“Lộc trời” châu chấu trên đồng lúa Nghệ An

(PLO) - Chỉ với chiếc vợt tự chế, nhiều nông dân ở Nghệ An có thể  kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ nghề bắt châu chấu. Công việc này không chỉ giúp họ phát triển kinh tế mà còn giúp bà con nông dân giảm nguy cơ bị côn trùng phá hoại mùa màng.
Anh Hưng kiếm tiền triệu nhờ bắt châu chấu
Anh Hưng kiếm tiền triệu nhờ bắt châu chấu

“Bí quyết” bắt châu chấu

Gần chục năm nay, ngoài công việc đồng áng, anh Nguyễn Văn Hưng (50 tuổi, trú xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) còn có thêm nghề phụ đi vợt châu chấu. Công việc thời vụ này lại là nguồn thu nhập chính cho gia đình anh và hàng trăm hộ dân nơi đây. Anh tâm sự, nhiều người nhìn nghề này với ánh mắt e dè, xem thường vì lúc nào quần áo cũng xộc xệch. Nhưng các anh quan niệm làm việc gì cũng được, miễn có tiền và không phạm pháp. 

Chia sẻ về nghề, anh Hưng cho hay, tùy thuộc vào từng thời điểm để áp dụng những dụng cụ bắt châu chấu hợp lý. Nếu khi lúa đang còn ngậm đòng thì người dân sẽ bắt châu chấu bằng tay. Thời kỳ lúa trổ bông, ngậm sữa châu chấu thường bay lên bờ thì vợt bằng cách dùng xe máy là hợp lý hơn cả. Còn đến khi lúa đã gặt, thì chăng lưới dưới ruộng sẽ cho năng suất cao nhất.

Những năm gần đây, chiếc vợt tự chế là dụng cụ “săn” châu chấu đơn giản, được nhiều người áp dụng. Vợt có đường kính miệng rộng khoảng 60cm, cán dài khoảng 1m, thường được gắn vào hai bên hông xe máy. Chiếc xe chạy đến đâu, gây động đến đó làm châu chấu dưới mép ruộng bay lên rồi chui thẳng vào vợt. Chạy khoảng mươi phút, các “thợ săn” dừng lại đổ chấu một lần. Cũng có khi chiếc vợt sẽ được người ngồi phía sau cầm bằng tay.

Nếu châu chấu tập trung một chỗ đông thì những người này sẽ dùng lưới để bắt. Lúc này, một đoạn lưới dài sẽ được trải trên cánh đồng, theo hướng gió. Những người nông dân sẽ dùng cuộn dây căng thành hàng vừa đi, vừa xua châu chấu về khu vực lưới đã giăng. Bị xua đuổi, đàn châu chấu sợ hãi bay theo “sự chỉ đạo” của những người săn bắt. Trong phút chốc, châu chấu đã bám đầy lưới và người làm nghề chỉ việc gom lưới lại rồi trút thành phẩm vào bao tải. Mỗi lượt “kéo lưới” trên cạn này thường thu về từ 5 - 10 kg.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Thời điểm này đang vào mùa cao điểm, bình quân mỗi ngày anh Hưng bắt được từ 10 - 12 kg châu chấu. Với giá thu mua dao động từ 80 đến 100 nghìn đồng/1kg, mỗi ngày người đàn ông này thu về trên dưới 1 triệu đồng. Anh Hưng bật mí, thời gian săn bắt châu chấu hiệu quả nhất từ 6 giờ đến 11 giờ trưa. Do vậy, để kịp giờ, anh Hưng thường dậy từ sáng sớm, đi xe máy đến các cánh đồng trong và ngoài huyện để đánh bắt châu chấu. Công việc dù vất vả nhưng ai cũng nhiệt tình làm vì thu nhập cao đối với vùng nông thôn.

Để tìm được những cánh đồng nhiều châu chấu, các “thợ săn” thường đi thăm dò trước. Khi đã nhắm được địa bàn, nhóm “thợ săn” xuất phát từ tờ mờ sáng để làm nghề. Đến tầm trưa, khi mặt trời đã đứng bóng thì buổi “săn” châu chấu kết thúc. Lúc này, mọi người nhanh chân gom hàng về bán cho các thương lái. 

