Dự án Luật Quảng cáo sửa đổi: Để quảng cáo là sản phẩm của văn hóa trí tuệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quảng cáo đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, là một trong những yếu tố tạo lập kiến trúc cảnh quan, phản ánh thẩm mỹ đô thị, biểu hiện văn hóa tiêu dùng của cộng đồng dân cư ở quy mô rộng lớn... Đó là những lý do để quảng cáo được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa với mục tiêu và phát huy tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Năm 2022, ngành VHTTDL đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản quy định chi tiết. (Nguồn: Bộ VHTTDL).
Năm 2022, ngành VHTTDL đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản quy định chi tiết. (Nguồn: Bộ VHTTDL).

Là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa

Trước các cơ hội và thách thức đan xen của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương về xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó có các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa.

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có mục tiêu: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam” và nhiệm vụ: “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa”.

Để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định: “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam”.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021 cũng xác định mục tiêu “Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế”, trong đó, phải tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về điện ảnh, di sản văn hóa, sở hữu trí tuệ, quảng cáo... Hoàn thiện các khung khổ pháp lý thúc đẩy phát triển văn hóa và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Những năm vừa qua, tốc độ phát triển vũ bão của ngành quảng cáo đã tạo ra sự lan tỏa rộng khắp trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, cũng như thể hiện vai trò cầu nối giữa sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm hàng hóa phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế. Trao đổi với truyền thông, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, theo Statista, doanh thu quảng cáo của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỉ USD, đứng thứ 5/11 quốc gia ASEAN, xếp thứ 2/11 quốc gia về tốc độ tăng trưởng 12,7%, chỉ sau Malaysia (18,9%). Cũng theo ông Nguyễn Trường Sơn, số lượng doanh nghiệp quảng cáo tăng trưởng đều theo từng năm. Nếu năm 2013, cả nước mới chỉ có trên 5,5 nghìn doanh nghiệp quảng cáo thì đến năm 2019 đã có trên 13 nghìn doanh nghiệp do quảng cáo và tổ chức sự kiện là ngành kinh doanh năng động, thu hút doanh nghiệp trẻ tham gia kinh doanh khởi nghiệp...

“Tuy nhiên, Luật Quảng cáo sau hơn 10 năm thực thi đã nảy sinh nhiều bất cập, chưa phù hợp với tốc độ phát triển của thời đại, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý ngành cũng như chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng cáo phát huy hết tiềm năng. Luật cần sớm được sửa đổi, bổ sung, tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển ngành quảng cáo…”, ông Sơn nhấn mạnh.

Hài hòa giữa phát triển kinh tế và giữ gìn văn hóa trong quảng cáo

Quảng cáo cần là sản phẩm của văn hóa trí tuệ. (Nguồn: VCCI-HCM).

Quảng cáo cần là sản phẩm của văn hóa trí tuệ. (Nguồn: VCCI-HCM).

Hiện nay, dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đang được Bộ VH,TT&DL lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân từ ngày 1/3/2024 đến ngày 1/5/2024. Quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế và giữ gìn văn hóa trong quảng cáo là vấn đề đang được các nhà quản lý, chuyên gia văn hóa đặc biệt lưu tâm trong lần sửa đổi này.

“Không thể lạm dụng các hình thức quảng cáo một cách phản khoa học, phạm vào thuần phong mỹ tục, vào truyền thống văn hóa dân tộc. Hiện nay, có đến nghìn lẻ một kiểu quảng cáo được ngụy biện bằng sự “sáng tạo” đang nở rộ như “nấm sau mưa”, từ hình thức sơ đẳng nhất cho đến sự hiện đại công phu nhất. Không hiếm sản phẩm được tôn lên là “tốt nhất”, “duy nhất”, là “số 1” để tâng bốc chất lượng mà chưa có một cơ sở pháp lý nào minh chứng. Có khi là sử dụng chữ nước ngoài to hơn chữ Việt trên các tờ quảng cáo. Người ta treo những tấm biển to đùng, treo choán hết cả không gian, che chắn cả tầm nhìn trên đường phố...

Các nhà sản xuất lớn thì có cả một chiến lược marketing quảng bá hình ảnh sản phẩm rất bài bản. Họ quảng cáo trong khung giờ vàng trên tivi, phát quảng cáo xen kẽ trước, giữa hoặc sau trong những bộ phim đang ăn khách. Có khi vừa mới chiếu chưa được 2 phút, bỗng nhiên chuyển cảnh đến một chương trình quảng cáo, khiến khán giả ngồi trước màn hình chưng hửng...

Gần đây trên mạng xã hội ồn ào về các vụ lùm xùm một số nghệ sĩ có tên tuổi quảng cáo sản phẩm thuốc. Nhưng tiếc thay, một số nghệ sĩ lại quảng cáo cho những sản phẩm chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định là có chất lượng tốt và được phổ biến...”, ông Khúc Hà Linh, một người dân ở tỉnh Hải Dương đã từng bức xúc.

Tại Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản quy định chi tiết do Bộ VH,TT&DL tổ chức vào tháng 6/2022, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL bà Trịnh Thị Thủy đã nhấn mạnh, thực tiễn thi hành Luật Quảng cáo cho thấy còn thiếu sự nhận thức đầy đủ, thống nhất và trách nhiệm về hoạt động quảng cáo như nhận thức về mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế và giữ gìn văn hóa trong quảng cáo. Nhiều doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế mà bỏ quên truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục; xuất hiện nhiều quảng cáo phản cảm, gây tranh cãi, bất ổn trong xã hội; quảng cáo không phản ánh đúng sự thật, đưa ra các bằng chứng không được kiểm chứng, khiến người tiêu dùng bị ảnh hưởng...

Từ thực tế này cho thấy, dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi không những cần thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo..., mà còn cần nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, thúc đẩy các hoạt động quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế và giữ gìn văn hóa dân tộc.

Được biết, trong những chính sách lớn mà Bộ VH,TT&DL đưa vào hồ sơ sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo có nội dung về “tính phù hợp của nội dung quảng cáo”; “giới hạn về thời lượng quảng cáo trên chương trình truyền hình: “trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”... Đây là những căn cứ quan trọng để cụ thể hóa các nội dung sửa đổi Luật Quảng cáo. Hay nói như Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn, quảng cáo là ngành nghề lấy sáng tạo làm chủ đạo. Vì vậy, quảng cáo luôn thay đổi với nhiều hình thức thể hiện mới mà hành lang pháp lý chưa theo kịp. Do đó, luật mới ra đời đòi hỏi phải lường trước hoặc dự báo được tương lai ít nhất 10 - 15 năm.

Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 3 nhóm chính sách. Theo đó, dự thảo giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; phương tiện quảng cáo; hoạt động quảng cáo trên các phương tiện: điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác, sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình, phương tiện giao thông, loa phóng thanh và các hình thức tương tự, trong chương trình văn hóa, thể thao; biển hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; quảng cáo có yếu tố nước ngoài.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo, trong đó bổ sung thêm quy định về Hội đồng thẩm định, việc phê duyệt quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo theo ngành, lĩnh vực; yêu cầu về nội dung quảng cáo, điều kiện quảng cáo; quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời trong đó có hoạt động quảng cáo trên các phương tiện bảng, băng - rôn, màn hình chuyên quảng cáo, đoàn người thực hiện quảng cáo và nội dung, trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương...

Đọc thêm