Đại học không phải con đường duy nhất
Với suy nghĩ đại học không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công, ngay sau khi học xong trung học, Bùi Công Trung đã quyết định không thi đại học, thay vào đó anh bắt tay vào việc phát triển mô hình kinh tế trang trại tại địa phương. Với nguồn vốn ban đầu khoảng 20 triệu đồng, anh nuôi 300 con ngan thịt, nhưng do thiếu kinh nghiệm cùng với kỹ thuật chăm sóc nên đàn vịt chết dần, chất lượng không đảm bảo khiến anh bị thua lỗ.
Không đầu hàng khó khăn, với sự giúp đỡ và động viên của bạn bè, năm 2006 anh chuyển hướng sang nuôi và ấp trứng vịt. Anh đi khắp các tỉnh lân cận để tìm hiểu học hỏi cách chăn nuôi của họ, ngoài ra anh còn tham khảo thêm kiến thức thông qua, sách báo, internet… để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi. Đến năm 2008, anh tiếp tục đầu tư thêm 300 triệu đồng để mua máy ấp trứng và mở rộng quy mô chuồng trại lên đến 2.000m2.
Anh đã phát triển quy mô kinh tế trang trại của mình trở thành trang trại chuyên cung cấp con giống như vịt, ngan, gà, ngỗng... với chất lượng đảm bảo. Trải qua những ngày tháng dở khóc, dở cười vì khi có kỹ thuật chăn nuôi thì thị trường trong nước gặp khó khăn, giá cả tụt dốc khiến anh thua lỗ nặng nề. Hiện, gia đình anh cung ứng ra thị trường từ 60.000 – 80.000 con giống. Trừ chi phí, trang trại của anh cũng thu về từ 200-300 triệu đồng mỗi năm. Đưa kinh tế gia đình phát triển, tạo điều kiện cho 3 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Song, không chỉ dừng lại ở đó, sẵn lợi thế đất đồi rừng của gia đình, anh tiếp tục đầu tư vào sản xuất tinh bột nghệ, ban đầu anh thử nghiệm với 3ha để trồng nghệ. “Cây nghệ được trồng từ tháng 2-3 dương lịch và sau 9 tháng mới cho thu hoạch, do đặc tính miễn dịch hoàn toàn đối với mọi loại sâu bệnh, nên trong suốt quá trình sinh trưởng, tuyệt đối không phải sử dụng bất cứ loại hóa chất bảo vệ thực vật nào. Cây nghệ có khả năng chịu hạn, thích ứng rộng, không những trồng được trên đất ruộng cạn, đất vườn mà còn trồng được trên cả đất đồi không có điều kiện tưới nước.Việc trồng nghệ rất dễ, đầu tư ban đầu thấp nhưng hiệu quả kinh tế lại cao” – anh Trung cho biết – “Ban đầu, anh sản xuất với quy mô nhỏ. Sau 6 tháng, nhận thấy thị trường tinh bột nghệ có tiềm năng phát triển, anh đã quyết định đầu tư máy móc hiện đại, xây dựng nhà xưởng để sản xuất tinh bột nghệ với quy mô lớn hơn”.
Lãi 500 triệu đồng mỗi năm từ sản xuất tinh bột nghệ
Chia sẻ với chúng tôi, anh Trung cho biết, mỗi tháng gia đình anh cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn tinh bột nghệ với 3 loại là tinh bột nghệ đỏ (hay còn gọi là tinh bột nghệ nếp đỏ), tinh bột nghệ đen và nghệ vàng. Chúng đều có công dụng ngang nhau, rất có lợi cho sức khỏe của con người trong việc trị bệnh đau bao tử, đau dạ dày. Ngoài ra, còn chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cho chị em phụ nữ, hơn nữa lại lành tính nên được mọi người ưa dùng. Với mỗi loại tinh bột nghệ, hiện gia đình bán ra thị trường với giá 250.000 đồng/kg nghệ đen và nghệ vàng và 300.000 đồng/kg nghệ đỏ. Nghệ đỏ có nhiều công dụng đặc trị nên giá thành cao hơn một chút.
Do lượng tiêu thụ của khách hàng ngày càng lớn, ngoài lượng nghệ tươi gia đình trồng, anh còn thu mua thêm nghệ ở các tỉnh khác như Lào Cai, Lai Châu, Hưng Yên… Trong khâu sản xuất, anh luôn chú trọng đến chất lượng của sản phẩm nên sản phẩm làm ra tạo được uy tín trên thị trường.
Chia sẻ về bí quyết của mình, anh Trung cho biết: “Mỗi cơ sở sản xuất tinh bột nghệ đều có những cách làm riêng, riêng sản phẩm của tôi khi uống bạn sẽ cảm nhận được mùi nghệ còn khá đặc trưng, màu nghệ vàng ươm. Trong quá trình sản xuất, tôi đặc biệt chú trọng đến nguồn nước, như vậy màu sắc của tinh bột nghệ sẽ không bị mất đi.Với phương pháp phơi khô thông thường, tinh bột không có màu sắc đẹp, chỉ để khoảng nửa năm đã có dấu hiệu hỏng, biến chất. Tuy nhiên, nếu sấy bằng máy, tinh bột nghệ thành phẩm có màu sáng, đẹp, thời gian lưu trữ được lâu hơn. Nếu bọc trong bao, lọ kín, mọi người có thể để được cả năm mà không lo bị hỏng”.
Được biết, không chỉ là hộ gia đình làm kinh tế giỏi, anh Trung còn luôn đi đầu trong các hoạt động phong trào của địa phương, nhiều năm anh giữ chức Bí thư Chi đoàn thôn và hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Kim Long. Năm 2009, anh còn được tỉnh Vĩnh Phúc tặng Bằng khen “Thanh niên làm kinh tế giỏi”.