Qúy vị thân mến, vừa rồi là một đoạn trong điệu hát ru của người Thái tại Điện Biên. Có lẽ chưa cần hiểu lời, không ít người trong số chúng ta cũng có thể ngờ ngợ ra được điều này, bởi theo TS. Trần Ngọc Hiếu, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từng nhận định “Lời ru của các dân tộc có nội dung khác nhau nhưng giống ở quãng ngân, tổ chức ngôn ngữ có sự điệp và liệt kê, lặp lại”, và những âm hưởng, tiếng ru như vậy đều như có sức mạnh ngược dòng thời gian, gợi lại ký ức ban sơ nhất khi còn được ấp iu trong vòng tay mẹ. Những câu hát ru là sợi dây kết nối đầu tiên giữa trẻ thơ với văn hóa của chính mình. Ở đó chất chứa tấm lòng của người cha, người mẹ, câu chuyện của cộng đồng, gửi gắm những điều vừa thiêng liêng vừa gần gũi được truyền lại qua bao đời... Có những câu chuyện của cộng đồng được lưu giữ trong lời ru; theo TS. Trần Ngọc Hiếu, lời hát ru có ý nghĩa thiêng liêng, có thể nói là bài thơ, bản nhạc đầu tiên mà trẻ thơ được tiếp xúc, câu chuyện đầu tiên về lịch sử cộng đồng mà trẻ được lắng nghe. Lời ru cũng chất chứa nhiều điều mà cộng đồng mong muốn như là phương tiện cho trẻ tri nhận cảnh quan thiên nhiên, môi trường xã hội, khơi dậy lòng trắc ẩn với đời sống…
Đáng buồn thay, theo thời gian, những bài hát ru đưa con trẻ vào giấc êm lại bị mai một đi ít nhiều, dần dần ngủ quên trong ký ức các thế hệ sau mới. Đau đáu một nỗi lòng gìn giữ và phát huy tài sản tinh thần do cha ông để lại, nghệ nhân người Tày Nguyễn Thị Điềm (sinh năm 1963) ở Thái Nguyên cùng một số nghệ nhân khác là thành viên trong Mạng lưới Tiên phong Việt Nam, đã cùng nhau sưu tầm, ghi chép lại những làn điệu hát ru, với mong muốn nét đẹp văn hóa tinh thần của cha ông được kết tinh bao đời sẽ mãi được ngân vang. “Tôi hiểu rằng, nếu mình không đi tìm hiểu, sưu tầm, lưu giữ lại những lời ru thì bản sắc văn hóa dân tộc mình sẽ dần mất đi” “Đây là điều khiến tôi luôn đau đáu. Giá trị tinh thần quý giá mà cha ông để lại nếu như mình không giữ lại, thì sẽ bị mai một, trôi vào dĩ vãng. Khi đó, mình đã tự đánh mất đi nét đẹp truyền thống của chính dân tộc mình, bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày sẽ không biết gửi gắm vào đâu”. Do đặc tính truyền khẩu của những điệu ru, nên thời gian trôi đi, cùng với sự phủ mờ của thời gian, hành trình tìm lại để bảo tồn, truyền bá tiếng ru là rất khó khăn, đặc biệt là lời ru tiếng mẹ đẻ của những người dân tộc thiểu số trước sự giao thoa văn hóa. “Chúng tôi đi nhiều nơi hỏi những người cao tuổi, có xã không còn ai biết lời ru bằng tiếng Tày; tìm kiếm tại nhiều xã, chúng tôi gặp được khoảng 10 người còn nhớ một vài câu hát ru, có nội dung dạy con nhận biết những con vật, hay lời của chị nhắn nhủ đến em khi bố mẹ đi làm... Khi chúng tôi hỏi người già về hát ru, mọi người ngạc nhiên, băn khoăn bởi hiện nay còn ai hát ru đâu, con cháu cũng không nghe điệu ru cổ ngày xưa"“Tôi gọi vui đây là hành trình đi tìm ngọc, những viên ngọc của tiền nhân”. Trong đời sống hiện đại, khi mà ai cũng phải tất bật lo toan, tính từng phút giây thời gian kẻo lỡ đi bao nhiêu là thứ, những người làm mẹ cũng dần chọn những cách khác đi để trẻ yên giấc ngủ. Hay nói cách khác, những giây phút ầu ơ bên chiếc nôi đưa, những lời ru trầm bổng thánh thót dần trở nên hiếm hoi, hay đôi khi, tiếng ru hời cũng chỉ là được phát qua những thiết bị hiện đại, khiến nhiều người làm bà, làm mẹ thế hệ trước lắc đầu trăn trở “lời ru xưa kia, liệu sẽ chỉ còn là một bản phát lại máy móc”. Nếu vậy thì sẽ thật đáng tiếc, và đáng buồn. Sự rung cảm trong điệu ầu ơ ý nghĩa bởi nó xuất phát từ sự thổn thức nỉ non của lòng mẹ, từ âu yếm muôn trùng, ấp ủ một tình thương bình dị mà cao cả nhất.
Trẻ nhỏ cần được nghe tiếng nói, âm nhạc của dân tộc mình để lớn lên có ý thức về bản sắc dân tộc; bởi vậy, việc đánh thức cộng đồng về cái hay, cái đẹp của hát ru là điều rất quan trọng, từ đó góp phần gìn giữ, tiếp nối vẻ đẹp văn hóa dân tộc. Lời ru không chỉ đơn thuần là những lời hát, ngôn từ sáo rỗng mà chuyên chở hồn người, hồn đất nước trong những cánh cò bay lả bay la…