Lời nhắn cuối của tử tội Công “Giáp” cho "giang hồ" đất Cảng

Công “Giáp” thừa nhận chưa bao giờ lại yếu mềm như lúc này. Anh ta luôn cười rất tươi và bảo rằng đây là nụ cười yêu đời của một con người đến phút cuối đã kịp thời thoát khỏi vòng ân oán mê muội để hưởng thụ hạnh phúc gia đình... Công “giáp” không quên nhắn tới những “chiến hữu giang hồ” ở đất Cảng...

Sau thế hệ của Dung “Hà”, nhắc đến giang hồ đất Cảng không thể bỏ sót cái tên Long “Tuýp” cùng đàn em thân tín của Long là Công “Giáp”. Sau khi “đại ca” bị mưu sát, giờ đây Công “Giáp” (tên thật là Nguyễn Tiến Công, 34 tuổi, ngụ phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) cũng đang bị biệt giam ở Trại tạm giam Công an TP.Hải Phòng để chờ thi hành án tử hình. Công “Giáp” nói gì trong những thời khắc cuối cùng của cuộc đời?

Bắn chết người vì... 1 con mèo

2 năm đã qua nhưng người dân ở ngõ 213 đường Thiên Lôi (phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) vẫn nhớ như in buổi chiều 2/5/2010 khi ông Phạm Đề Kháng (62 tuổi, cán bộ hưu trí) bị sát hại bằng súng tại nhà riêng. Khoảng 17h hôm đó, con trai ông Kháng đang ngồi xem ti vi ở tầng một bỗng nghe thấy tiếng bố trên tầng 2 vọng xuống thất thanh: “Con ơi! Cứu bố với”, ngay sau đó là một tiếng nổ chát chúa.

Chưa kịp chạy lên xem có chuyện gì thì anh thấy một người nhảy từ tầng hai xuống sân, mở cổng chạy vụt ra đường. Người con trai đuổi theo tri hô: “Cướp! Cướp!” nhưng không bắt kịp. Quay về nhà, anh thấy cha nằm vắt ngang lan can tầng 2, máu từ ngực trào ra ướt áo.

Nhận tin báo về vụ án, Công an TP.Hải Phòng, Công an quận Lê Chân lập tức cử lực lượng xuống hiện trường. Kết quả giám định cho thấy ngực trái ông Kháng có một vết đạn bắn xuyên thủng phổi. Vết thương này gây mất máu cấp khiến nạn nhân chết tại chỗ. Tại hiện trường, công an thu giữ 1 khẩu súng có hình dạng chiếc bút kèm theo vỏ đạn và một chiếc áo phông nghi là của hung thủ.

Quá trình điều tra, công an xác định nạn nhân không có mâu thuẫn, tư thù với ai nên việc nhận diện hung thủ là rất khó khăn. Tuy nhiên, cách thức gây án manh động, nhanh gọn của hung thủ cho thấy hắn phải là dân giang hồ chuyên nghiệp nên cảnh sát đã rà soát danh sách các đối tượng cộm cán trên địa bàn thì xác định được nghi can là Nguyễn Tiến Công (tức Công “Giáp”, 33 tuổi, thường trú tại 8/326 Chợ Hàng, phường Dư Hàng Kênh).

Trước khi xảy ra vụ án, Công và vợ đang thuê trọ cách nhà ông Kháng 5 nhà nhưng ngay sau khi ông Kháng bị sát hại, Công đã đột ngột biến mất khỏi địa phương. Ngày 20/5/2010, Công vừa "mò" về nhà thì bị Công an quận Lê Chân phát hiện bắt giữ.

Lời khai của Nguyễn Tiến Công thể hiện: Chiều 2/5/2010, hắn đang đứng trên tầng 2 nhà mình thì thấy một con mèo. Định bắt mèo về nuôi, Công liền đuổi theo nó và chạy qua vài nóc nhà liền kề. Đến tầng 2 nhà ông Kháng, Công thấy cánh cửa chính trên ban công hé mở thì đoán mèo ở trong đó nên móc khẩu súng bút (thường để trong người để phòng thân) cầm trên tay rồi bước vào.

