Lo án hành chính tăng?

 Làm thế nào để việc khiếu kiện quyết định hành chính không như “đem trứng chọi đá” và đảm bảo các bản án hành chính được thi hành trên thực tế là băn khoăn của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Luật tố tụng hành chính Việt Nam – CHLB Đức” được Trường Đại học Luật tổ chức trong hai ngày 7 - 8/10.

Làm thế nào để việc khiếu kiện quyết định hành chính không như “đem trứng chọi đá” và đảm bảo các bản án hành chính được thi hành trên thực tế là băn khoăn của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Luật tố tụng hành chính Việt Nam – CHLB Đức” được Trường Đại học Luật tổ chức trong hai ngày 7 - 8/10.

a
 

Tranh chấp hành chính: nên cho kiện ngay?

TS. Nguyễn Văn Quang, Trường ĐH Luật Hà Nội trong phát biểu của mình đã cho rằng: với quy định mở rộng phạm vi các loại việc thuộc thẩm quyền xét xử hành chính bằng phương án loại trừ (như quy định của Dự thảo Luật TTHC, hiện đang được chỉnh lý để trình QH tại kỳ họp thứ 8 tới đây- PV) là quy định nhiều tiến bộ. Song TS Quang tỏ rõ sự lo ngại “quy định như vậy liệu có làm gia tăng số lượng các vụ việc tại Tòa án, và có tương quan với năng lực xét xử án hành chính ở nước ta?”

Theo Luật Tố tụng hành chính nước CHLB Đức, việc xét xử các vụ án hành chính được thực hiện bởi các tòa án độc lập, tách riêng khỏi cơ quan hành chính.

Mô hình các Tòa án hành chính được tổ chức như sau: Tòa án xét xử hành chính ở các bang là tòa án hành chính địa phương và mỗi bang có một tòa án hành chính bang. Ở cấp Liên bang là Tòa án hành chính Liên bang.

TS Quang cũng nhấn mạnh: việc không quy định thủ tục tiền tố tụng hành chính là bắt buộc (trừ một số loại việc) cũng sẽ làm tăng các vụ kiện hành chính tại tòa án. “Nếu giải quyết bằng con đường khiếu nại hành chính sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí so với con đường xét xử hành chính. Do đó, cần tính toán kỹ các vấn đề này”  - TS Quang đề nghị.

Nhìn vấn đề ở góc độ đồng bộ của hệ thống pháp luật, TS. Hoàng Quốc Hồng chỉ rõ: hiện tồn tại song song hai phương thức khiếu nại và khởi kiện, nhiều trường hợp làm cho vấn đề trở nên phức tạp do quy định không thống nhất giữa Luật Khiếu nại tố cáo và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Khác với ông Quang, ông Hồng cho rằng: nên quy định cá nhân, tố chức không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì được phép khởi kiện ngay mà không cần phải qua giai đoạn tiền tố tụng, trừ một số trường hợp nhất định”.

TS Trần Thị Hiền đồng tình với việc không nên quy định “cứng” phải khiếu nại hành chính trước khi khởi kiện như hiện nay mà đề nghị nên duy trì đồng thời hai cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính theo thủ tục khiếu nại và xét xử

Làm sao “thông” từ xét xử đến thi hành?

Với quan niệm kiện hành chính như “trứng chọi với đá”, nhiều đại biểu dự Hội thảo cũng bảy tỏ sự quan ngại về việc xử án hành chính hiện nay. TS. Quang nhắc lại một vấn đề không mới nhưng lâu nay chưa giải quyết được, đó là việc tổ chức mô hình cơ quan xét xử theo đơn vị hành chính lãnh thổ và những mối quan hệ phụ thuộc về tổ chức, nhân sự giữa Tòa án và chính quyền địa phương gây những ảnh hưởng không nhỏ đến tính độc lập trong xét xử của Tòa án, đặc biệt khi bên bị kiện là các cơ quan trong bộ máy hành chính ở địa phương (mà người ta gọi nôm na là “dân kiện quan”-PV)

Xử được “quan” thua kiện đã là cả một vấn đề, việc thi hành các bản án, quyết định hành chính còn khó hơn rất nhiều. Thực tế hiện nay, nếu bên bị kiện (ví dụ UBND) không tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án cũng khó có thể cưỡng chế (vì những quan hệ phụ thuộc như đã nói trên).

Thực tế những năm qua cho thấy, nhiều bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực nhưng nhiều năm không thi hành được. Nhiều đại  biểu kỳ vọng Dự án Luật tố tụng hành chính được Quốc hội thông qua và có hiệu lực sẽ khắc phục được tình trạng này.

Ngoài ra, một ý kiến khác từ Hội thảo còn cho rằng, việc thực hiện thi hành các bản án hành chính hiện nay còn thiếu sự giám sát của VKS. Do đó, cần có những quy định cụ thể về vấn đề này nhằm làm cho VKS phát huy vai trò của mình, thông qua đó phát hiện và kiến nghị xử lý nếu có những vi phạm trong thi hành án hành chính.

Bình An

Đọc thêm