Khi “chuyên gia” chia sẻ kiến thức “lạ lùng”
Gần đây, nhiều chị em phụ nữ bày tỏ sự phản ứng trước những bài nói chuyện của một “chuyên gia tâm lý” biệt danh D.P đang nổi tiếng trên mạng với nhiều video clip dạy về các khía cạnh tâm lý, đời sống gia đình. Nhiều chị em phụ nữ cho rằng, những bài nói chuyện của nữ tiến sĩ này có vẻ rất mạnh bạo, nghe có lý, nhưng thực chất rất chủ quan, thiếu kiến thức căn bản.
Đơn cử, trong một clip nói về tình trạng trẻ em Việt chơi ipad quá nhiều, D.P đưa ra thông tin là “trẻ em Thái Lan chỉ chơi ipad sau 12 tuổi”, đồng thời cho biết trẻ chơi ipad nhiều, sớm sẽ gây nên các chứng bệnh tâm lý nghiêm trọng. Phản ứng trước bài nói chuyện này, nhiều người phân tích, vị “chuyên gia” này chỉ đưa ra thông tin mà không hề có căn cứ đi kèm: quy định nào hay số liệu nào cho thấy trẻ em Thái Lan chỉ chơi ipad sau 12 tuổi, và kết quả nghiên cứu hay khảo sát nào cho thấy trẻ chơi ipad sớm hoặc chơi nhiều sẽ tổn thương trí não?
Một bà mẹ khá nổi tiếng nhận định, chị đồng ý rằng chơi ipad và các thiết bị điện tử quá nhiều sẽ không tốt cho trẻ, nhưng cách nói của chuyên gia này hầu như hoàn toàn phủ nhận mặt tích cực của các thiết bị thông minh trong giáo dục trẻ. Theo chị, kinh nghiệm dạy con cho thấy, hoàn toàn có thể áp dụng các thiết bị thông minh như ipad một cách khoa học trong dạy con ngoại ngữ hoặc một số kĩ năng khác.
Tương tự, thời gian trước, một “nữ chuyên gia” với clip nói về chuyện uống sữa bò cũng khiến nhiều chị em phát sốt. Trong đoạn clip, nữ chuyên gia này đưa ra rất nhiều kiến thức lạ lùng như không nên uống sữa bò vì sữa bò có hóc môn của bò, trẻ em uống vào sẽ tăng trưởng nhanh, dậy thì sớm vì hóc môn của bò hòa vào hóc môn người...
Đáng nói là clip này lại được một lực lượng các chị em phụ nữ “tin sái cổ”, chia sẻ mạnh mẽ trên mạng để kêu gọi nhau tẩy chay sữa bò. Tương tự với nữ chuyên gia khuyên các bậc cha mẹ không nên cho trẻ em uống sữa bò là vị nữ “chuyên gia y tế” tự phong với chứng cuồng sữa mẹ, khuyên các bậc cha mẹ không cho con uống thuốc, đi bệnh viện, chỉ dùng sữa mẹ trị bách bệnh, khiến nhiều trẻ lâm vào nguy kịch...
“Tiền mất tật mang” vì “chuyên gia” trên mạng xã hội
Hiện nay, những “chuyên gia” trên mạng xuất hiện rất nhiều, kể cả có học hàm học vị hoặc không có học hàm học vị, và trong đủ các lĩnh vực: ẩm thực, dinh dưỡng, làm đẹp, sức khỏe, ngoại ngữ, giao tiếp… Chỉ bằng kĩ năng nói chuyện thuyết phục và công cụ mạng xã hội, nhiều người trở thành chuyên gia nhanh chóng sau vài clip thu hút, được cộng đồng mạng tin tưởng, bất chấp lượng kiến thức họ đưa ra có chính xác hay không, họ có được đào tạo bài bản hay không.
Một “chuyên gia làm đẹp” chưa từng qua trường lớp đào tạo về y dược, da liễu hay mỹ phẩm, chỉ có kinh nghiệm bán hàng online tên T.H. cũng khá nổi tiếng trên mạng xã hội vì những bài viết chia sẻ các bí quyết làm đẹp lạ, độc đáo và cũng có nhiều ca có hiệu quả. Tuy nhiên, mới đây T.H. đã phải đóng cửa trang facebook cá nhân vì bị một nhóm chị em phụ nữ “tố” trong quá trình tư vấn làm đẹp da, T.H. đã dụ dỗ họ mua một loại thuốc đặc trị da do T.H. phân phối, nhưng sau khi sử dụng da lại bị nám, mụn, hóa ra là kem trộn!.
Hối hận không kém là một số vị phụ huynh lỡ tin tưởng các “chuyên gia ngoại ngữ” qua mạng. Hiện nay, trên kênh Youtube có đến hàng trăm “chuyên gia ngoại ngữ”, “giáo viên tiếng Anh” với các bài giảng tiếng Anh cho người lớn, trẻ em. Trong số đó, có không ít giảng viên thực thụ, bài giảng hay, hiệu quả, nhưng cạnh đó, một số “giảng viên tự phong” dạy sai phương pháp, sai kiến thức căn bản, nhiều phụ huynh cho con học theo gây hổng kiến thức.
Như chị Trần Lê Kim N., ngụ Tân Bình, TP HCM, thấy cách phương pháp dạy “tiếng Anh kiểu Mỹ” của một anh chàng giáo viên Việt khá sinh động, dễ học nên cho con học theo trước khi con nhập học. Đến khi con chị vào lớp một mới về nhà khóc lóc, cô giáo bảo phát âm con học trên mạng sai hết. Giờ đây chị lại phải thuê người dạy kèm cho con để gấp rút chỉnh lại số kiến thức sai lệch kia.
Cạnh đó, nhiều diễn viên, ca sĩ, người mẫu tham gia lực lượng bán hàng online cũng bỗng chốc trở thành những “chuyên gia” trong lĩnh vực làm đẹp mà mỗi một bài chia sẻ, dù kiến thức có đúng hay không vẫn được một lượng lớn người hâm mộ tin tưởng, làm theo.
Lượng kiến thức được chia sẻ trên mạng xã hội là vô cùng nhiều và không thiếu điều hữu ích, nhưng tin một cách bất chấp vào các “chuyên gia” chưa rõ có năng lực thực sự hay không, kiến thức chưa được kiểm chứng chính là một sự liều lĩnh đem mình ra “thí nghiệm” cho các phương pháp của người khác.