“Loạn” biển quảng cáo “sính” ngoại: Luật đã có, nên cần xử lý nghiêm

(PLVN) - Trong thời kỳ hội nhập càng cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và để làm được điều đó, phải thực hiện song song hai nhiệm vụ giữ gìn và phát triển tiếng Việt. Nhưng hiện nay, tình trạng sử dụng tràn lan chữ viết nước ngoài trên biển hiệu quảng cáo không những gây lộn xộn, mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến việc giữ gìn bản sắc, sự trong sáng của tiếng Việt.
Nhiều biển quảng cáo đang lạm dụng tiếng nước ngoài. (Ảnh minh họa: Bảo Châu)

Nỗi lo “sính” ngoại

Khoảng chục năm trở lại đây, trên các tuyến phố ở Hà Nội: Văn Cao, Trần Duy Hưng, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Thập, Hoàng Ngân, Linh Lang, Trung Hòa, Trần Văn Lai, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng… xuất hiện nhiều biển quảng cáo chữ Anh, Hàn, Nhật, Trung Quốc… Ngay cả nhiều trường mẫu giáo cũng đặt tên, kẻ biển toàn bằng tiếng nước ngoài như: Happy baby, Sun red... Không chỉ ở Hà Nội, các biển hiệu chữ ngoại cũng xuất hiện ở các tỉnh, thành, nhất là nơi có khu du lịch, khu công nghiệp... Một số bảng có in tiếng Việt nhưng kích thước rất nhỏ so với tiếng nước ngoài.

Nhiều người dân phản ánh cảm thấy bất tiện khi phải gọi tên, đọc, viết, nhắn tên các cửa hàng hay quán xá có chữ ngoại quốc. Sự phiền toái này còn trở nên phức tạp hơn với nhiều người lớn tuổi, vì có những biển hiệu chỉ toàn chữ nước ngoài, không có tiếng Việt.

PGS. TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh từng chia sẻ, thực trạng bảng, biển quảng cáo bằng tiếng nước ngoài, xô bồ, tràn lan, vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo không phải mới diễn ra. Việc sử dụng song song tiếng nước ngoài và tiếng Việt trên các biển hiệu tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt người nước ngoài, đồng thời giúp các cơ sở kinh doanh, nhà hàng dễ dàng tiếp cận nhóm khách hàng này. Tuy nhiên, nếu các cửa hàng quá lạm dụng dùng biển hiệu tiếng nước ngoài “lấn lướt” biển tiếng Việt, đó là sự đua đòi, thể hiện sự lai căng trong nhận thức, sẽ dẫn tới giá trị văn hóa, giá trị bản sắc dân tộc ngày càng bị quên lãng.

Ngôn ngữ chính là mặt biểu hiện sinh động nhất, là đặc trưng văn hóa, là niềm tự hào của mỗi quốc gia. Yêu ngôn ngữ cũng là sự tôn trọng Tổ quốc và tôn trọng chính mình. Ngôn ngữ là biểu tượng của đất nước. Vì thế, ngôn ngữ, chữ viết của Việt Nam phải được bảo tồn và phát huy.

Cũng như PGS. TS Lê Quý Đức, nhiều nhà văn hóa đề xuất, khi đặt tên biển hiệu, biển quảng cáo, các nhà kinh doanh nên chọn những tên hiệu phù hợp, sử dụng tiếng Việt một cách dễ hiểu, dễ phát âm, độc đáo nhằm ghi dấu được bản sắc của doanh nghiệp Việt với khách hàng, du khách nước ngoài.

Thực hiện nghiêm quy định của luật

Khoản 2 Điều 18 Luật Quảng cáo quy định giới hạn và cách thức sử dụng chữ viết nước ngoài trên các biển hiệu, theo đó trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt. Phần chữ nước ngoài không được lớn hơn 3/4 so với chữ tiếng Việt.

Điều 48 Nghị định 38/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cũng có quy định về hành vi không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng. Mức phạt trên được áp dụng cho cá nhân, đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, ngoài ra còn buộc tháo dỡ biển hiệu đối với hành vi vi phạm.

Tại Hà Nội, để siết chặt kỷ cương trong lĩnh vực hoạt động quảng cáo ngoài trời, ngày 13/3/2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Quyết định ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3/2024 thay thế Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 20/01/2016 của UBND TP Hà Nội ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội. Quy chế gồm 3 chương, 36 điều, quy định về hoạt động quảng cáo và công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời. UBND thành phố yêu cầu hoạt động quảng cáo phải tuân theo các quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phù hợp với Quy hoạch quảng cáo ngoài trời, không gian, kiến trúc, cảnh quan của thành phố Hà Nội. UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm trước UBND thành phố thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội.

Thực tế cho thấy, tại nhiều tỉnh, thành, lực lượng chức năng đã ra quân xử phạt nhưng vẫn còn khá nhiều biển quảng cáo lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài. Bởi, sau một thời gian ngắn bị xử phạt, những biển hiệu mới với chữ nước ngoài lại được trưng lên, có khi to hơn, “nhức mắt” hơn. Do đó, người dân mong các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa với các loại biển quảng cáo “sính” ngoại để giữ được bản sắc ngôn ngữ tiếng Việt.

Đọc thêm