Bệnh nhân H.T.L (52 tuổi, trú tại xã Tân Bắc, huyện Quang Bình) đến bệnh viện khám trong tình trạng đau nhiều, nhức nhiều khớp vai phải, hạn chế vận động, có nhiều vết bỏng kích thước 1x1,5cm.
Bệnh nhân kể lại, do bị đau cổ vai gáy nên đã đến thầy lang gần nhà đốt ngải, đốt hương. Sau khi đốt vài ngày, tình trạng đau cổ vai gáy không giảm, thậm chí tại những nốt đốt xuất hiện tình trạng đau rát, viêm mủ.
Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng của bệnh viện thăm khám và điều trị theo nhiều phương pháp khác nhau. Theo các bác sĩ, đây không phải lần đầu tiên bệnh viện bệnh nhân tiếp nhận trường hợp bị bỏng da, hoại tử sau đốt ngải, đốt hương.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, khi cơ thể có vấn đề về xương khớp nên đi khám tại các cơ sở y tế để có hướng điều trị thích hợp. Phương pháp điều trị dân gian như đốt ngải, đốt hương... dù khi thực hiện người bệnh có thể cảm thấy dễ chịu hơn nhưng thực tế không mang lại hiệu quả trong việc điều trị đau mỏi vai gáy hay đau của thoái hóa khớp.
Trước đó, ngày 15/5, Bệnh viện 1A (TP HCM) tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân bị gãy xương sườn do bấm huyệt, bẻ khớp.
Bệnh nhân kể lại, sau khi xem được các video bẻ khớp trên mạng xã hội, anh đã tìm tới một phòng khám tư, thực hiện bẻ khớp theo quảng cáo với mong muốn trị hết bệnh.
Tuy nhiên, sau khi bẻ khớp bệnh nhân thấy đau nhức xương thêm nên đã tới viện khám. Tại bệnh viện, qua thăm khám và chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị gãy 1 bên xương sườn và nứt sụn sườn 2 bên.
Qua đây các bác sĩ khuyến cáo: "Việc bẻ khớp tại các cơ sở massage không phải là phương pháp điều trị chính thống. Ban đầu có thể đem lại cảm giác thoải mái, thư giãn nhưng về lâu dài có thể dẫn đến tổn thương, chấn thương khiến khớp bị thoái hóa. Nếu tác động mạnh có thể bị bong gân, giãn dây chằng, mạnh hơn là tổn thương cơ nặng, thậm chí là gãy xương".