Tại đây, Công bị ông Kháng phát hiện và túm cổ áo đẩy ra ngoài. Không ngần ngừ, hắn siết cò súng, bắn thẳng vào ngực ông Kháng...

Trả giá cho tội ác của mình, giữa tháng 6/2011, Nguyễn Tiến Công bị TAND TP.Hải Phòng tuyên phạt tử hình về tội “Giết người”.

Dọc ngang một thủa

Trong những ngày Công “giáp” đợi thi hành án tử hình, phóng viên đã có một cuộc trò chuyện với phạm nhân này tại Trại tạm giam Công an TP.Hải Phòng. "Tay" giang hồ" cộm cán này có gương mặt thư sinh cùng dáng vẻ lòng khòng của kẻ “sức trói gà không chặt”.

Công tỏ ra rất nhã nhặn. “Ở đời ai cũng phải phải chết, tôi gây tội ác thì phải đền tội, có muốn tránh cũng chẳng được, chi bằng chấp nhận nó như là số phận đã định cho lòng thanh thản”, Công nói.

Nụ cười Công “Giáp”
Nụ cười Công “Giáp”

Công là con út trong một gia đình đông anh em ở Hải Phòng. Học hết lớp 9, Công vứt bút mực, đi theo các “đại ca giang hồ”. Năm 17 tuổi, Công lĩnh 30 tháng tù treo về tội “Cố ý gây thương tích”. 2 năm sau, Công lĩnh tiếp 6 năm tù về các tội “Cố ý gây thương tích”, “Gây rối trật tự công cộng”. Đầu năm 2006, Công ra tù và trở thành đệ tử ruột của Long “Tuýp” (tên thật là Trần Đức Long), tay giang hồ có máu mặt bậc nhất ở đất Cảng.

Đầu năm 2009, Long “Tuýp” bị Xuân “đàn ông” (còn gọi là Xuân “điên”, Xuân “Taliban”, ngụ quận Lê Chân) tổ chức cho đàn em bắn chết do mâu thuẫn làm ăn. Công tiếp tục phò tá vợ của Long là Nguyễn Thị Bích Thủy (SN 1982) trong các hoạt động cho vay nặng lãi và cờ bạc.

Giữa năm 2009, băng nhóm của Thủy xảy ra mâu thuẫn tranh giành sòng bạc với một băng nhóm khác. Khi hai bên gồm gần trăm đối tượng chuẩn bị lao vào nhau với dao, kiếm thì công an xuất hiện nên chúng tháo chạy như ong vỡ tổ. Sau đó Thủy bị công an đưa vào "tầm ngắm" nên phải “lặn” mất tăm hơi. Nối nghiệp đàn chị, Công tiếp tục thu nạp hàng chục đàn em để bảo kê các nhà hàng, tụ điểm ăn chơi, tổ chức cho vay nặng lãi, cờ bạc, cá độ bóng đá... trên địa bàn quận Lê Chân.

Một trong các sự kiện khiến Công “Giáp” bị công an đưa vào "tầm ngắm" là việc một đàn em của hắn chém trọng thương T “Hợi”, một “đại ca” khác dám lớn tiếng đòi tranh giành lãnh địa với Công. “Biết mình, biết người” nên Công trở nên kín kẽ và ít ra mặt hơn. Trong suốt 1 năm trước khi gây án mạng, Công cùng vợ thuê nhà tại đường Thiên Lôi và đóng vai một công dân lương thiện sống giữa những người dân lương thiện.

Mất nhân tính vì ma túy “đá”

Vậy nguyên cớ nào khiến một gã giang hồ quỷ quyệt ranh ma như Công “Giáp” lại gây án "một cách lãng xẹt" để rồi phải lĩnh án tử hình?. Công bảo: “Hoàn toàn do ma túy đá”. Theo đó, từ ngày theo hầu Long “Tuýp”, Công được “đại ca” chu cấp tiền bạc rủng rỉnh nên tối ngày chơi cờ bạc và bập vào ma túy “đá”, một thú tiêu khiển đang là mốt của dân chơi Hải Phòng khi đó.

