểm soát chặt chẽ việc phòng dịch ở đầu biên giới đã khiến số lượng hàng hóa xuất sang Trung Quốc mỗi ngày càng ít đi.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu vào Việt Nam cũng gặp một số khó khăn nhất định như nguồn hàng từ Trung Quốc giảm, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, XK sang các thị trường thứ ba. Tính đến thời điểm này, hầu hết các ngành công nghiệp Việt Nam đều đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, từ nguyên phụ liệu và máy móc.
Đại diện Cục XNK cho biết, Cục đã chủ trì cuộc họp với đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam, Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Tập đoàn Samsung nhằm đánh giá khả năng tác động đối với sản xuất kinh doanh của ngành hàng khi các mặt hàng nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc gặp khó khăn.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, nguồn nguyên liệu của ngành dệt may có một tỷ lệ đáng kể đến từ Trung Quốc. Dịch nCoV đã khiến nhiều DN sản xuất nguyên phụ liệu đóng cửa không hoạt động, đặc biệt Vũ Hán là thành phố có khá nhiều nhà máy lớn nên nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới là rất cao. Do đó, dù thị trường XK của ngành may mặc ít bị ảnh hưởng nhưng vì nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc có thể đóng cửa trong tháng 2 nên khâu cung ứng nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội DN điện tử Việt Nam nhận định, chỉ 1-2 tháng nữa sẽ nhìn thấy rất rõ tác động của dịch bệnh. Nguy cơ dừng sản xuất rất nhiều, việc trả lương cho người lao động, cộng thêm chi phí duy tu bảo dưỡng máy móc cũng là khoản lớn.
Còn bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng cho biết, theo khảo sát sơ bộ, nguyên liệu trong kho của các DN cũng chỉ đáp ứng sản xuất một thời gian nữa. Nếu Trung Quốc không mở cửa thì các DN da giày sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Tìm nguồn nguyên liệu thay thế
Trước dự báo khó khăn trên, các DN đang tìm nguồn hàng thay thế thị trường Trung Quốc nhưng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Ví dụ, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, các DN đang tìm kiếm mặt hàng da thuộc tại Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường có lợi thế lớn nhất đối với nguyên liệu giả da và nguyên phụ liệu, các giải pháp đưa ra chỉ mang tính chất ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Trong khi đó, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, để ứng phó với tình huống xấu nhất, hiện một số DN dệt may, da giày đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Braxin... nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu qua quốc gia khác không hề đơn giản, đặc biệt so sánh lợi thế về đơn giá, phía bạn hàng Trung Quốc luôn thấp hơn so với các nước khác, nên sẽ rất khó cạnh tranh.
Nếu bệnh dịch không thể dập tắt được trong 1-2 tháng tới, dự báo kinh tế toàn cầu sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để DN trong nước tiếp tục tìm nguồn nguyên liệu từ các thị trường khác. Điều này các DN Thái Lan, Ấn Độ hay Indonesia đã triển khai từ lâu nhằm giảm tỷ lệ phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do hiện nay DN trong nước có quy mô nhỏ và vừa chiếm trên 90% nên ngoài sự chủ động của DN, nhất thiết phải có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Thực tế hiện nay, một số khó khăn mà DN đang cần sự tiếp sức như có nguồn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ để tiếp cận công nghệ mới, những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Hay việc hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia cần thiết thực hơn.