Loạn hoa hậu và "cuộc chiến" đặt tên cuộc thi

0:00 / 0:00
0:00
Khi các cuộc thi nhan sắc mọc lên “như nấm sau mưa”, việc đặt tên gọi bỗng chốc cũng trở thành  "cuộc chiến". 
Hoa hậu Thùy Tiên trình diễn trong buổi họp báo giới thiệu cuộc thi Miss Grand VietNam do Công ty Sen Vàng tổ chức. Hiện, công ty này và Công ty Minh Khang đang tranh giành tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam
Hoa hậu Thùy Tiên trình diễn trong buổi họp báo giới thiệu cuộc thi Miss Grand VietNam do Công ty Sen Vàng tổ chức. Hiện, công ty này và Công ty Minh Khang đang tranh giành tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam

Việc Công ty Minh Khang và Công ty Sen Vàng tranh giành tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam gây xôn xao dư luận mấy ngày qua.

Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động biểu diễn (thay thế Nghị định 79/2012/ND-CP) đã mở đường cho các cuộc thi nhan sắc mọc lên như nấm sau mưa. Không giống như bài hát, kịch bản… có thể đặt tên trong phạm vi rộng, tùy thích, các cuộc thi nhan sắc có quy định hẳn hoi về việc này. Cụ thể, mục đích, ý nghĩa của cuộc thi được nêu rõ và phải phù hợp với tên gọi của cuộc thi (được quy định trong mẫu đề án tổ chức cuộc thi do Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP).

Tên gọi các cuộc thi đều nằm khu biệt trong một số lĩnh vực, đối tượng như: doanh nhân, du lịch, môi trường, hòa bình, dân tộc. Không chỉ bởi quy định mà tên cuộc thi cũng ảnh hưởng trực tiếp đến danh hiệu, việc định vị trên thị trường, cả yếu tố thẩm mỹ. Cũng vì lẽ đó, hàng loạt đơn vị tổ chức “chen chân” để lấy được tên gọi, đến nỗi khiến người nghe bị loạn, không thể nhớ hết.

Chỉ trong thời gian ngắn, một loạt cuộc thi dành cho đối tượng doanh nhân nối đuôi nhau ra đời: Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân hoàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Thái Bình Dương, Hoa hậu Doanh nhân hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân tài sắc, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam qua ảnh, Hoa hậu Quý bà doanh nhân…

Hình ảnh trong đêm chung kết Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam toàn cầu, tổ chức tại TP. Đà Nẵng vào tháng 5 vừa qua

Hình ảnh trong đêm chung kết Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam toàn cầu, tổ chức tại TP. Đà Nẵng vào tháng 5 vừa qua

Hay với cụm từ du lịch, cũng có một loạt cuộc thi như: Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Hoa khôi Du lịch Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng… Từ Hoa hậu Đại dương, lại có thêm Hoa hậu Biển Việt Nam, Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Biển môi trường…

Thực tế, việc trùng tên khiến một số đơn vị phải “lách” bằng cách gắn mác "hoàn cầu", "toàn cầu", quốc tế để có được giấy phép tổ chức, nhưng thí sinh tham dự chỉ là người Việt Nam, sinh sống tại Việt Nam. Tiêu chí chọn lựa của các sân chơi cũng không khác biệt nhiều.

Cũng có sân chơi quy mô chỉ ở tầm hoa khôi, người đẹp (theo quy định tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP về biểu diễn nghệ thuật, hiện đã được thay thế bằng Nghị định 144/2020/NĐ-CP) nhưng cũng được đẩy lên cấp hoa hậu. Công ty Minh Khang từng triển khai Hoa khôi Hòa bình Việt Nam, giờ lại “nở thêm” Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.

Thời gian qua, nhiều cuộc thi về du lịch thi nhau ra đời (trong ảnh là top 3 Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng 2022)

Thời gian qua, nhiều cuộc thi về du lịch thi nhau ra đời (trong ảnh là top 3 Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng 2022)

Có ít nhất vài chục cuộc thi diễn ra trong năm 2022 này, hiện vẫn chưa thể thống kê chính xác, và cũng chẳng thể xác định điểm dừng. Trong khi phạm vi tên gọi vẫn xoay quanh các chủ đề được nhắc đến bên trên thì việc giẫm chân, hoặc cố luồn lách bằng cách gán ghép (dẫn đến khó hiểu như trường hợp Hoa hậu Biển môi trường hoặc gây loạn danh hiệu, tên gọi) là tương lai có thể dự đoán được.

Nghị định mới đã “thả cửa” cho các cuộc thi nhan sắc, đưa chúng hoạt động theo cơ chế thị trường. Dĩ nhiên, khó tránh khỏi tình trạng hỗn loạn. Trước khi thị trường thi nhan sắc được sắp xếp lại theo cơ chế đào thải thì công chúng phải chịu đựng những hệ quả tất yếu từ sự hỗn độn này, không có cách nào khác.