Hải Phòng: Đồng hành cùng doanh nghiệp FDI phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 5/10, Thành uỷ Hải Phòng tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp FDI năm 2024. Tham dự Hội nghị có 350 doanh nghiệp FDI và 50 doanh nghiệp trong nước.
Thường trực Thành uỷ Hải Phòng tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp FDI năm 2024.
Thường trực Thành uỷ Hải Phòng tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp FDI năm 2024.

Đồng hành và phát triển

Hội nghị với chủ đề: “Doanh nghiệp FDI phát triển cùng TP Hải Phòng: Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế bền vững, kinh tế chia sẻ; kết nối doanh nghiệp với chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Mạnh Hiến - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hải Phòng nhấn mạnh, đóng góp trong suốt chặng đường phát triển của Hải Phòng là vai trò nổi bật và sự đồng hành ở mọi lĩnh vực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và khối doanh nghiệp FDI nói riêng.

Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn nhất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hay chịu thiệt hại sau bão Yagi, bên cạnh việc nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, chủ động khôi phục sản xuất kinh doanh, giữ vững tốc độ tăng trưởng, các doanh nghiệp FDI còn thể hiện sự đoàn kết, tinh thần vì cộng đồng qua việc tích cực ủng hộ Thành phố (TP) hàng chục tỷ đồng để phục vụ công tác phòng chống dịch, khắc phục hậu quả sau đại dịch, sau bão, phục hồi kinh tế - xã hội TP.

Ông Đỗ Mạnh Hiến - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hải Phòng phát biểu tại hội nghị.

Ông Đỗ Mạnh Hiến - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hải Phòng phát biểu tại hội nghị.

“Cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Làm thế nào để cộng đồng doanh nghiệp và TP cùng nhau phát triển nhanh, mạnh, bền vững, thích ứng bối cảnh trước mắt với nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức. Đây là điều mà TP Hải Phòng luôn đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và coi đó như một trong những mục tiêu để hướng tới”, Phó Bí thư Thành uỷ Hải Phòng nêu rõ.

Thông qua hội nghị để lãnh đạo TP Hải Phòng lắng nghe đầy đủ những kiến nghị khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp FDI trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó từng bước tìm ra giải pháp thích hợp để tháo gỡ, tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, mở rộng sản xuất kinh doanh; tạo cầu nối, mở ra thêm cơ hội tìm hiểu, hợp tác cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Lãnh đạo TP cũng mong muốn qua hội nghị truyền sẽ tải thông điệp về sự trân trọng, đề cao vai trò của các doanh nghiệp đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của TP; thể hiện sự kỳ vọng của TP đối với các doanh nghiệp FDI về sự đồng hành trong công cuộc đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế bền vững, phát huy hiệu quả các nguồn lực sản xuất thông qua kinh tế chia sẻ; kêu gọi các doanh nghiệp FDI phát huy hơn nữa tác động lan tỏa, kết nối doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ một số định hướng chính về việc thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ một số định hướng chính về việc thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới.

Tại hội nghị, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá TP Hải Phòng là một địa phương tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nói đến Hải Phòng là nói đến một chính quyền hành động dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý. Đặc biệt, TP cũng đã xây dựng một hệ sinh thái để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển, bao gồm đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo quỹ đất sạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chia sẻ một số định hướng chính về việc thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Việt Nam cần tăng cường môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định; thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế xanh và bền vững; phát triển các khu vực có cơ chế chính sách đặc thù và cải thiện kết nối toàn cầu; phát triển tài chính số và tài chính xanh.

Hội nghị có 350 doanh nghiệp FDI và 50 doanh nghiệp trong nước.
Hội nghị có 350 doanh nghiệp FDI và 50 doanh nghiệp trong nước.

“Trong thời kỳ mới này, Việt Nam cam kết xây dựng một môi trường đầu tư mở cửa, công bằng và hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp FDI. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác sâu rộng với các đối tác quốc tế, không chỉ trong việc thu hút đầu tư mà còn trong việc cùng phát triển các mô hình kinh doanh, công nghệ và tài chính phù hợp với xu hướng toàn cầu”, ông Phương khẳng định.

Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ đồng hành cùng với Hải Phòng tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, biến ý tưởng, quyết tâm thành hiện thực, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng tại Việt Nam có hiệu quả và thành công.

Đại diện các doanh nghiệp FDI kiến nghị với lãnh đạo TP.

Đại diện các doanh nghiệp FDI kiến nghị với lãnh đạo TP.