Thấy đàn em gầy rộc đi và càng lúc càng lạc lối trong những cơn quay cuồng ảo giác vì “đập đá”, nhiều lần Long “Tuýp” cũng ra mặt khuyên Công đoạn tuyệt với thứ hóa chất chết người này. Tuy nhiên, Công không đủ quyết tâm để làm được điều đó và đây cũng là “mệnh lệnh” duy nhất mà Long “Tuýp” đã giao phó nhưng Công không thể hoàn thành. Sau khi Long “Tuýp” bị sát hại, để vơi bớt nỗi buồn, Công càng “đập đá” nhiều hơn.

Sau này, có một bước ngoặt cuộc đời khiến Công quyết định đoạn tuyệt với ma túy “đá”. Đó là năm 2008, khi Công 29 tuổi thì hắn đã kết hôn với một thiếu nữ kém mình tới 12 tuổi rồi lên chức bố khi vợ hắn sinh con gái đầu lòng. Lúc này, tình phu thê, tình phụ tử đã khiến Công nhận ra rằng hắn phải cai nghiện ma túy “đá”, nếu không hắn sẽ không thể kiểm soát tri giác và hành động của mình.

Công “Giáp” tự chặt đứt một đầu ngón tay của mình để thể hiện quyết tâm. Và quyết tâm ấy quả thực đã giúp Công thoát khỏi những cơn vật vã đói thuốc. Thế nhưng, từ ngày bỏ ma túy thì Công sinh ra lẩn thẩn và hay bị hoang tưởng.

Đến nay, Công vẫn chưa biết rằng con mèo mà hắn nhìn thấy hôm sát hại ông Kháng là con mèo thật hay con mèo tưởng tượng, chỉ khi tiếng súng chát chúa vang lên thì hắn mới sực tỉnh và nhận ra tay mình đang nhuốm máu. Tuy nhiên, đây là một lý do thiếu căn cứ và không thể biện minh cho tội ác của Công, kết quả là hắn vẫn phải lĩnh án tử hình.

Thức tỉnh

Công “Giáp” bảo rằng thời gian đầu nằm trại chờ thi hành án tử hình hắn đã sống trong tâm trạng vô cùng u uất, thế nhưng, bây giờ Công lại phơi phới niềm vui. Vui vì dù biết Công là tử tội nhưng người vợ trẻ của hắn vẫn thủy chung son sắt, không bỏ rơi chồng để đi tìm duyên mới. Vui vì cứ mỗi tháng một lần vợ hắn lại đưa con gái 3 tuổi vào thăm bố.

Nhìn con bi bô gọi bố, Công mới nhận ra rằng hóa ra những ngày tháng cuối cùng của mình mới là những ngày tháng sống có ý nghĩa nhất. Nói đến đây, phạm nhân này lại lấy tấm hình vợ con được gói ghém cẩn thận ra ngắm nghía hồi lâu...

Trải qua bao cuộc “long tranh hổ đấu” với vô vàn băng nhóm, Công “Giáp” thừa nhận chưa bao giờ lại yếu mềm như lúc này. Từ đầu đến cuối cuộc trò truyện, anh ta luôn cười rất tươi và bảo rằng đây không phải là những nụ cười bất cần đời của kẻ giang hồ không còn gì để mất, mà đây là nụ cười yêu đời của một con người đến phút cuối đã kịp thời thoát khỏi vòng ân oán mê muội để hưởng thụ hạnh phúc gia đình, một giá trị tưởng như bình dị nhưng hóa ra lại đáng trân trọng nhất.

Lời cuối trong cuộc trò chuyện với khách, Công “giáp” không quên nhắn gửi tới những “chiến hữu giang hồ” ở đất Cảng: “Anh em hãy rời xa ma túy, những trò đỏ đen, những cuộc tranh đấu để làm lại cuộc đời nếu không muốn có kết cục bi thảm như tôi!”.

Lê Tiến Phong

Đọc thêm