Lo lắng sự “Tây hóa” ngôn ngữ của giới trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với xu hướng toàn cầu hóa, ngoại ngữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Việc các bạn trẻ thành thạo 2-3 ngôn ngữ đã trở thành một điều bình thường. Tuy nhiên, sử dụng pha tạp tiếng Việt với các thứ tiếng khác khiến không ít người lo ngại sự lai căng ngôn ngữ của giới trẻ làm giảm sự trong sáng tiếng Việt.

Hại não khi nghe giao tiếp “nửa nạc, nửa mỡ”

Sự việc diễn viên Chi Pu liên tục nói chuyện “nửa Tây, nửa Ta” trong livestream dù mới sang Mỹ chưa được bao lâu khiến nhiều người tranh luận về vấn đề pha tạp ngôn ngữ trong giao tiếp thường ngày của giới trẻ.

Cụ thể, Chi Pu nói: “Sự thật thì luôn luôn đơn giản nhưng people make it complicated (mọi người cứ thích phức tạp hóa lên), nên là mình cứ enjoy cái moment (tận hưởng khoảnh khắc) này”; “Mình có thời gian tĩnh lại, ở một mình nhiều hơn. Throw back (ngẫm nghĩ lại) những gì đã xảy ra trong suốt khoảng thời gian rất là dài. Mình sẽ tương tác với mọi người nhiều hơn và có cái hoạt activities (hoạt động) nào thì sẽ show (giới thiệu) cho mọi người”.

Việc cố tình xen nhiều từ tiếng Anh, bên cạnh đó còn phát âm sai, diễn đạt chưa đúng của Chi Pu khiến người nghe khó chịu.

ChiPu chèn tiếng Việt lẫn tiếng Anh khi giao tiếp.

ChiPu chèn tiếng Việt lẫn tiếng Anh khi giao tiếp.

Dư luận lại nổi lên chuyện Giang Coco - một cô gái tham gia “Hẹn hò giấu mặt”, trong mỗi câu nói bằng tiếng Việt đều chèn thêm một vài từ tiếng Anh như là “Em là một người rất sentimental nên luôn muốn partner phải ở bên cạnh mình... Nếu như phải đi đến long distance relationship thì đó phải là mối quan hệ rất serious đối với em...”.

Cách nói “nửa nạc, nửa mỡ” này đã khiến cô gái trẻ bị chỉ trích không thương tiếc.

Được biết, Giang Coco có IELTS 7.0 và nhận được học bổng du học Thụy Sĩ, là dân học chuyên tiếng Pháp. Sau khi bị “ném đá”, Giang phân bua mình gặp chút khó khăn để diễn đạt bằng tiếng Việt càng khiến dân mạng phẫn nộ hơn. Phải chăng cứ học tiếng Anh, cứ IELTS 7.0, cứ là du học sinh thì nói chuyện phải pha chút tiếng Anh cho sang và tiếng Việt sẽ chẳng... thành thạo nữa?

Cô gái bị ném đá khi nói tiếng Việt pha tiếng Anh khi tham gia chương trình Hẹn hò giấu mặt.

Cô gái bị ném đá khi nói tiếng Việt pha tiếng Anh khi tham gia chương trình Hẹn hò giấu mặt.

Nữ ca sĩ trẻ Mỹ Anh - thí sinh chương trình “The Heroes” với câu nói: “Em muốn represent được cái culture của em là người Việt Nam” khiến cô trở thành tâm điểm bất đắc dĩ của chương trình và nhận về “gạch đá” cũng không kém cạnh Giang Coco.

Hai MC chương trình là Trác Thúy Miêu và Dustin Nguyễn cũng hay nói tiếng Việt lẫn tiếng Anh khiến người xem có cảm giác đây là một chương trình… của hải ngoại. Trong một số chương trình khởi nghiệp trên truyền hình hay truyền cảm hứng cho giới trẻ, cũng có thể dễ dàng bắt gặp các nhân vật nói chuyện pha trộn tiếng Anh vào câu nói tiếng Việt.

Trong vai trò huấn luyện viên Rap Việt mùa 2, nam rapper Binz nhiều lần đưa ra những nhận xét có pha tiếng Anh như: “Ờ mây zing gút chóp em”, “Khi anh làm việc với em mình không cần nói về flow nữa, mình chỉ nói về content thôi. Lúc đó mới là big things gonna happen”. Những câu pha lẫn này của Binz khiến thí sinh và các khán giả xem truyền hình ngớ người vì… khó hiểu.

Trác Thúy Miêu và Dustin Nguyễn liên tục bắn tiếng Anh lẫn tiếng Việt khiến khán giả ngán ngẩm.

Trác Thúy Miêu và Dustin Nguyễn liên tục bắn tiếng Anh lẫn tiếng Việt khiến khán giả ngán ngẩm.

Việc những nghệ sĩ, MC, người nổi tiếng sử dụng xen lẫn tiếng Anh một cách thái quá vào đoạn hội thoại, giao tiếp đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích, giễu nhại sự “sính ngoại”. Rõ ràng việc sử dụng tiếng Anh một cách bất hợp lý và không cần thiết như vậy là phản cảm và hạ thấp giá trị tiếng Việt.

Đừng vì “sang miệng” mà tổn hại tiếng mẹ đẻ

Vì sao nhiều người lại có cách nói tiếng Việt pha tiếng Anh như vậy? Có người vì sống lâu ở nước ngoài nên khi nói tiếng Việt cũng ít nhiều quên một số từ ngữ. Có người làm việc thường xuyên trong môi trường ngôn ngữ nước ngoài nên hình thành thói quen “loạn ngữ” và thường là họ cũng chẳng cần sửa chữa vì cho rằng đây là thói quen hay. Có người lại cố tập cách nói kiểu này để tỏ ra có cá tính, nói cho “sang miệng”...

