Lo ngại tình trạng gia tăng cơ sở hành nghề y trái phép

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian qua, tại TP Hồ Chí Minh đã tồn tại một thực trạng đáng lo ngại, đó là hoạt động của nhiều cơ sở y tế “chui”, không có giấy phép hành nghề hợp pháp, không tuân thủ các quy định về y tế và an toàn, dẫn đến nguy cơ cao cho sức khỏe cộng đồng.
Người dân cần đến cơ sở y tế chuyên nghiệp, được cấp phép khi có nhu cầu khám, chữa bệnh để tránh các nguy cơ về sức khỏe, tính mạng. (Ảnh minh họa - Nguồn: KT)
Người dân cần đến cơ sở y tế chuyên nghiệp, được cấp phép khi có nhu cầu khám, chữa bệnh để tránh các nguy cơ về sức khỏe, tính mạng. (Ảnh minh họa - Nguồn: KT)

Không có giấy phép vẫn cung cấp dịch vụ y tế

Mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phát hiện Công ty TNHH Dịch vụ chăm sóc y tế VMEDI (tại quận Bình Tân) quảng cáo và cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà trái quy định. Công ty này mở một “phòng khám dịch vụ” chuyên truyền nước biển, ẩn bên trong một quán cà phê tại phường Tân Định, quận 1. Qua kiểm tra cho thấy, người trực tiếp thực hiện truyền nước biển tại nhà cho người dân tại địa chỉ này là một người phụ nữ 32 tuổi, từng học lớp sơ cấp y 1 năm vào năm 2009, không có chứng chỉ hành nghề và thực hiện dịch vụ truyền dịch tại nhà với số tiền 350 ngàn/khách hàng. Tại cơ sở này, Đoàn kiểm tra phát hiện có túi sơ cấp cứu, máy đo huyết áp, ống nghe, ống lấy máu, bơm tiêm, dây truyền và dịch truyền natri clorid 0,9%, cùng nhiều loại thuốc tiêm, truyền khác...

Được biết, người phụ nữ này đã lập trang Facebook để quảng bá, lôi kéo khách hàng. Cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế, xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt là 80 triệu đồng, đồng thời yêu cầu đình chỉ ngay hành vi khám, chữa bệnh trái phép nói trên.

Nhiều năm qua, tại TP Hồ Chí Minh, đã có trường hợp những cửa hàng thuốc tây, phòng khám cá nhân tư nhân truyền dịch cho bệnh nhân tại cơ sở làm việc mà chưa được cấp phép. Một số cá nhân có kinh nghiệm hoặc từng công tác trong ngành y tế còn nhận “truyền dịch tại nhà” cho người có nhu cầu. Lên mạng tìm hiểu, có thể dễ dàng gặp một số quảng cáo liên quan đến “truyền dịch tại nhà” với thông tin mập mờ về cơ sở y tế cung cấp dịch vụ.

Trong khi đó, câu chuyện truyền dịch tại nhà nhiều năm qua đã được cơ quan quản lý về y tế cảnh báo rất nhiều lần về sự nguy hiểm, tác hại khi truyền dịch tùy tiện. Bởi việc truyền dịch vào cơ thể cần có sự thăm khám, chẩn đoán của bác sĩ, dụng cụ cần được khử trùng tuyệt đối, đồng thời còn phải có khả năng xử lý kịp thời khi người truyền dịch bị sốc phản vệ. Đã có không ít vụ việc bệnh nhân tử vong vì rủi ro gặp phải khi truyền dịch tại nhà hay cơ sở y tế “chui”, trong đó có bệnh nhi.

Hiện nay, các trung tâm y tế quận, huyện, xã, phường, các bệnh viện tuyến địa phương cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản hoặc nâng cao, bảo đảm an toàn. Thế nhưng, theo thói quen, một số người vẫn đưa ra những lựa chọn đầy rủi ro cho sức khỏe bản thân và gia đình.

Nâng cao ý thức sử dụng dịch vụ y tế cho người dân

Thực trạng dịch vụ y tế tổ chức “chui” tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước đã xuất hiện từ nhiều năm qua. Điều này phần nào xuất phát từ thói quen sử dụng dịch vụ y tế thiếu cân nhắc của người dân.

Theo các chuyên gia y tế, các cơ sở y tế không phép thường không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn y tế, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, biến chứng sau phẫu thuật và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Người dân sử dụng dịch vụ tại các cơ sở này có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tử vong do sự thiếu chuyên môn của nhân viên y tế và trang thiết bị không đạt chuẩn.

Các trường hợp biến chứng và bệnh tật từ các cơ sở y tế không phép thường phải được điều trị tại các bệnh viện công, gây áp lực lên hệ thống y tế công cộng vốn đã quá tải. Điều này không chỉ làm tăng chi phí y tế mà còn làm giảm hiệu quả và chất lượng dịch vụ y tế công cộng.Việc các cơ sở y tế không phép hoạt động một cách không kiểm soát cũng tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các cơ sở y tế hợp pháp, ảnh hưởng đến doanh thu và sự phát triển của ngành y tế chính thống. Điều này có thể dẫn đến sự suy giảm chất lượng dịch vụ y tế nói chung và tạo ra một môi trường kinh doanh bất ổn.

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin, thời gian qua, đơn vị này đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế hơn 20 tổ chức, cá nhân với số tiền lên đến hơn 1,1 tỉ đồng. Các cơ sở hành nghề y tư nhân bị xử phạt nằm trong các lĩnh vực như khám, chữa bệnh, nha khoa, thẩm mỹ... với các lỗi khám, chữa bệnh khi chưa có chứng chỉ hành nghề, hoạt động khi chưa có giấy phép, quảng cáo trái phép… Trong số các đơn vị bị xử phạt, có trường hợp tự ý sử dụng thuốc, đưa các thiết bị can thiệp vào cơ thể người trái phép, có người không có chứng chỉ hành nghề nhưng đứng ra khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại một cơ sở lớn, công khai...

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý các cơ sở y tế không phép. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc lựa chọn các cơ sở y tế hợp pháp và bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế.

Đọc thêm