Quan tâm, kiến nghị nhiều vấn đề

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã trao đổi, kiến nghị lãnh đạo TP xung quanh các nhóm lĩnh vực. Cụ thể, trong lĩnh vực lao động, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đặc biệt là sự thiếu hụt lao động có tay nghề tại các doanh nghiệp FDI cả trong và ngoài khu công nghiệp. Trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp kiến nghị có những giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành điện tử, bán dẫn.

Quan tâm lĩnh vực logistics, dịch vụ hậu cần sau cảng, doanh nghiệp mong muốn TP sớm triển khai xây dựng và hoàn thành cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 và kho hàng hóa tại sân bay Cát Bi để tăng tốc độ vận tải, dịch vụ Logistics cũng như thời gian thông quan hàng hóa.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp hi vọng TP Hải Phòng có thể xem xét các biện pháp phòng chống thiên tai để ứng phó cho những lần thiên tai tiếp theo (nếu có) và cũng là để tránh những hậu quả sau thiên tai như mất điện, ngập lụt, cây đổ sau bão như tình trạng vừa xảy ra sau cơn bão Yagi gây nên.

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu kết luận hội nghị.

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, Thường trực Thành ủy cùng lãnh đạo TP, các sở, ban, ngành, địa phương đã được lắng nghe những chia sẻ, đề xuất của các doanh nghiệp FDI đại diện cho hơn 900 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn TP thuộc nhiều lĩnh vực. Có một số là vấn đề khó, đã tồn tại và chưa được giải quyết thỏa đáng, có vấn đề mới mà pháp luật Việt Nam hiện đang hoàn thiện.

Đối với các kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp, yêu cầu các sở, ngành phải xử lý triệt để ngay và thông tin tới doanh nghiệp. Đối với những kiến nghị liên quan đến vướng mắc của luật pháp, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND TP khẩn trương có kiến nghị cụ thể đối với Trung ương, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ các vướng mắc.

“Thường trực Thành ủy sẽ chủ động, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo để những cam kết ngày hôm nay với doanh nghiệp sớm có kết quả; giải quyết tối đa những nguyện vọng của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại TP. Lãnh đạo TP cam kết sẽ luôn đồng hành và dành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp FDI”, ông Châu khẳng định.

Lãnh đạo TP Hải Phòng trao các biên bản ghi nhớ trên 5 lĩnh vực cho các doanh nghiệp.

Lãnh đạo TP Hải Phòng trao các biên bản ghi nhớ trên 5 lĩnh vực cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, TP sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thành lập, mở rộng các khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam; xác định đây là động lực mới cho phát triển kinh tế thành phố, là nơi “làm tổ” của các doanh nghiệp FDI công nghệ cao, thu hút các dòng vốn phát triển bền vững.

Đồng thời, thúc đẩy thủ tục thành lập Khu Thương mại tự do thế hệ mới với cơ chế ưu đãi vượt trội thu hút các dòng vốn ngoại, các tập đoàn toàn công nghệ đến đầu tư. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics, giao thông đối nội, đối ngoại kết nối hệ thống cảng biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay, đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc...

Quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động có tay nghề. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI thực hiện các dự án tại Hải Phòng về địa điểm, quy hoạch, đất đai, môi trường, lao động, phòng cháy chữa cháy... Giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo nghiên cứu xây dựng cơ chế Một cửa khi doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục dự án, không để doanh nghiệp phải qua lại nhiều cơ quan để thực hiện các thủ tục dự án tại Hải Phòng.

Tập trung phát triển nhà ở chất lượng cao và nhà ở xã hội, hệ thống trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế, các khu vui chơi, giải trí, du lịch chất lượng cao, nhà ở tiện ích... để các nhà đầu tư và gia đình có thể yên tâm ổn định cuộc sống, làm việc lâu dài tại Hải Phòng.

Tiếp tục duy trì, tăng cường hiệu quả và đa dạng hóa hình thức các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp theo hướng có trách nhiệm và thực chất. Trường hợp cần thiết, đề nghị các sở, ngành, các quận, huyện kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng, triệt để các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ chương trình, lãnh đạo TP Hải Phòng đã trao các biên bản ghi nhớ quan trọng trên 5 lĩnh vực cho các doanh nghiệp. Cụ thể, lĩnh vực đào tạo lao động chất lượng cao; Lĩnh vực cung ứng lao động; Lĩnh vực cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Lĩnh vực xây dựng doanh nghiệp sinh thái, kinh tế xanh, tuần hoàn; Lĩnh vực thẩm tra/thẩm định khí nhà kính, nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ giảm phát thải khí nhà kính.

Đọc thêm