Theo tờ Irish Times, động thái của Mỹ đã vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng đây là ví dụ mới nhất cho thấy Chính phủ của Tổng thống Donald Trump tiếp tục chính sách rút khỏi những thỏa thuận quốc tế.
Những ý kiến này cho rằng với việc dừng thực thi các nghĩa vụ theo Hiệp ước INF, Mỹ sẽ thoải mái bắt đầu phát triển các vũ khí vượt các giới hạn theo hiệp ước.
Các nghị sỹ cấp cao của đảng Dân chủ cũng đã chỉ trích động thái này. Nghị sỹ bang Connecticut Chris Murphy cho rằng quyết định của Mỹ là “món quà” với Nga vì nó sẽ cho phép Nga phát triển các vũ khí hạt nhân tầm trung mà không còn bị Mỹ chú ý.
“Chúng ta không có lợi từ việc này và đối mặt thêm những nguy cơ”, ông nói.
Hãng tin TASS dẫn lời ông Ivan Timofeev - Giám đốc Chương trình “Valdai” của Nga - cũng cảnh báo về khả năng xảy ra một chạy đua vũ trang mới sau động thái của Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Timofeev, việc này sẽ không bắt đầu ngay mà phải sau nhiều năm nữa, khi các hệ thống vũ khí mới ra đời mới trở thành hiện thực.
Xa hơn, Giám đốc Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Nga Andrei Kortunov còn cho rằng Hiệp ước về vũ khí tiến công chiến lược (START-3) cũng có nguy cơ bị phá vỡ sau khi Mỹ rút khỏi INF.
Ông Kortunov cho rằng đã xuất hiện các nguy cơ đe dọa toàn bộ hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân không chỉ ở cấp độ song phương mà cả đa phương.
Theo ông này, nhiều hiệp ước về kiểm soát vũ khí khác cũng có thể lọt vào vùng nguy cơ cao và các nguy cơ đe dọa quân sự sẽ gia tăng nếu Mỹ bố trí hệ thống tên lửa trên lãnh thổ các nước đồng minh.
Còn chuyên gia Sergei Ermakov của Viện Nghiên cứu chiến lược Nga cho rằng lập trường của các nước châu Âu sẽ có vai trò quan trọng trong việc cứu vãn INF vì các nước này đối mặt với các nguy cơ an ninh nếu hiệp ước bị phá vỡ.