'Lỗ hổng' trong đào tạo, kiểm soát tài xế xe tải

(PLVN) - Một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc do các loại xe tải nặng gây ra thời gian gần đây đã trở thành một vấn nạn nhức nhối với xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là “lỗ hổng” trong đào tạo, kiểm soát tài xế. PLVN ghi nhận góc nhìn của các cán bộ, cơ quan chuyên môn tại một địa phương là Đồng Nai.
Một xe container tự lật tại khu vực đèn tín hiệu giao thông ở ngã tư Amata (TP Biên Hòa)
Một xe container tự lật tại khu vực đèn tín hiệu giao thông ở ngã tư Amata (TP Biên Hòa)

Vướng mắc khi xác định tài xế nghiện hút

Theo thống kê của Công an Đồng Nai, chỉ trong vòng một tuần cuối cùng của đợt cao điểm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT) dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, đơn vị này đã phát hiện 4 tài xế trong cơ thể có chất ma túy. Trong đó 1 tài xế có bằng FC điều khiển xe container, 3 tài xế có bằng D và C điều khiển xe tải nặng.  

Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai, trong 2 tháng đầu năm 2019, đã lập biên bản vi phạm đối với 18.643 trường hợp, xử phạt 17.959 trường hợp với số tiền khoảng 5,5 tỷ đồng và tước bằng lái xe có thời hạn 215 trường hợp. Các lỗi vi phạm thường gặp đó là: quá tốc độ 566 trường hợp, quá nồng độ cồn 272 trường hợp, đi không đúng phần đường 1.037 trường hợp... Cũng trong đợt kiểm tra này Cảnh sát giao thông Đồng Nai phát hiện 86 trường hợp tài xế sử dụng bằng lái không hợp lệ.

Trước đó, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai khi triển khai chuyên đề xử lý lái xe sử dụng chất ma túy trên quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận tỉnh, phát hiện 4 tài xế dùng chất ma túy gồm 1 tài xế xe khách, 1 tài xế tải, 2 tài xế container.  

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an Đồng Nai, việc thực hiện kế hoạch kiểm tra tài xế sử dụng ma túy đã có tác dụng răn đe lớn. Tuy nhiên, đơn vị này cũng gặp một số khó khăn là chưa có hướng dẫn nghiệp vụ về trình tự, biện pháp đo thử ma túy, nên việc xử lý chưa thống nhất. Các trường hợp dương tính, một số sau khi được giáo dục, thuyết phục, công nhận sử dụng ma túy thì lập biên bản xử lý. Còn số đông không công nhận, khai là do uống thuốc cảm, yêu cầu được thử máu để kết luận. Do đó, việc lập hồ sơ còn khó khăn. Ngoài ra, việc đưa đối tượng đi thử máu, kết quả phải chờ lâu, ảnh hưởng đến việc lưu thông của lái xe trong trường hợp lái xe không sử dụng ma túy. Một số trường hợp lái xe đòi bồi thường thiệt hại trong thời gian chờ xử lý.

Kiểm tra tài xế nghiện hút, một khó khăn nữa là chủ doanh nghiệp (DN) vận tải cũng bao che. Mới đây, khi khám sức khỏe định kỳ cho các tài xế của một DN vận tải tại TP Biên Hòa, các bác sĩ của Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược Shingmark Đồng Nai (phường Long Bình Tân) phát hiện hai người dương tính ma túy. Sự việc lập tức được báo cáo lên Sở Y tế, nhưng lãnh đạo DN đề nghị BV “không công bố thông tin rộng rãi vì sợ uy tín của DN bị ảnh hưởng”. Lãnh đạo BV cho biết việc phát hiện trên chỉ là tình cờ, có thể do tài xế quá chủ quan mới bị phát hiện. Nếu tài xế đối phó thì khi đi khám sức khỏe định kỳ, rất khó phát hiện ra nghiện ma túy.

Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, qua kiểm tra một số DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, phát hiện nhiều sai phạm, trong đó lo ngại bậc nhất là nhiều đơn vị chưa quan tâm thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho lái xe.

 

Nhiều tồn tại trong các cơ sở tập lái

Với những tài xế xe tải, chỉ cần bất cẩn, thiếu kinh nghiệm xử lý là có thể gây ra thảm họa cho người đi đường. Thế nhưng trong đào tạo lái xe ở Đồng Nai, một trong những địa phương có năng lực đào tạo lái xe lớn nhất cả nước, thực tế cho thấy còn nhiều tồn tại.

