Lo lắng sức khoẻ ảnh hưởng nếu trẻ học online kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, câu chuyện một nữ sinh lớp 12 tự dùng dao cắt tay mình khiến nhiều người lo lắng cho vấn đề sức khoẻ của học sinh khi phải ở nhà nhiều, học online. Cùng với đó, số học sinh đến khám sức khỏe tâm thần gia tăng hơn bình thường.
Học sinh học online nhưng áp lực học hành không thay đổi.
Học sinh học online nhưng áp lực học hành không thay đổi.

Khi tất cả đều online

Về trường hợp nữ sinh tự dùng dao cắt tay, bác sỹ (BS) Trần Thị Sáu, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, cho biết: “Trước khi bắt đầu năm học mới, nữ sinh lớp 12 này đã có biểu hiện lo âu, buồn chán và dùng vật sắc nhọn tự cắt vào tay nhiều lần. Sau khi thăm khám, chúng tôi đã phải cho bệnh nhân dùng thuốc, kết hợp với gia đình dùng biện pháp điều trị tâm lý, hiện tình trạng của nữ sinh đã được cải thiện”.

Theo BS Sáu, sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách số người đến khám sức khỏe tâm thần gia tăng hơn bình thường. Bệnh nhân đến khám ở mọi lứa tuổi nhưng nhóm tuổi vị thành niên, thanh niên chiếm tỷ lệ cao nhất. Đa số bệnh nhân đến khám đều chung một nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh và việc học online lâu dài. Trong đó, có trường hợp bị biểu hiện rối loạn lo âu, trầm cảm khá nặng, đến mức tự hành hạ cơ thể mình. Theo lý giải của BS Sáu, áp lực học tập, cùng với việc phải ở nhà lâu do dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tư tưởng của mọi người, đặc biệt là lứa tuổi học sinh (HS). Với những trường hợp đang ở lứa tuổi thay đổi tâm sinh lý như nữ sinh nói trên tác động bên ngoài ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, suy nghĩ, tâm lý, hành vi.

Thực tế, trong thời gian học online, dù Bộ GD-ĐT đã yêu cầu giảm tải chương trình, giảm bớt kiến thức nhưng nhiều phụ huynh vẫn không khỏi choáng váng khi thấy số lượng bài tập hằng ngày con phải giải quyết quá nhiều.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 khiến các em phải ở nhà học online trong một thời gian dài nên sẽ có nhiều diễn biến tâm lý phức tạp hơn, đa dạng hơn, tập trung ở các biểu hiện như: buồn bã, lo âu, căng thẳng và ngại tiếp xúc với mọi người, thiếu cởi mở. Học online không được giao tiếp với bạn bè, ngày nào cũng ngồi học một mình trước máy tính khiến các em cảm thấy cô đơn, tẻ nhạt. Đáng nói là, học online phải giảm yêu cầu về kiến thức nhưng nhiều thầy cô, bố mẹ lại vẫn đặt nhiều kỳ vọng như khi các em đang học trực tiếp. Trong khi đó, nhiều em gặp khó khăn trong việc tiếp thu, nhất là những em chưa tìm được phương pháp học hiệu quả, khiến các em càng lo lắng. Đặc biệt, với HS cuối cấp, những thông tin về thi cử như: đạt điểm cao vẫn trượt đại học, hay thay đổi trong phương án tuyển sinh của các trường đại học… cũng khiến các em bị áp lực.

“Thời gian này chúng tôi nhận thấy nhiều em rơi vào trạng thái lo âu, buồn bã… khiến việc học bị giảm sút. Đối diện với những khó khăn đó, nếu em nào không tự giải quyết được thì có thể sẽ tìm cách giải tỏa bằng việc tự hủy hoại cơ thể của mình như em nữ sinh trên”- thầy Bình cho biết.

TS Tâm lý học Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam cho rằng: “Khi các em phải chuyển trạng thái bất thường liên tục trong thời gian dài như vậy, nếu giáo viên không tìm được cách dạy phù hợp và giao bài tập nhiều như khi học trực tiếp sẽ khiến cho việc học trở nên nặng nề và nhàm chán. Không ít trường vẫn tham dạy đủ giờ, đủ tiết như khi học trực tiếp khiến ngày nào các em cũng phải ngồi trước máy hàng giờ liền rất mệt mỏi”.

Áp lực từ người lớn

BS Trần Thị Sáu cho rằng, để sớm phát hiện và can thiệp kịp thời, vai trò của người thân là rất quan trọng. “Bố mẹ phải thường xuyên quan tâm, giám sát các con để phát hiện những bất thường ở trẻ. Ví dụ như trước đây con vui vẻ, hoạt bát, ngoan hiền nhưng bỗng nhiên gần đây có những thay đổi bất thường về hành vi, hay cáu gắt, rối loạn giấc ngủ thì cần sớm đi khám chuyên khoa tâm thần. Tránh để tình trạng quá nặng, việc điều trị sẽ khó khăn hơn”…

Thầy Tùng Lâm cũng chia sẻ, thời gian này giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) có một khẩu hiệu riêng: “Chống nhàm chán, chống căng thẳng trong học online”. Để làm được điều đó, ngoài việc thay đổi phương pháp dạy, tạo hứng thú học tập cho các em thì giáo viên giao ít bài tập về nhà. Thậm chí có thể phân thành 3, 4 nhóm trình độ để giao bài tập phù hợp, chứ không phải bắt buộc HS phải làm hết các bài tập như trước. Trong điều kiện dịch bệnh này, giáo viên luôn cố gắng hiểu và chia sẻ những khó khăn của HS để tránh những căng thẳng không đáng có cho các em.

Tương tự, thầy Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng, thầy cô cần thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ về việc giảm tải các kiến thức. Đồng thời, phải thay đổi để có phương pháp dạy học phù hợp với học trực tuyến, ví dụ: tăng sự tương tác giữa giáo viên với HS, HS với nhau, tổ chức các hoạt động tập thể... Để kịp thời giải quyết những vấn đề tâm lý học đường, nhà trường cũng đã lập đường dây nóng để HS có thể trao đổi với giáo viên tâm lý và từ đó, các thầy cô sẽ phối hợp với gia đình để cùng tìm các giải pháp giúp con vượt qua.

Thầy Bình cho biết, các em hay gặp những áp lực trong học tập như: việc lập kế hoạc học tập, lựa chọn phương pháp học tập, áp lực điểm số, lịch học nhiều, bài tập nhiều và khó, hay bị điểm kém… Chính vì vậy, nhà trường cũng lên kế hoạch mời chuyên gia tâm lý giáo dục đến nói chuyện với thầy cô qua hình thức trực tuyến, bồi dưỡng thêm cho các thầy cô các kiến thức liên quan đến sức khỏe tâm thần học đường.

Thực tế nữa theo không ít thầy cô là những phần giảm tải manh mún theo từng bài đã vô tình để học sinh phải tự học, mà không hiểu. Do đó, giảm tải thực ra gây áp lực hơn khi học sinh bị trống kiến thức những phần giảm hoặc tự mày mò, vô hình trung, lại không giảm với học sinh. Và như thế, học online nhưng áp lực trường lớp không vì thế mà thay đổi.

Đọc thêm