“Lỗ hổng” trong tập huấn kỹ năng cấp cứu cho trẻ em đuối nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực tế ở nước ta có nhiều trường hợp trẻ em bị đuối nước không được sơ cứu, cấp cứu kịp thời, dẫn đến tử vong. Điều này đã phản ánh vẫn tồn tại những “lỗ hổng” về lực lượng, chuyên môn của hệ thống sơ cấp cứu trẻ em đuối nước ở Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Mô hình cấp cứu ngoại viện của Việt Nam chưa được hình thành một mạng lưới để đáp ứng như cầu của người dân. (Ảnh minh họa)
Mô hình cấp cứu ngoại viện của Việt Nam chưa được hình thành một mạng lưới để đáp ứng như cầu của người dân. (Ảnh minh họa)

Hạn chế về chất lượng cấp cứu trẻ đuối nước tại y tế cơ sở

Đầu tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Trong đó công điện nêu rõ, thời gian gần đây các vụ đuối nước gây tử vong cho nhiều trẻ em vẫn còn thường xuyên xảy ra và ở mức cao ở một số địa phương. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác này và bảo đảm an toàn cho trẻ em, nhất là trong mùa hè, mùa mưa, bão sắp đến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc thực hiện sơ cứu, cấp cứu, điều trị, vận chuyển cấp cứu cho trẻ em bị đuối nước.

Trước đó, tại Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, Bộ Y tế có nhiệm vụ: “Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc thực hiện sơ cứu, cấp cứu, điều trị vận chuyển cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng cho trẻ em bị tai nạn, thương tích. Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành y tế về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Lồng ghép phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong xây dựng Cộng đồng an toàn của ngành y tế. Thu thập số liệu về tai nạn, thương tích trẻ em trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.

Có thể thấy một trong những nhiệm vụ cốt lõi của ngành Y tế đó là phải sơ cứu, cấp cứu, điều trị kịp thời cho trẻ bị đuối nước. Lẽ dĩ nhiên, muốn thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm này thì lực lượng y tế cơ sở phải đảm bảo việc 100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học, các bệnh viện, phòng khám trong và ngoài công lập... nắm chắc các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước.

Đáng tiếc, trên thực tế, nhiệm vụ này của ngành Y tế tới thời điểm hiện tại chưa thể hoàn thành. Mặc dù, tại nhiều địa phương, tỉnh thành đã tăng cường tập huấn cho nhân viên các cơ sở y tế, cộng tác viên... kỹ năng sơ cứu, cấp cứu gặp tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo lại chưa được đảm bảo. Do đó, ở nước ta đã xảy ra tình trạng lực lượng cứu hộ, cứu nạn lại cấp cứu trẻ đuối nước sai cách.

Minh chứng cho điều này, vào đầu tháng 11/2021, trường hợp một Thượng úy công an cứu sống bé gái bị đuối nước đã tím tái, ngừng thở bằng cách cầm 2 chân dốc ngược cháu bé về sau lưng chạy xung quanh sân để nước thoát ra ngoài. May mắn, cháu bé sau đó đã được đưa sang trạm y tế để cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, ngay sau khi những hình ảnh về kỹ năng cấp cứu trẻ đuối nước của đồng chí công an này đã đưa đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Và đa số ý kiến đều cho rằng, đồng chí thượng úy đã cấp cứu trẻ đuối nước sai cách.

Cần biết rằng, khoa học hiện đại đã chứng minh việc dốc ngược trẻ hoặc vác trẻ lên vai rồi chạy cho nôn nước ra sẽ làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc…

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu (BV Nhi Trung ương) khi chia sẻ với báo chí cho biết, một trong những sai lầm gặp phổ biến nhất khi vớt được người đuối lên, người dân thường cấp cứu bằng cách vác bệnh nhân lên vai rồi chạy, hay dốc ngược lên với hi vọng nước ọc ra.

Tuy nhiên, vấn đề chính lúc này là do bệnh nhân bị chìm lâu trong nước, nước vào đường thở, thiếu oxy, gây suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tim nên cấp cứu ngừng thở, ngừng tim là vô cùng quan trọng, quyết định sự sống của nạn nhân. Quan trọng nhất lúc này là cấp cứu cơ bản gồm hà hơi, thổi ngạt, ép tim để cấp oxy cho não. Việc vác nạn nhân lên chạy, hay dốc ngược bệnh nhân để ọc nước ra làm mất thời gian vàng cứu sống bệnh nhân.

Việc một chiến sĩ công an, thường xuyên tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn còn mắc sai lầm trong quá trình cấp cứu như vậy chứng tỏ ngành Y tế chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác tập huấn kỹ năng cấp cứu cho trẻ em bị đuối nước.

