Lối đi nào trong xử lý 12 dự án yếu kém ngành Công Thương?

(PLVN) -  Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hiện trong 12 dự án yếu kém, có 5 dự án, doanh nghiệp được các Tập đoàn Dầu khí, Công nghiệp Hóa chất cam kết có thể căn cứ quy định pháp luật hiện hành để tái cơ cấu, xử lý.
Dự án sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.

Theo đánh giá của Ủy ban Quản lý vốn (UBQLV), một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xử lý 12 dự án yếu kém vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra là do tồn tại về tài chính tại các dự án, doanh nghiệp (DN) để lại quá lớn. Ngay từ khi đưa vào xử lý năm 2016, các dự án, DN đã thua lỗ nặng nề, một số đã không còn vốn chủ sở hữu, hầu hết không có khả năng trả nợ đến hạn.

Quá trình thực hiện dự án, thị trường tiêu thụ sản phẩm, giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất không thuận lợi, không khả quan như khi tính toán, xây dựng dự án đầu tư ban đầu; đặc biệt trong bối cảnh gần hai năm 2020-2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, bản thân các dự án, DN trên có quá nhiều vi phạm, thiếu sót trong quá trình lập và quản lý dự án đầu tư. Việc khắc phục hậu quả do các hành vi sai phạm, thiếu sót gây ra khó thực hiện được theo khung khổ pháp luật hiện hành.

Hơn nữa, quá trình xử lý còn phải đảm bảo nguyên tắc Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án, DN, rồi Hợp đồng EPC có yếu tố nước ngoài khi xử lý tranh chấp có khó khăn do vừa phải bảo đảm các yếu tố quốc tế, vừa cần bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật Việt Nam và các kết luận thanh tra, kiểm toán… nên khó lại càng khó.

Định hướng giải quyết các vướng mắc với các dự án trong thời gian tới, UBQLV cho hay, có 5 dự án, DN được các Tập đoàn Dầu khí, Công nghiệp Hóa chất báo cáo có thể căn cứ quy định pháp luật hiện hành để tái cơ cấu, xử lý. Đây cũng là các dự án mà các tập đoàn có thể chủ động xử lý bằng nguồn vốn của DN, không phải sử dụng ngân sách nhà nước.

Trong 5 dự án nói trên, với Nhà máy Sản xuất phân bón DAP I - Hải Phòng, theo UBQLV, từ năm 2017 đến nay, sản xuất ổn định, hàng năm có lãi, 9 tháng đầu 2021 còn lỗ lũy kế gần 51 tỷ đồng, dự kiến hết năm 2021 hết lỗ lũy kế. Về cơ bản, DN dự án này không còn tồn tại, yếu kém. Thời gian tới, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất dự kiến sẽ chủ động thực hiện thoái vốn vào thời điểm thích hợp bảo đảm có hiệu quả và theo quy định.

Với Nhà máy Sản xuất năng lượng sinh học Dung Quất, khó khăn hiện nay là phương án chuyển nhượng, thoái vốn sau khi khởi động, vận hành lại nhà máy như phương án ban đầu không thực hiện được; do thị trường không thuận lợi, sản phẩm không cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu, sản xuất không có hiệu quả, càng chậm xử lý cảng giảm vốn chủ sở hữu. Do đó, hướng xử lý thời gian tới là sẽ tiến hành bàn giao tải sản cho các ngân hàng theo Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp tải sản theo ý kiến các cổ đông của DN dự án đã thống nhất.

Với các DN dự án Nhà máy Sản xuất NLSH Phú Thọ (PVB) và Nhà máy Sản xuất NLSH Bình Phước (OBF); hiện PVB chưa hoàn thành và đã dừng đầu tư; còn OBF đã hoàn thành đầu tư nhưng khi sản xuất ra sản phẩm không bán được trên thị trường. Từ tháng 4/2013, các cổ đông đã quyết định dừng hoạt động nhà máy do sản xuất kinh doanh không hiệu quả.

Ở các dự án này, Tập đoàn Dầu khí (PVN) không trực tiếp góp vốn mà đơn vị thành viên, Tổng Công ty Dầu - PVOil) tham gia góp vốn với tỷ lệ không chi phối vào các DN dự án này (39,76% và 29%). Do đó, người đại diện phần vốn của PVN và PVOil không đủ tỷ lệ biểu quyết để có thể quyết định được phương án xử lý nếu không được trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông tán thành.

Về hướng xử lý, PVN sẽ chủ động chỉ đạo PVOil và người đại diện phần vốn tại các DN dự án thực hiện quyền của cổ đông góp vốn trong việc quyết định lựa chọn phương án xử lý với DN dự án theo một trong các hình thức như: thoái vốn, bàn giao tài sản cho ngân hàng theo quy định của Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp tài sản, phá sản DN...

Với Nhà máy Sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (VNPOLY), hướng xử lý sắp tới, Tập đoàn Dầu khí và các cổ đông của DN dự án sẽ chủ động cùng đối tác nước ngoài vận hành sản xuất và xử lý DN dự án theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định.

Với 7 dự án, DN còn lại, có nhiều khó khăn, vướng mắc; trong năm 2021, theo UBQLV, Chính phủ sẽ chỉ đạo phân tích, đánh giá toàn diện, thận trọng, kỹ lưỡng để hoàn thiện phương án xử lý và đánh giá tính khả thi cho từng dự án, DN, bảo đảm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho Nhà nước để triển khai thực hiện.

Đọc thêm