Bộ Y tế đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ nhằm ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly triệt để, dập dịch kịp thời, không để dịch tiếp tục bùng phát, lan rộng để bảo vệ sức khỏe nhân dân, hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong, giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.
Về một số biện pháp phòng, chống dịch, Bộ Y tế nhấn mạnh, để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng, chống dịch trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng khác nhau đối với các khu vực nguy cơ.
Ngoài ra, đối với khu vực có quy mô phường, khu phố, xác định nguy cơ theo số mắc COVID-19 trong vòng 14 ngày. Tùy theo điều kiện thực tế cụ thể, có thể điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch cho phù hợp (có thể ở mức cao hơn hoặc thấp hơn).
Áp dụng cách ly F1 tại nhà
Khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà.
Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, toàn bộ thành viên trong nhà/gia đình không được phép đi ra ngoài, người F1 phải hạn chế tiếp xúc, bố trí khu vực/ phòng riêng cho người F1 nếu có thể; bố trí các đồ dùng cá nhân riêng, ăn riêng, thùng đựng rác riêng, vệ sinh khử khuẩn khu vực vệ sinh chung sau mỗi lần người F1 sử dụng.
Tổ chức quản lý, giám sát thực hiện nghiêm việc cách ly y tế tại nhà; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm để xử lý theo quy định.
Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.
Trường hợp có đông người F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa như khu nhà trọ, khu ký túc xá, khu dân cư… thì áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét đưa bớt ra các khu cách ly tập trung.
Thành phố bố trí, cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu đến trực tiếp các nhà ở/hộ gia đình và thực hiện việc theo dõi, giám sát hàng ngày.
Khu vực nguy cơ cao, áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn số 5152/BYT-MT ngày 27/6/2021 của Bộ Y tế. Riêng đối với yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe.
Có thể xem xét cho phép cách ly trường hợp F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín nhưng nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì phải đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.
Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình được xác định là F1 thì có thể xem xét thực hiện cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.
Các khu vực khác (gồm các khu vực còn lại có nguy cơ thấp hơn), áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn số 5152/BYT-MT ngày 27/6/2021 của Bộ Y tế.
Riêng đối với yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe.
Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình được xác định là F1 thì có thể xem xét thực hiện cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.
Xem xét hướng dẫn người dân tự lẫy mẫu xét nghiệm
Lập kế hoạch và lộ trình lấy mẫu cho các nhà ở/hộ gia đình, phòng, khu phố trên địa bàn để tránh trùng lặp, bỏ sót, phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID19, nhanh chóng đưa các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh ra khỏi cộng đồng.
Áp dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh. Tổ chức, điều phối công tác lấy mẫu theo từng khu vực nguy cơ như: khu vực nguy cơ rất cao; khu vực nguy cơ cao và khu vực khác.
Theo đó, khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), thực hiện lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình để xét nghiệm; Thực hiện gộp theo nhà ở/hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng một phòng để xét nghiệm RT-PCR (lấy mẫu gộp chung vào 1 ống), có thể thí điểm gộp mẫu 3 hoặc mẫu 5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Khu vực nguy cơ cao, lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại nhà ở/hộ gia đình, lấy mẫu gộp tất cả các thành viên trong nhà ở/hộ gia đình (lấy mẫu gộp chung vào 1 ống), thực hiện gộp mẫu như trên.
Các khu vực khác cần thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của nhà ở/hộ gia đình, trong phòng là người có tần suất tiếp xúc nhiều với các thành viên trong gia đình, trong phòng hoặc người được phép đi ra ngoài nhà (đi lấy thực phẩm, làm nhiệm vụ, làm việc theo yêu cầu…).
Thực hiện xét nghiệm 3 ngày/ lần các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, người trực tiếp cung cấp các dịch vụ thiết yếu… Trường hợp cần thiết, có thể mở rộng phạm vi, đối tượng xét nghiệm.
Thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng.
Xem xét hướng dẫn người dân, người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm.
Bố trí và bảo đảm ít nhất 1.000 giường hồi sức tích cực
Về công tác điều trị, Bộ Y tế đề nghị TP HCM chuẩn bị Kế hoạch đáp ứng công tác quản lý, điều trị bệnh nhân COVID-19, theo tiến triển và mức độ lâm sàng của người bệnh.
Đối với nhóm người bệnh nhẹ, không triệu chứng, chuẩn bị và sẵn sàng thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu COVID-19 từ các cơ sở trên địa bàn như khu ký túc xá, khu tái định cư, nhà thi đấu…
Lưu ý tuyệt đối tuân thủ quy định phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây lan sang nhân viên chăm sóc, phục vụ và các khu vực xung quanh.
Đối với nhóm người bệnh mức độ trung bình, có triệu chứng, xây dựng bệnh viện dã chiến, hoặc thiết lập các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 từ các bệnh viện hiện có trên địa bàn (như bệnh viện quận, huyện, bệnh viện điều dưỡng-phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện da liễu, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Nhi…) chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị COVID-19.
Tùy theo điều kiện thực tế của mỗi cơ sở để thiết lập Khu vực Hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân nặng tại các Bệnh viện này.
Đối với nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch, cần bố trí và bảo đảm ít nhất 1.000 giường hồi sức tích cực tại các Bệnh viện như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhân dân Gia Định... với đủ điều kiện kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục, ECMO… để cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch.
Tùy tình hình thực tế, TP HCM có thể bố trí các trung tâm y tế tiếp nhận các trường hợp cần hồi sức cấp cứu với sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, nhân lực, trang thiết bị y tế của các bệnh viện nêu trên.
Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng, để giảm nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tăng nặng bệnh và giảm tử vong.
Ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, người trên 65 tuổi, người có bệnh nền và công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Tổ chức tiêm chủng tại nhiều điểm tiêm bao gồm các điểm tiêm cố định và lưu động; thực hiện tổ chức tiêm giãn cách theo khung giờ trên nguyên tắc hạn chế tối đa người dân ra ngoài và tập trung tại một địa điểm; yêu cầu người đi tiêm chủng thực hiện giữ khoảng cách, đeo khẩu trang theo quy định.
TP HCM cũng cần chủ động rà soát nhân lực, trang thiết bị, máy thở, máy tim phổi nhân tạo (ECMO), máy thở ôxy dòng cao HFNC, kể cả ôxy, thuốc, hóa chất, thiết bị phòng hộ… để đáp ứng với tình huống số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Về nhân lực hỗ trợ, thực hiện theo Quyết định số 3338/QĐ-BYT ngày 8/7 của Bộ trưởng Bộ Y tế và căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của Thành phố để thống nhất việc điều động.
"Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"