Là người có thâm niên gần chục năm trong nghề, anh Hồ Văn Tảo còn lên các huyện Nghĩa Đàn, Yên Thành (Nghệ An) Đức Thọ, Hương Sơn (Hà Tĩnh) và Tĩnh Gia, Quảng Xương (Thanh Hóa) bắt châu chấu. Hôm may mắn gặp cánh đồng nhiều châu chấu, một đội 4 - 5 người có thể thu được 50kg châu chấu. Trừ chi phí đi lại, ăn uống, anh cũng kiếm được khoản tiền kha khá. 

Những người bắt châu chấu trải lòng, nghề này tuy vất vả nhưng luôn có “tiền tươi, thóc thật”, không sợ bị quỵt nợ. Công việc cũng không cần bỏ nhiều vốn, cái chính là phải có sức khỏe và sự nhanh nhạy, chịu khó. Mỗi bộ lưới dùng để chăng châu chấu giá hơn 1 triệu đồng, nhưng có thể dùng được nhiều năm. Mỗi mùa qua đi, có gia đình thu nhập cả vài chục triệu đồng. Cũng chính nhờ nghề săn “lộc trời” này mà vợ chồng anh Tảo cất cho mình căn nhà khang trang, nuôi con cái ăn học.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, thương lái thu mua chấu chấu cho biết, hiện đang vào cao điểm, lượng châu chấu nhiều nên mỗi ngày chị thu mua từ 5 - 7 tạ. Sau khi thu mua về, chị thuê công nhân sơ chế bằng cách luộc sơ, sau đó vớt ra rồi làm sạch, đóng gói, nếu châu chấu đang còn sống thì sẽ cho vào thùng xốp ướp đá lạnh.

Nguồn hàng này sẽ nhanh chóng được vận chuyển, nhập cho các nhà hàng ở Hà Nội chế biến món ăn. Trừ chi phí, mỗi ngày chị thu lãi bạc triệu. Hàng năm, cứ đến mùa là chị lại đứng ra thu mua hàng cho bà con, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa giúp nông dân tiêu thụ hàng.

Cũng nhờ những con châu chấu mà nhiều học sinh ở địa phương tranh thủ thời gian rảnh đến các nhà thương lái làm thuê. Số tiền kiếm được tuy không nhiều nhưng giúp các em biết quý trọng đồng tiền, mua sách vở.

Niềm vui đón nhận thành quả lao động
Niềm vui đón nhận thành quả lao động

Dù dễ kiếm tiền, nhưng nghề “săn” châu chấu cũng thường gặp nhiều nguy hiểm. Vì công việc thường bắt đầu lúc tờ mờ sáng, rơm rạ phủ trên đồng nên mỗi khi chạy xe máy rất dễ bị tai nạn nếu gặp ổ gà, ổ voi. Cũng có khi vì người ngồi phía sau cầm vợt không đủ sức nên bị quật ngã xuống đất, gây chấn thương.

Vì lý do này mà cách đây vài năm một người phụ nữ 50 tuổi ở xã này bị chấn thương vùng vai, phải vào viện điều trị. Người dân nơi đây lấy đó làm bài học để cẩn thận hơn trong quá trình làm nghề. Cũng không ít trường hợp cả xe máy lẫn người bị ngã nhào xuống ruộng vì ham bắt “lộc trờ” mà chạy quá đà.

Tuy công việc còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng những người làm nghề không giấu được những niềm vui khi nhìn thấy niềm hạnh phúc của nhiều người ở những nơi mà họ đến đánh bắt châu chấu. Anh Hưng nhớ lại lần nhóm vợt châu chấu của anh đến các xã ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) để “săn”.

Lúc đầu, một số người dân bản địa tỏ vẻ tò mò, khó chịu khi thấy người lạ hì hục làm việc trên cánh đồng của họ. Nhưng sau khi biết anh đi bắt châu chấu, họ vui mừng vì đã giúp họ bảo vệ mùa màng. Có người còn dẫn chúng tôi đến gặp trưởng xóm để nhận phần thưởng, thậm chí có người đem hoa quả đến mời. 

Đọc thêm