Trong thời đại toàn cầu hóa, mở rộng giao lưu quốc tế, khó tránh khỏi sự xâm nhập của ngoại ngữ vào tiếng Việt. Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc chêm ngoại ngữ vào tiếng mẹ đẻ khi giao tiếp. Ngôn ngữ là vỏ của tư duy, nên đặc tính tư duy của mỗi dân tộc thể hiện thành những đặc điểm ngôn ngữ của mình. Tư duy của người Việt thiên về tình cảm, nên nguồn gốc từ vựng tiếng Việt đều rất cụ thể, nhưng kho từ biểu thị thái độ, tình cảm cũng rất phong phú.

Nguyễn Thị Khánh Huyền, là cựu học sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Sau những chuyến du lịch qua hơn 20 quốc gia trên thế giới, Huyền đạt điểm SAT cao và nhận được học bổng của Trường ĐH Stanford, Mỹ rồi ghi danh vào chương trình thạc sĩ của Đại học lừng danh này chia sẻ:

“Thực tế theo Huyền thấy thì có một số người nói nhiều ngôn ngữ mà nói ngôn ngữ nào cũng dở. Khi nói chuyện với người Việt ở Việt Nam, nên cố gắng dùng tiếng Việt hoàn toàn vì sợ nếu chẳng may dùng từ tiếng Anh mà người nghe không biết thì sẽ làm chậm việc giao tiếp lại và có thể khiến người nghe tự ái và nghĩ mình cố tình thể hiện. Lạm dụng nói tiếng Việt chêm tiếng Anh với lý do nguỵ biện là nhiều từ tiếng Anh trong tiếng Việt không biết diễn đạt thế nào cũng khó có thể hợp lý, vì có thể có một số từ khó diễn đạt ngắn gọn bằng tiếng Việt, nhưng hoàn toàn không thể dễ đạt bằng tiếng Việt thì không đúng”.

Binz thường nói tiếng Việt pha tiếng Anh trong Rap Việt.

Binz thường nói tiếng Việt pha tiếng Anh trong Rap Việt.

Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Khuất Thị Hoa cho hay: “Ở vụ việc của Chi Pu, với tư cách là một người của công chúng, những lời nói hay hành động của nữ ca sĩ đều có thể ảnh hưởng đến giới trẻ. Việc người nổi tiếng sử dụng ngôn ngữ chưa phù hợp sẽ tác động tiêu cực đến người xem, đồng thời làm mất đi sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ”.

Nhiều nhà ngôn ngữ học cho hay, những người nói tiếng Việt pha tiếng Anh đang thiếu đi sự tôn trọng. Họ thiếu sự tôn trọng với người nghe và thiếu sự tôn trọng đối với ngôn ngữ dù là tiếng Việt hay tiếng Anh, một sự thiếu tôn trọng văn hóa nói chung. Đừng cố tỏ ra cá tính khi thể hiện “song ngữ” trong giao tiếp vì càng cố thì chỉ càng làm trò hề. Giống như với tiếng lóng và ngôn ngữ mạng, chỉ nên dùng xen pha ngoại ngữ khi nói vui, giải trí một cách thân mật, hoặc có thể dùng trong trường hợp cần nhấn mạnh điều gì đó, nhưng phải dùng trong văn cảnh phù hợp. Việc cố tình chêm tiếng nước ngoài vào câu nói của mình khi đang trò chuyện cùng người Việt thể hiện sự tự ti, khiếm khuyết của mỗi cá nhân về ngôn ngữ mẹ đẻ và trên hết là sự tự ti về dân tộc. Mỗi người nên có ý thức hạn chế việc lạm dụng này để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

Dù có cố ý hay không thì nói chuyện “nửa Tây, nửa Ta” sẽ làm mất đi nét đẹp của tiếng Việt. Bản thân mỗi người cần nâng cao vốn ngoại ngữ của mình để trở thành công dân toàn cầu, chứ không phải để làm màu, khoe khoang và thay thế tiếng nói của dân tộc. Dùng ngoại ngữ đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh sẽ khiến bản thân trở nên tinh tế hơn.

Các doanh nhân thành đạt mong các bạn trẻ hãy giữ gìn sự thuần khiết của tiếng Việt, đừng dùng cách nói chuyện như thế bởi lâu dài sẽ khiến ngôn ngữ tiếng Việt bị cùn mòn. Nhiều doanh nhân, người nổi tiếng yêu quý, trân trọng tiếng Việt, dù xuất ngoại trở về, khi nói chuyện bằng tiếng Việt vẫn ý thức giữ cách nói thuần Việt, không lai tạp.

Học ngoại ngữ là để giao tiếp với người nước ngoài, học hỏi thêm ở bạn bè quốc tế chứ không phải để quên đi tiếng mẹ đẻ và nguồn cội nơi mình sinh ra. Ngôn ngữ là niềm tự hào, là “màu cờ sắc áo” của mỗi dân tộc. Chị Nguyễn Hoàng Thảo - Giảng viên ĐH Hà Nội - dịch giả tiếng Anh, tiếng Nhật khẳng định: “Văn hóa là gốc để định hình cho vị thế, niềm tự hào kiêu hãnh của mỗi dân tộc, mà nguồn gốc của văn hóa lại là ngôn ngữ. Mình luôn nói với các bạn sinh viên của mình là càng học lên cao, càng nên trau dồi vốn tiếng mẹ đẻ của mình. Yêu nước trước tiên đến từ yêu tiếng nói, chữ viết của nguồn cội mình”.