80% Startup Việt “chết yểu”
Tại buổi hội thảo “Hoạt động khởi nghiệp – những khía cạnh pháp lý” diễn ra tại Hà Nội, sáng ngày 1/11/2018, do Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tổ chức. Ths. Nguyễn Quang Huy (Khoa Pháp luật Kinh tế - Đại học Luật Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh quốc gia hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới, khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự tăng trưởng kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng.
“Năm 2016 đã được Chính phủ xác định là năm quốc gia khởi nghiệp và giai đoạn 2017-2018 được xem là thời điểm chín muồi và sự ra đời của rất nhiều công ty khởi nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, số lượng startup thành công chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các startup chết yểu” – ông Huy nói.
Hiện Việt Nam đang có khoảng hơn 1500 startup hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Tính theo mật độ các công ty khởi nghiệp trên đầu người thì tỷ lệ ở Việt Nam cao hơn Trung Quốc, Ấn độ, Indonesia. Tuy nhiên, các thống kê gần đây đều phản ánh một bức tranh khá u buồn với tình hình phát triển của các Startup Việt. Cụ thể, trong số các startup mới ra đời chỉ có 3% là thực sự thành công, thỏa mãn được một trong các tiêu chí: được định giá từ 10 triệu USD trở lên, doanh thu từ 2 triệu USD, có từ 100 nhân viên, đã gọi vốn vòng 2 hoặc đã bán được công ty với giá tốt.
Đáng chú ý, các startup thành công hiện nay 100% đều học hỏi ý tưởng và bản địa hóa từ mô hình tương tự đã thành công ở nước ngoài. Trào lưu bê startup nước ngoài về rồi cắt gọt đi cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng đặc biệt phổ biến.
Theo ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ khởi nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, DN bắt chước startup nước ngoài giai đoạn đầu có thể thành công nhưng về lâu dài sẽ tụt hậu và sẽ khó cạnh tranh, khi ý tưởng tương tự đã được triển khai ở nhiều thị trường khác nhau trên thế giới.
“Có đến 80% startup Việt không có cơ hội kỷ niệm lần sinh nhật thứ 2. Các công ty này “chết yểu” hoặc chỉ tồn tại như một công ty xác sống” – ông Phạm Duy Hiếu nhấn mạnh.
“Rừng” vướng mắc
Nguyên nhân của những thất bại này, theo ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny khu vực Mỹ, Canada và châu Á - Thái Bình Dương, hầu hết các DN Việt đang hiểu nhầm khái niệm khởi nghiệp và lập nghiệp, điều này dẫn đến những chiến lược kinh doanh không phù hợp. Nhiều startup Việt vội vàng bắt đầu ngay khi nghĩ ra ý tưởng nhưng chưa xác định rõ ràng mục tiêu kinh doanh. Nhiều trường hợp khi startup gọi vốn, lại trong tâm thế “đi xin vốn” khiến họ phải chiều lòng nhà đầu tư.
Hơn nữa, việc các nhà sáng lập chưa nhận thức rõ về các vấn đề pháp lý cũng là một trong những nguyên nhân đang khiến nhiều startup thất bại. Là một trong những Cố vấn Chương trình khởi nghiệp Quốc gia, cũng là một Startup, bà Đoàn Thu Nga, Giám đốc Công ty Luật LAWPRO nhận định: Trên thực tế, nhiều DN khởi nghiệp khi bắt đầu đều không biết bắt đầu từ đâu, làm thế nào để thực thi, làm thế nào để được hưởng ưu đãi trong khi khởi nghiệp.
“Các DN khởi nghiệp đều gặp phải vướng mắc trong khâu, hồ sơ đăng ký không có sự hướng dẫn cụ thể về nội dung và hình thức; thủ tục rườm rà, gây mất thời gian; khâu xử lý hồ sơ của chuyên viên còn chậm dẫn đến chậm ngày trả kết quả, gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN” – bà Nga nói.
Bên cạnh đó, hàng loạt vướng mắc về quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện, về huy động vốn, nghĩa vụ thuế... cũng được bà Nga chỉ ra. Cụ thể, đối với quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bà Nga cho biết, hiện chúng ta có tất cả 5.719 điều kiện kinh doanh, thuộc 243 ngành nghề được quy định bởi Luật Đầu tư. “Những người đam mê kinh doanh họ sẽ mong muốn khởi nghiệp và khi khởi nghiệp họ chỉ quan tâm tới khách hàng và vốn, nên phần lớn là họ sẽ phó thác cho các đơn vị dịch vụ thủ tục để thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh cho họ và khi thực hiện thủ tục bước 1 xong thì họ cũng lãng quên đi việc phải đáp ứng tiếp các điều kiện sau đó để đủ điều kiện thực thi, bắt đầu đưa doanh nghiệp của mình vào triển khai thực tế kinh doanh”- Cố vấn Chương trình khởi nghiệp Quốc gia chia sẻ.
Dẫn chứng cụ thể, bà Nga thông tin: “Có hơn 60% các DN mà chúng tôi hỗ trợ hoặc là phải tham gia vào xử lý giải quyết tranh chấp với họ hoặc phải làm việc với các cơ quan quản lý thị trường đến khi hàng hóa bị tịch thu, khi bị các cơ quan quản lý nhà nước “sờ gáy” thì lúc đó họ mới biết mình cần phải làm gì”.
Một vấn đề đáng lưu ý là huy động vốn. Rào cản lớn nhất trong khía cạnh này ở chỗ Việt Nam chưa có quy trình pháp lý hay quy định nào về việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào và rút vốn ra khỏi các DN khởi nghiệp. Bên cạnh đó, khó khăn trong sở hữu trí tuệ của các DN khởi nghiệp như việc “chảy máu” chất xám. 100% giá trị các công ty startup là dựa vào sở hữu trí tuệ nhưng hầu hết các bạn trẻ không quan tâm và e ngại tới việc đăng ký bảo hộ các tài sản sở hữu trí tuệ (do chi phí lớn, thủ tục rườm rà, thời gian cấp phép đối với sáng chế, nhãn hiệu khá dài...).
Đồng tình với ý kiến trên, bà Ngô Thu Trang – Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư Pháp cũng cho rằng, khung pháp luật của ta vẫn còn lỗ hổng, chưa có các văn bản pháp luật điều chỉnh các chủ thể khởi nghiêp là các cá nhân, nhóm cá nhân chưa đăng ký kinh doanh.
Đặc biệt, đối với pháp luật hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao – thế mạnh của Việt Nam, vẫn còn những quy định chưa rõ ràng. Ví dụ: để tham gia vào lĩnh vực này một trong những chính sách là tích tụ, tập trung đất đai. Tuy nhiên, pháp luật về tích tụ, tập trung đất đai còn thiếu.
“Cần Cổng thông tin pháp lý cho DN khởi nghiệp”
Bà Đoàn Thu Nga, Giám đốc Công ty Luật LAWPRO, Cố vấn Chương trình khởi nghiệp Quốc gia đề xuất cần có một Cổng thông tin pháp lý để giải quyết những vướng mắc về pháp lý cho các DN khởi nghiệp. Tại địa chỉ này sẽ tập hợp toàn bộ các văn bản pháp lý cho bất cứ một ai mong muốn gia nhập vào giới kinh doanh, họ có thể dễ dàng biết mình cần làm gì, thực thi như thế nào? Nhận ưu đãi ra sao?...