Lo ngại mặt trái ở những điểm du lịch “đen tối”

(PLO) - Mới đây nhiếp ảnh gia Phạm Minh Hải đã chia sẻ bộ ảnh về một mùa thu bình yên ở Pakistan sau chuyến đi cùng vợ đến vùng đất mà nhiều người không bao giờ nghĩ đến.
Một bức ảnh về mùa thu bình yên ở Pakistan
Một bức ảnh về mùa thu bình yên ở Pakistan

Từ đó cho thấy, du lịch tới những địa điểm được cho là “đen tối” của thế giới vẫn diễn ra và có ý nghĩa riêng với những trải nghiệm kỳ lạ, thậm chí còn trở thành xu hướng của một bộ phận giới trẻ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải dạng du lịch bụi hay tự túc, du khách có thể thoải mái xách ba lô đi mà không nghiên cứu tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng trước khi đến được.

Theo chia sẻ của một du khách kinh nghiệm, đến với những địa điểm có độ nguy hiểm cao, tốt nhất nên đăng ký với tour uy tín từ nước bản xứ hoặc tour ở Việt Nam, nhưng phải có người bản xứ am hiểu về nền chính trị, văn hóa, tập quán của đất nước đó để nắm rõ những điều được và không được làm.

Ví dụ như ở Triều Tiên, có một số điều cấm như không được chụp hình quân đội; không được gỡ bỏ lấy những ấn phẩm như tranh ảnh tuyên truyền, biểu ngữ, huy hiệu ở nơi công cộng; không được mang theo sách vở, tranh ảnh có hình tôn giáo khác; không được quấy rầy cuộc sống của người bản địa; và đặc biệt cấm bàn bạc, đùa cợt về tình hình chính trị. Những hành vi này nếu vi phạm sẽ bị bắt. Nhưng du khách không làm những điều vi phạm pháp luật ở Triều Tiên, phần lớn chuyến du lịch đều diễn ra suôn sẻ.

Anh Phạm Minh Hải cũng khuyến cáo, khi đến những nước có độ nguy hiểm cao, thường phát sinh khá nhiều phụ phí, nhưng đừng nên tiếc tiền. “Ít nhất việc nên làm là mua thẻ sim điện thoại để liên lạc với người đồng hành, quản lý tour, hoặc hướng dẫn viên bản địa. Ngoài ra, người du lịch nên tìm hiểu trước về vị trí và cách liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam ở nước đó, đề phòng khi những tai nạn xảy ra, kể cả chết người thì bên Đại sứ quán có thể nắm ngay được tình hình và phối hợp kịp thời” – anh Phạm Minh Hải chia sẻ thêm.

Một du khách người Việt thường xuyên du lịch tới Pakistan cũng khẳng định, việc lên kế hoạch du lịch là một quá trình rất nghiêm túc và tỉ mỉ, mặc dù chị đã đăng ký mua tour của một công ty lữ hành uy tín tại Pakistan. Chị chia sẻ: “Phải xác định ngay từ đầu, Pakistan chắc chắn không phải là một đất nước phát triển để du khách có thể tự túc đi lại thoải mái.

Ngược lại, đây là một đất nước lạc hậu, phương tiện giao thông công cộng kém, điểm đến là miền núi rất xa xôi hẻo lánh (Hunza, thuộc miền Bắc Pakistan), tiếp giáp với biên giới Ấn Độ, Trung Quốc, an ninh không phải lúc nào cũng bảo đảm”.  Tuy nhiên, không phải toàn bộ Pakistan đều rơi vào chiến tranh, nhưng để an toàn du khách luôn phải đi cùng ít nhất một người bản xứ am hiểu khu vực, hoặc thuê hẳn một hướng dẫn viên người bản địa đi kèm.

Nhiều chuyên gia du lịch trên thế giới khẳng định rằng, du lịch đến những điểm “đen tối” không phải mới hay đến từ sự đam mê cực đoan của con người với cái chết, thảm họa và bạo lực; mà phản ánh một hệ thống kinh tế toàn cầu hóa, tự do hóa, mà du lịch là một ngành kinh tế lớn cho nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia nghèo khó, bệnh dịch hoặc đang trong chiến tranh.

Còn đối với du khách, họ bị cuốn hút bởi mong muốn hiểu biết hơn về những tội ác trong quá khứ và hiện tại, về bối cảnh văn hóa và lịch sử xã hội rộng lớn hơn, khắc nghiệt hơn so với cuộc sống bình yên tại những nơi đô thị phồn hoa mà họ đang sống. Bản thân những du khách này cũng chính là những nhân chứng sống cho những sự kiện lịch sử đang diễn ra và thông tin về một “khuôn mặt” khác của thế giới không hề sang chảnh, đẹp đẽ mà rất tăm tối, buồn tẻ; nhưng ở đó, con người vẫn sinh sống và lớn lên.

Chỉ riêng từ khóa “du lịch Trung Đông” đã đạt tới 263 triệu lượt tìm kiếm sau 0,53s, “du lịch Triều Tiên” khoảng 10 triệu lượt tìm kiếm sau 0,41s trên Google, phần nào đã thể hiện sự quan tâm của người Việt đối với loại hình du lịch “đen tối” như trên. Nhiều bạn trẻ tin rằng, thế giới mà chúng ta đang sống ngày càng bấp bênh và dường như không an toàn, việc đến thăm các địa điểm “đen tối” cũng là một trải nghiệm để tăng thêm vốn sống, vốn kiến thức xã hội của họ, cũng là cách để thể hiện và thử thách bản thân.

Mặt trái, nhiều người lợi dụng những tâm lý đó để thương mại hóa, xuyên tạc lịch sử và điểm đến để trục lợi, hoặc làm việc phi pháp. Số lượng trang web về loại hình du lịch này ngày càng gia tăng để thu hút những người ham thích du lịch mạo hiểm. Đáng cảnh báo, những trang web này kết nối cảm xúc người xem với những hình ảnh trực quan cụ thể để tạo nên cảm nhận sống động, chân thực về những sự kiện chiến tranh, bạo động, thảm họa để kích thích sự tò mò khám phá cảm giác hồi hộp, rùng rợn hoặc để kích động hành vi cực đoan.

Tóm lại, mặc dù du khách có những động lực khác nhau khi đến những điểm du lịch “đen tối”; nhưng rõ ràng đây là một hình thức có tính nguy hiểm cao, người du lịch phải có sự tham khảo, hiểu biết kỹ càng về nền chính trị - kinh tế - văn hóa tại điểm đến, được trang bị đầy đủ những kỹ năng sinh tồn và xử lý mạo hiểm. Đặc biệt họ phải đi với một thái độ nghiêm túc, bao gồm chuẩn bị sẵn tâm lý khi những điều tệ nhất có thể xảy ra, bởi rõ ràng đây không phải những địa điểm du lịch để vui chơi, giải trí, thư giãn.

Đọc thêm