Mới đây, Thanh tra Bộ GTVT thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại Đồng Nai và đã xử phạt hàng loạt vi phạm. Loại vi phạm mà các trung tâm đào tạo mắc nhiều nhất là hệ thống cơ sở vật chất chưa đảm bảo so với quy định tại Nghị định số 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô. Ví dụ như sân tập lái của Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe 2 (Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân VI Đồng Nai) không đảm bảo tiêu chuẩn. 

Một tồn tại phổ biến nữa là công tác tuyển sinh thực hiện thiếu nghiêm túc. Mặc dù chỉ kiểm tra xác suất, Thanh tra Bộ vẫn phát hiện nhiều đơn vị có một số hồ sơ học viên không đủ thành phần hồ sơ. Nhiều đơn vị có một số hợp đồng đào tạo lái xe có nội dung không phù hợp như địa điểm học thực hành lái xe không có tuyến đường tập lái, thời gian đào tạo không đúng với kế hoạch đào tạo... Các đơn vị vướng cả hai lỗi này như Trường Trung cấp Đinh Tiên Hoàng, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai…

Trong công tác đào tạo, Thanh tra Bộ ghi nhận hiện tượng nhiều giáo viên không tự ghi chép hoặc ghi chép sơ sài, mang tính hình thức tại sổ lên lớp, giáo án giảng dạy và sổ theo dõi thực hành. Sổ theo dõi thực hành in sẵn không có đủ chữ ký. Với công tác sát hạch lái xe, Thanh tra Bộ phát hiện Sở GTVT Đồng Nai phân công sát hạch viên làm Chủ tịch Hội đồng Sát hạch, Tổ trưởng Tổ Sát hạch một số kỳ sát hạch không phải là người của cơ quan quản lý sát hạch lái xe thuộc Sở. Qua kiểm tra xác suất, phát hiện có một số kỳ sát hạch, có thời điểm số lượng người làm việc trong phòng sát hạch lý thuyết nhiều hơn số người theo quy định…

Lãnh đạo Phòng Quản lý người lái thuộc Sở GTVT Đồng Nai cho biết toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở được phép đào tạo lái xe và 3 trung tâm sát hạch. Lâu nay, Sở quản lý các đơn vị này ở góc độ nhà nước như: kế hoạch đào tạo giấy phép lái xe, kế hoạch tổ chức thi sát hạch lái xe. Để công tác giảng dạy, đào tạo lái xe đảm bảo chất lượng, thời gian tới Sở sẽ có kế hoạch kiểm tra chặt chẽ hơn. 

Lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 50 cơ sở y tế đủ điều kiện được phép khám cấp giấy khám sức khỏe nói chung và giấy khám sức khỏe cho người lái xe nói riêng. Hiện việc kiểm tra giám sát chất lượng khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, số cơ sở y tế được phép khám và cấp giấy hạn chế, hiện quy định pháp luật nới lỏng nên các cơ sở “mọc lên” tràn lan, nhất là các cơ sở y tế ngoài công lập. “Trên thực tế việc khám và cấp giấy sức khỏe cho người dân nói chung và cho những lái xe nói riêng của một số cơ sở y tế hiện vẫn chưa được đảm bảo, một số nơi khám chỉ mang tính hình thức”, lãnh đạo Sở Y tế đánh giá.

Đặc biệt qua khảo sát của Sở Y tế, hiện trên địa bàn đường Bùi Văn Hòa thuộc 2 phường Long Bình và phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa) có nhiều tiệm photocopy có bán giấy khám sức khỏe với giá 50 ngàn đồng mà không cần khám hoặc không cần người khám có mặt. Giấy khám sức khỏe này chỉ cần mua và ngồi đợi trong vòng 10 phút là xong. Mẫu giấy khám sức khỏe này, chữ ký dấu mộc là của Trung tâm Y tế TP Biên Hòa và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Tất cả mẫu giấy khám sức khỏe này đã được Sở Y tế chuyển đến 2 đơn vị trên để kiểm tra, đối chứng và được trả lời toàn bộ các mẫu giấy khám sức khỏe trên đều là giả. 

Trong khi đó, theo thống kê của Công an Đồng Nai, hiện khu vực phường Long Bình và phường Long Bình Tân có khoảng 37 cơ sở photocopy có bán giấy khám sức khỏe không qua khám và giấy này không thuộc các cơ sở khám chữa bệnh. Hiện Sở Y tế Đồng Nai đang phối hợp với Công an Đồng Nai điều tra, xử lý và báo cáo kết quả về UBND tỉnh.

Đọc thêm