“Lỗ hổng” bản quyền (Bài cuối): Cần chế tài đủ mạnh để xử lý

(PLVN) - Thời gian qua, việc xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ đang gia tăng khiến các cá nhân, tổ chức làm ăn uy tín hết sức đau đầu. Vậy làm thế nào để các nạn nhân tự bảo vệ mình, Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Luật sư điều hành hãng luật Giải phóng về vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng điều hành hãng luật Giải Phóng
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng điều hành hãng luật Giải Phóng

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc xâm phạm quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp trong thời gian qua?  

- Không khó để có thể nhìn ra thực trạng vi phạm về quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp… Mới đây nhất có thể kể đến vụ việc nhạc sĩ trẻ Châu Đăng Khoa bị tố đạo thơ của nhà thơ khác nhằm sáng tác hai bài hát nổi tiếng của mình. Vụ việc này không mới nhưng nó góp phần nói lên thực trạng đang khá nhức nhối về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ... 

Chuyện này diễn ra hàng ngày, thậm chí là công khai, gây ra ảnh hưởng với các thương hiệu, uy tín của người đã thực hiện nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ. Trước hết chính là sự sụt giảm đáng kể về doanh thu từ hành vi vi phạm pháp luật và sau đó là các nguy cơ mất uy tín do có thể tiềm ẩn bất cứ lúc nào.

Thực trạng này cũng cho thấy đó không chỉ là vấn đề thuộc về ý thức chủ quan của người vi phạm mà còn liên quan đến sự quản lý, hành lang pháp lý và các chế tài của pháp luật hiện nay. Riêng đối với vấn đề thu hút đầu tư, phải kể ra rằng thế giới hiện nay rất quan tâm đối với quyền sở hữu trí tuệ vì nó thể hiện trình độ phát triển cao của con người. Chương 18 của Hiệp định CCTPP với 83 điều quy định về sở hữu trí tuệ, cho Việt Nam 5 năm để hoàn thiện khung pháp lý trước khi áp dụng là minh chứng rõ ràng cho thấy sự coi trọng của chúng ta cũng như tất cả các nước khác trên thế giới đối với quyền về sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra một môi trường đầu tư lành mạnh nhất. 

Theo ông, hiện nay pháp luật của chúng ta đang có những điều khoản nào về sở hữu trí tuệ khiến những người xâm phạm sở hữu trí tuệ bị “lờn thuốc”, ngang nhiên xâm phạm của người khác?

- Tôi cho rằng vấn đề này nằm ở các điều khoản liên quan đến chế tài. Rõ ràng nó chưa đủ mạnh để xử lý triệt để mọi hành vi liên quan đến việc xâm phạm sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, các quy định về cơ quan chức năng phát hiện và xử lý các trường hợp xâm phạm sở hữu trí tuệ cũng đang có sự phân tán, chưa có lực lượng chuyên sâu đủ mạnh để xử lý các vấn đề này. Và đặc biệt nhất chính là ở việc chúng ta có luật, nhưng công tác phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ còn rất hạn chế khiến cho người có quyền sở hữu trí tuệ không rõ mình thực sự có quyền gì? Bảo hộ ra sao? Sẽ ngăn chặn vi phạm theo cách nào khi bị phát hiện… Luật sở hữu trí tuệ ban hành từ 2005, sửa đổi vào năm 2009 và đến nay chưa có văn bản mới thay thế. Bước chuyển 10 năm qua đã thực sự rất lớn để chúng ta cần có công tác đánh giá, hoàn thiện, thay thế, sửa đổi một cách toàn diện quy định về SHTT nhằm bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu.

Để bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình trước tình trạng “ăn theo”, theo ông thì các thương hiệu lớn cần phải làm gì? Về phía cơ quan chức năng cần có những giải pháp gì?

- Dĩ nhiên muốn được bảo hộ, trước hết các thương hiệu cần phải chắc chắn về hành vi pháp lý đăng ký bảo hộ đã được tuân thủ đầy đủ. Chúng ta không thể ngăn chặn được triệt để việc ăn theo các thương hiệu lớn. Điều này phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành pháp luật của người dân và thái độ trong kinh doanh, cạnh tranh. Nhưng khi đã đảm bảo chắc chắn được về các thủ tục, hồ sơ pháp lý bảo hộ cho thương hiệu của mình thì việc xử lý các hành vi “ăn cắp bản quyền” sẽ dễ dàng trên thực tế nhiều hơn. 

Kết hợp với đó là cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, xây dựng lực lượng chức năng riêng về tiếp nhận tin báo liên quan đến xử lý khiếu nại về sở hữu trí tuệ. 

Ngoài ra công tác hỗ trợ, kiểm tra khi đăng ký bảo hộ cũng cần phải gắn liền với công tác cải cách hành chính nhằm đảm bảo tinh gọn, nhanh chóng, thuận lợi cho người có quyền về sở hữu trí tuệ.

Xin cảm ơn ông.

Đọc thêm