Lợi thế có thể giúp du lịch Hậu Giang 'cất cánh'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hậu Giang có tiềm năng và lợi thế thực địa trù phú, cảnh quan sông nước nhộn nhịp, môi trường sinh thái nông nghiệp phát triển, cùng với nhiều hệ thống di tích lịch sử cách mạng đã tạo điều kiện thuận lợi giúp địa phương hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Hội tụ đầy đủ tiềm năng và lợi thế

Ngành du lịch có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của mọi địa phương; đây là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Hậu Giang có tiềm năng phát triển du lịch. Nổi bật là giá trị cảnh quan, sinh thái sông nước, hệ sinh thái rừng tràm, hệ sinh thái nông nghiệp. Cảnh quan sinh thái gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; cảnh quan sinh thái nông nghiệp với những vườn cây trái, những cánh đồng ruộng rộng lớn tạo nên không gian xanh, yên bình, thuận lợi hình thành sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch miệt vườn. Cùng với đó, Hậu Giang còn lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử thể hiện qua 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 8 di tích cấp quốc gia và 7 di tích cấp tỉnh; một số công trình văn hóa tôn giáo; lễ hội văn hóa; làng nghề truyền thống,.. và ẩm thực với các đặc sản từ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của tỉnh là yếu tố góp phần đa dạng hóa cho sản phẩm du lịch Hậu Giang.

Nhiều năm qua, Hậu Giang luôn ý thức được giá trị thực tế của tiềm năng vốn. Đồng thời, nêu cao tinh thần quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đưa ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phát triển du lịch như: Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, Kế hoạch số 213/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU. Để hỗ trợ phát triển du lịch, HĐND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 26/2019/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2024.

Từ đó, thế mạnh về du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch văn hóa bước đầu mang lại hiệu quả. Hoạt động quảng bá, xúc tiến được quan tâm, chú trọng. Nguồn nhân lực du lịch tăng về số lượng và nâng dần về chất lượng, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Lượng khách du lịch đến với Hậu Giang tăng dần qua các năm đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Hậu Giang nhìn chung vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; là điểm đến còn mờ nhạt trong du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Lợi thế về nông nghiệp giúp du lịch Hậu Giang trở nên phong phú và đa dạng hơn

Lợi thế về nông nghiệp giúp du lịch Hậu Giang trở nên phong phú và đa dạng hơn

Tỉnh tập trung định vị thành công 2 điểm nhấn du lịch của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 vươn tầm khu vực và cả nước: Du lịch trên tàu tuyến Kênh Xà No tạo đặc trưng riêng của Hậu Giang; du lịch huyện Phụng Hiệp nhằm khai thác hiệu quả Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng gắn kết các Khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện và chợ nổi Ngã Bảy....

Tuy nhiên, so với các địa phương trong khu vực, du lịch Hậu Giang vẫn còn ở mức thấp, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh. Do đó, để hiện thực hóa tiềm năng du lịch của tỉnh cũng như tháo gỡ những khó khăn của du lịch Hậu Giang, thì cần có các đánh giá, nhận định và giải pháp có tính khoa học và thực tiễn cho phát triển du lịch nói chung và đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng.

Đẩy mạnh phát triển bền vững du lịch nông nghiệp

Theo TS. Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, tiềm năng du lịch của ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng vẫn chưa được đầu tư đúng mức, khai thác thiếu hiệu quả. Đồng thời, cách làm du lịch vẫn còn nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp; sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết; các giá trị đặc thù chưa được khai thác phù hợp để tổ chức những trải nghiệm đích thực về các giá trị sông nước.

Ông Hiệp đề nghị cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch, tăng cường huy động nguồn vốn và đầu tư và phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường liên kết không gian du lịch, sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Hậu Giang và ứng dụng tốt khoa học và công nghệ vào dịch vụ du lịch, số hóa ngành du lịch.

PGS.TS Nguyễn Duy Cần - Trưởng khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ lại cho rằng, Hậu Giang cần khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp để phát triển du lịch. Từ kinh nghiệm thành công của du lịch nông nghiệp ở Mỹ, Malaysia và Thái Lan cho thấy loại hình du lịch này góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. “Tỉnh Hậu Giang là vùng có ưu thế về sản xuất nông nghiệp và có tiềm năng lớn về phát triển du lịch nông nghiệp, song điều quan trọng là nắm bắt các lợi thế để đầu tư phát triển phù hợp của loại hình du lịch này. Giải pháp tổng thể cho phát triển bền vững du lịch nông nghiệp Hậu Giang là quy hoạch và xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trọng điểm; xây dựng hệ thống quản lý và quảng bá hiệu quả; và đào tạo nhân lực phục vụ du lịch một cách chuyên nghiệp”, ông Cần nói.

Theo các chuyên gia, hiện nay du lịch thông minh là xu thế tất yếu của sự phát triển ngành du lịch “xuyên biên giới”. Xu hướng sử dụng các dịch vụ trực tuyến thông qua các nền tảng được xây dựng của các tập đoàn lớn quốc tế đang gia tăng nhanh, tác động mạnh mẽ đến du lịch truyền thống. Để xây dựng du lịch thông minh, cần sự đồng bộ triển khai của nhiều ngành bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Dữ liệu dùng chung là yếu tố cần và tiên quyết, theo đó là các ứng dụng của công nghệ, AI… Do đó, việc hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh cần được sớm triển khai một cách có tính hệ thống, lớp lang và lộ trình ở các tỉnh, thành trong cả nước. Du lịch thông minh phải hướng tới đạt được đồng bộ 4 mục tiêu: gia tăng trải nghiệm, hình thành hệ sinh thái kinh doanh thông minh, hiệu quả trong quản lý Nhà nước và dự báo, mang lại lợi ích và cho bốn đối tượng: du khách và người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý.

Ông Lê Công Khanh, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hậu Giang cho biết, đối với tỉnh Hậu Giang, phát triển du lịch không chỉ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà quan trọng hơn là bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, và đặc sắc của quê hương, con người Hậu Giang.

Muốn làm được điều này, trước hết cần thay đổi nhận thức, đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, không phải cung cấp cho thị trường sản phẩm chúng ta có mà phải cung cấp những sản phẩm du lịch theo nhu cầu của khách, đặc biệt là phải nghiên cứu thị trường, thị hiếu của khách cho phù hợp. Đồng thời, nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các sản phẩm mới, tập trung khai thác lợi thế, tận dụng tối đa tiềm năng của điểm đến Hậu Giang để thu hút khách du lịch. Đó là các dòng sản phẩm du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp...

Đọc thêm