Tiếc nuối cho “thời vàng son” của một số điểm du lịch

(PLO) -Nhiều điểm du lịch trước kia vốn tấp nập nhưng nay đang thưa vắng, xuống cấp dần. Nguyên do là từ cách quản lý thiếu hiệu quả của những người làm du lịch địa phương.
Rạng sáng 9/8/2006, mưa dông, sóng lớn đã làm hòn Phụ (hòn lớn) cao 33,6m của hòn Phụ Tử (xã Bình An, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) bị gãy đổ thành nhiều đoạn, chìm xuống biển.
Rạng sáng 9/8/2006, mưa dông, sóng lớn đã làm hòn Phụ (hòn lớn) cao 33,6m của hòn Phụ Tử (xã Bình An, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) bị gãy đổ thành nhiều đoạn, chìm xuống biển.

“Thủ phủ resort” bị mất điểm

Ai đến Mũi Né trong vòng 1 năm trở lại đây sẽ khá ngạc nhiên trước khung cảnh vắng vẻ của vùng đất từng nổi danh về du lịch biển này. Cách đây hơn 5 năm trở về trước, Mũi Né từng là một thắng cảnh du lịch biển nổi tiếng của khu vực Nam Trung Bộ. Thời điểm đó, Mũi Né tấp nập khách du lịch, đặc biệt khách Nga. Vì thế nơi đây còn được mệnh danh là “thiên đường châu Á” hay “làng Nga ở châu Á”. 

Không chỉ du khách Nga mà du khách quốc tế cũng biết đến Mũi Né như một điểm du lịch nổi tiếng hàng đầu của Việt Nam và Đông Nam Á. Cuối tuần cũng như giữa tuần, Mũi Né đều nhộn nhịp du khách.

Một bước đột phá của Mũi Né thời kì trước là các chính sách “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt hướng tới cộng đồng người Việt tại châu Âu, với cơ chế mở, với thủ tục hành chính nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các dự án mới của tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên, thời điểm này, quay lại Mũi Né, nhiều người không tránh khỏi ngạc nhiên trước một “thủ phủ du lịch” trước đây giờ khá hoang vắng, sơ sài. Các khách sạn, resort vắng tanh những ngày trong tuần.

Sự “thả cửa” trong quy hoạch, hiện tượng làm du lịch kiểu chụp giựt, rồi rác thải đã khiến nhiều khu vực của Mũi Né trở nên nhếch nhác, thiếu chuyên nghiệp. Nhưng điều quan trọng là, xu thế du lịch trong nước và quốc tế dịch chuyển mạnh mẽ trong thời đại internet những năm qua, nhưng Mũi Né dường như không “bắt kịp nhịp” và dần dà bị dân mê du lịch ở trong và ngoài nước “bỏ quên”. 

Cùng tình trạng với Mũi Né, Hòn Phụ Tử (Kiên Giang) hiện nay cũng đang đối mặt với tình trạng ế khách. Từng “cực thịnh” vào những năm 2000, nhưng trong vòng vài năm trở lại đây, hòn Phụ Tử trở nên vắng vẻ. Khối đá mọc lên giữa biển có hình dáng dính liền độc đáo gắn  với giai thoại về tình phụ tử, cùng với nhiều câu chuyện dã sử hấp dẫn đã khiến hòn Phụ Tử trở nên nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước. 

Sự cố thiên tai vào năm 2006 đã khiến hòn Phụ sụp xuống biển, chỉ còn hòn Tử. Thời điểm bấy giờ lãnh đạo tỉnh cùng nhiều bộ phận, nhiều nhà nghiên cứu khoa học đã mong muốn tiến hành phục hồi danh thắng này, nhưng rồi kế hoạch cứ kéo dài mãi mà không thực hiện được, cùng với nhiều dự án du lịch lớn “vẽ ra rồi bỏ đó” khiến điểm du lịch này dần mất đi sức hút trong lòng du khách.

Giờ đây, khách chỉ còn viếng thăm địa điểm này vào dịp lễ, cuối tuần cũng khá thưa thớt, còn ngày thường thì vắng lặng. Hiện, tỉnh Kiên Giang đang ngồi lại bàn những giải pháp nhằm vực dậy du lịch địa phương, nhưng với hiện trạng này, có lẽ đường đi khá gian nan.

Một số điểm du lịch khác như Đồ Sơn (Hải Phòng), Sơn Kim (Hà Tĩnh) cũng từng có thời hoàng kim, nhưng giờ đây ngày càng bị lãng quên, không còn là lựa chọn của du khách, thậm chí ế ẩm ngay cả mùa cao điểm.

Tiềm ẩn nguy cơ ở những điểm “hot”

Câu chuyện của những điểm du lịch bị suy tàn, ngẫm cho cùng đều ở nguyên do “thả nổi” về quản lý, thiếu quy hoạch đường dài và không bắt kịp xu thế. Trong khi đó, nhiều địa phương khác có tư duy du lịch phát triển như Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Nẵng… thì ngày càng “hot” hơn đối với du khách nhờ vào nhiều loại hình dịch vụ mới mẻ, hấp dẫn, cách làm truyền thông hiệu quả. 

Tuy nhiên, không phải cứ là điểm du lịch đang hút khách thì chứng tỏ du lịch đang phát triển đi lên. Một mối nguy tiềm ẩn đang tồn tại ở những điểm du lịch “hot”. Như Đà Lạt, Hội An giờ đây hầu như không còn mùa thấp điểm, thế nhưng người ta cũng đã nhận ra một Đà Lạt, Hội An đang mất dần đi chất của mình.

Đà Lạt đang bị phá vỡ kiến trúc quy hoạch bởi nhiều công trình để giới trẻ “sống ảo” mọc lên như nấm, mang tính mua vui nhất thời. Hội An thì không dễ tìm được nét bình yên phổ cổ thuở nào bởi sự quá tải du khách và các dịch vụ đua nhau mở ra để phục vụ. Những ngôi nhà tầng phố thị thi nhau mọc lên khiến Sa Pa mất chất dần đi. Những Phú Quốc, Bình Ba… rác thải xâm lấn khiến du khách ngán ngẩm… 

Du lịch trong nước, dù là điểm vắng khách hay đông khách vẫn còn phần nào mang tính “ăn xổi ở thì” khi người dân hầu hết chỉ biết khai thác triệt để tiềm năng địa phương để làm du lịch mà bỏ quên phần gìn giữ, bảo vệ, còn cơ quan quản lý địa phương thì thơ ơ và chưa có những kế hoạch có tầm nhìn, những giải pháp lâu dài. 

Thế nên, câu chuyện xuống cấp, hết thời của các khu du lịch không chỉ là chuyện của riêng ai. Đó là bài học chung cho cả du lịch nội địa nước ta mà các nhà quản lý cần nhìn nhận rõ ràng, không thể để đến lúc muộn màng rồi mới tìm cách cứu chữa như Kiên Giang hiện nay.