Lo ngại tiêm vaccine AstraZeneca gây máu đông, người dân có cần đi xét nghiệm?

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Chuyên gia y tế cho rằng, việc triển khai tiêm vaccine Astra Zeneca ở Việt Nam là rất an toàn, người dân không nên lo lắng và cũng không cần phải đi xét nghiệm chỉ số đông máu.

TS.BS Phạm Quang Thái - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
TS.BS Phạm Quang Thái - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Trước bối cảnh nhiều người bày tỏ lo lắng sau khi AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 của hãng có thể gây đông máu trong một số trường hợp hiếm gặp, TS.BS Phạm Quang Thái - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã đưa ra một số thông tin quan trọng liên quan đến vấn đề này.

Tỷ lệ cục máu đông sau tiêm vaccine rất hiếm

Theo TS Thái, trước khi triển khai tiêm vaccine COVID-19 thì tình trạng giảm tiểu cầu, huyết khối (cục máu đông) không phải là vấn đề mới. Bởi đây là triệu chứng có thể gặp phải ở nhiều bệnh lý khác nhau như: nhiễm trùng, tuổi cao, nằm quá lâu tại 1 vị trí, các vấn đề di truyền, thậm chí trong dùng thuốc thông thường...

Thống kê cho thấy trên thế giới, có khoảng 5-10/1.000.000 người có triệu chứng cục máu đông trong vòng 21 ngày. Bệnh có thể biểu hiện từ những triệu chứng nhẹ như đau đầu, đau bụng đến những triệu chứng nặng như các rối loạn thần kinh, đột quỵ. Thực tế, hiện tượng này xuất hiện trước khi triển khai tiêm vaccine COVID-19 và tăng lên sau tiêm.

Tại châu Âu ghi nhận khoảng 17,6/1.000.000 liều mỗi 21 ngày. Còn ở châu Á, tình trạng giảm tiểu cầu và huyết khối sau tiêm vaccine AstraZeneca rất thấp. Các quốc gia châu Á và Nam Mỹ ghi nhận khoảng 0,2/1.000.000 liều, tức là cứ 10 triệu trường hợp tiêm chủng thì chỉ 2 người có tình trạng như vậy.

Tại nước ta, tỷ lệ này lại càng thấp hơn so với ghi nhận của WHO, dưới mức 0.2/1 triệu liều, nếu gặp đều được xử lý tốt.

Thông tin gây cục máu đông đã được đưa ra từ tháng 3/2021, thời điểm khi vaccine mới được triển khai. Đến tháng 4/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo, hiện tượng cục máu đông sau khi tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca là hiện tượng đã được khẳng định và có thể liên quan đến vaccine.

"Đây là một tỉ lệ rất hiếm và lợi ích của vaccine cao hơn rất nhiều so với nguy cơ. Nếu được phát hiện sớm và xử lý kịp thời thì những người gặp tình trạng này vẫn có thể cứu chữa. Chính vì vậy, khi cân nhắc lợi ích và nguy cơ, WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia sử dụng vaccine COVID-19 AstraZeneca để tiêm chủng", TS.BS Phạm Quang Thái nêu.

Sau khi WHO đưa ra khuyến cáo, Bộ Y tế Việt Nam đã lập tức đưa ra phác đồ để điều trị triệu chứng này, chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin và khẳng định: "Hiện tượng cục máu đông này chỉ xuất hiện từ 3-21 ngày sau tiêm vaccine. Những người nào đã tiêm vaccine COVID-19 Astra Zeneca sau 21 ngày mà không có hiện tượng trên thì hoàn toàn yên tâm. Đây chính là cơ sở để thấy rằng việc triển khai tiêm vaccine Astra Zeneca ở Việt Nam là rất an toàn".

Nguyên nhân gây cục máu đông sau tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca

Bác sĩ Phạm Quang Thái cho biết, có nhiều cơ chế dẫn đến tình trạng cục máu đông, nhưng phổ biển nhất và được nhiều chuyên gia thừa nhận là tạo ra phức hợp miễn dịch.

"Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn cơ thể chảy máu. Việc tiểu cầu trôi nổi trong máu ở mức độ an toàn sẽ không có hiện tượng đông máu xảy ra. Tuy nhiên, khi xuất hiện các phức hợp miễn dịch, chúng sẽ kích hoạt các yếu tố tiểu cầu kết nối với nhau thành mạng lưới, tạo ra các cục máu đông. Các cục máu đông với kích thước nhỏ sẽ không gây nguy cơ cao, đặc biệt là đột quỵ, tắc động mạch, tĩnh mạch. Tuy nhiên, ở một số cơ địa người nhất định, cục máu đông này đủ lớn dẫn đến tình trạng tắc ở một vài cơ quan như ở hệ thống thần kinh dẫn đến đau đầu, mắt nhìn mờ..., tắc động mạch, tĩnh mạch. Với cơ chế trên, việc sử dụng các chế phẩm sinh học hoàn toàn cũng có thể dẫn đến tình trạng cục máu đông, không nhất thiết là một loại vaccine cụ thể", chuyên gia thông tin.

Tại Việt Nam, trong quá trình triển khai tiêm vaccine AstraZeneca đã ghi nhận một số trường hợp có triệu chứng cục máu đông. Song, từ tháng 4/2021, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành rộng rãi phác đồ để điều trị hiện tượng này, có thể áp dụng tại cả y tế cấp xã.

Người dân không cần phải đi xét nghiệm chỉ số đông máu

"Từ tháng 7/2023, Việt Nam đã dừng triển khai tiêm vaccine AstraZeneca. Từ đó đến nay là khoảng thời gian dài so với thời gian xảy ra phản ứng bất lợi sau tiêm nên mọi người không nên hoang mang, lo lắng về vấn đề cục máu đông. Người dân không cần phải đi xét nghiệm chỉ số đông máu, vì có thể do bệnh lý khác gây nên", TS.BS Thái khuyến cáo.

Chuyên gia y tế cho rằng, trong giai đoạn đầu chống dịch COVID-19, động lực của virus cao, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, hệ thống y tế quá tải. Vì vậy giá trị mà vaccine COVID-19 mang lại không thể đo đếm được,

Trao đổi về vai trò của vaccine COVID-19, TS.BS Phạm Quang Thái khẳng định: "Vaccine hay bất cứ loại thuốc nào cũng đều có bất lợi, đặc biệt là khi triển khai với quy mô rất lớn thì bất lợi sẽ được bộc lộ ra. Có thể nói, thành tựu và giá trị mà vaccine COVID-19 mang lại là quá lớn so với những nguy cơ, không đơn giản là cứu người bệnh mà còn cứu cả hệ thống y tế đang quá tải. Đây cũng là thành quả của toàn cầu, sự nỗ lực của cả Chính phủ và người dân trong đẩy lùi đại dịch. Nhờ sự nỗ lực đó chúng ta mới quay trở lại cuộc sống bình thường và tái thiết lại các hoạt động về kinh tế, văn hóa, xã hội khác".