Thực tế ở nước ta, phần nhiều người dân vẫn cho rằng khi gặp trẻ bị đuối nước thì sẽ thực hiện cách sơ cứu như đồng chí công an nói trên. Phương pháp sơ cứu này đã “ăn sâu” vào nhận thức của người dân Việt Nam. Do đó, ngành Y tế cần phải thực sự sâu sát hơn nữa trong công tác tuyên truyền, tập huấn cho lực lượng y tế cũng như cộng đồng về phương pháp cấp cứu đuối nước cho trẻ đúng cách.

Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, công tác tuyên truyền, tập huấn về cách sơ cứu, cấp cứu đúng cách cho trẻ đuối nước của ngành Y tế chưa được thực hiện đồng bộ, còn thiếu sót, sơ sài. Đáng lo khi điều này đang xảy ra ngay trong nội bộ ngành và những đơn vị lực lượng “nòng cốt” làm công tác cấp cứu hộ, cứu nạn.

Kiến thức sơ cứu trong cộng đồng gần như bằng không

Không chỉ về chất lượng, về lực lượng tại các cơ sở thôn, bản hay các cơ sở y tế trong hoặc ngoài công lập biết cách cấp cứu cho trẻ bị đuối nước ở nước ta còn rất ít và thiếu. Cần biết rằng, công tác cấp cứu bao gồm cả cấp cứu ngoại viện và cấp cứu nội viện. Cấp cứu trong bệnh viện, cơ sở y tế là chuyện nội bộ của ngành y tế. Nhưng việc cấp cứu ngoại viện – hoạt động sơ cấp cứu ở bên ngoài trước khi đưa nạn nhân đuối nước đến cơ sở y tế giao cho bác sĩ là chuyện toàn xã hội, của mỗi người dân. Đáng buồn, ở Việt Nam, kiến thức về sơ cứu trong cộng đồng gần như bằng không.

Lực lượng y tế cơ sở của Việt Nam rất mỏng và đa số trong các trường hợp trẻ em đuối nước thì cần phải cấp cứu nhanh chóng, tại chỗ. Và rõ ràng nếu khi trẻ đuối nước và phải đợi được nhân viên y tế tới thì sẽ rơi vào tình trạng “nước xa không thể cứu được lửa gần”.

Hiện tại, ngành Y tế của nước ta đang yếu kém trong cấp cứu ngoại viện, điều này rõ ràng sẽ khiến sự an toàn, cơ hội sống của không ít người bị tước bỏ.

Trên thế giới, nhiều nước ở châu Âu hay Mỹ, thậm chí tại các nước trong khu vực Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan... đều có hệ thống cấp cứu ngoại viện rất phát triển. Trong số đó, Mỹ là hình mẫu về mạng lưới cấp cứu ngoại viện, đây là tổ chức của những chuyên viên tham gia sơ cứu khẩn cấp ngoài cộng đồng. Đội ngũ tham gia mạng lưới này không phải bác sĩ, y tá hay điều dưỡng nhưng họ được trang bị đầy đủ kiến thức sơ – cấp cứu và dụng cụ để phục vụ công tác cứu người.

Khi nhận được bất cứ cuộc gọi nào thông báo sự cố, có tai nạn nói chung hay nạn nhân đuối nước, họ sẽ sẵn sàng lên đường bằng phương tiện cá nhân để tranh thủ thời gian vàng cứu nạn nhân. Những công việc sau đó do đội vận chuyển cấp cứu và bệnh viện tiếp quản. Lực lượng này hoạt động chủ yếu trên tinh thần tự nguyện và chỉ nhận được một.

Việt Nam cũng có mạng lưới y tế cơ sở dày đặc như một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa khiến lực lượng này hình thành mạng lưới cấp cứu ngoại viện phủ khắp cả nước.

Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã xuất hiện mô hình cấp cứu tương tự trên của một số đơn vị tư nhân. Dù vậy, lực lượng cấp cứu quá “mỏng” không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Số lượng bác sĩ tại Việt Nam hiện nay đạt tỷ lệ 8 bác sĩ/10 nghìn dân, kém xa so với nhiều nước trong khu vực là 20 bác sĩ/10 nghìn dân.

Còn tại Hà Nội có khoảng trên dưới 10 triệu dân nhưng hệ thống 115 của thủ đô chỉ vỏn vẹn vài chục xe cứu thương. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, với quy mô dân số như ở Hà Nội, thành phố cần 100-150 xe.

Có thể thấy, ngành Y tế đang gặp vấn đề trong việc thực hiện nhiệm vụ góp phần giải quyết vấn nạn trẻ bị đuối nước khi hệ thống 115 yếu, thiếu, không có mạng lưới cấp cứu ngoại viện, cùng với đó là công tác đào tạo về kỹ năng sơ cứu ở các cơ quan, đơn vị cũng hết sức sơ sài.

Đọc thêm