Lồng ghép phát triển du lịch trong bảo tồn thiên nhiên: Bất cập do đâu?

(PLO) - Trong bối cảnh phát triển du lịch nở rộ như hiện nay, các khu bảo tồn liệu có tiếp tục là địa bàn mục tiêu của các dự án phát triển du lịch, và nếu có thì các chính sách, quy định hiện tại có đảm bảo rằng sẽ loại trừ hoặc hạn chế được thấp nhất các tác động tiêu cực của phát triển du lịch gây ra? Đâu là giải pháp để vừa phát triển vừa bảo tồn thiên nhiên một cách hợp lý và bền vững hơn? 
Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Đây là những câu hỏi được nhiều đại biểu đặt rại tại Tọa đàm “Khu bảo tồn thiên nhiên trước làn sóng phát triển du lịch ở Việt Nam” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường đồng tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.

Quyết liệt nhưng vẫn không bảo vệ được rừng

Thời gian qua, hàng loạt dự án phát triển hạ tầng du lịch đã được triển khai và đi vào vận hành tại nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng như ở Phú Quốc, Hoàng Liên, Bà Nà, Cát Bà… Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng phải đánh đổi giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế. Tiếp tục xu thế đó, nhiều dự án khác dưới hình thức phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng… cũng đã được đề xuất triển khai ở trong và xung quanh Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà, Vườn Quốc gia Bạch Mã, Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng…

 Cộng đồng và tổ chức xã hội tiếp tục bày tỏ sự lo lắng liệu các lợi ích phát triển có từng bước đẩy các khu bảo tồn – với vai trò là công sản quốc gia – vào tình thế bị phá vỡ, hoặc thậm chí bị hủy hoại tính nguyên vẹn?.

Băn khoăn trước thực trạng rừng, hệ sinh thái rừng của Việt Nam bị tàn phá không thương tiếc dù trong thời gian gần đây nhà nước đã rất quyết liệt bảo vệ, GS.TS Nguyễn Hoàng Trí - Tổng thư ký Ủy ban quốc gia chương trình Con người và sinh quyển (MAB) Việt Nam - đặt câu hỏi: “Tại sao, người dân nước mình thông minh, hệ thống luật pháp đầy đủ nhưng rừng vẫn mất trong khi lực lượng kiểm lâm rất nhiều và đang đề nghị tăng lực lượng và trang bị súng. Thủ tướng cũng đã ra lệnh đóng cửa rừng, tuy nhiên đến ngày hôm nay vẫn mất rừng. Sai từ đâu? Từ chính sách hay người làm?”

Còn đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) thì cho rằng chúng ta đang bảo tồn rừng và hệ sinh thái bằng pháp luật, bằng cơ chế và bằng các loại hình quản lý. “Tuy nhiên, chúng ta đang có vấn đề trong quản lý vì nó rất chồng chéo, bất cập. Ví dụ, trung ương phải quản lý những khu bảo tồn nhưng lại đưa về các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thậm chí đưa về Chi cục kiểm lâm quản lý”- ông Nghĩa nhận định.

Voọc chà vá chân nâu tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đang bị mất dần nơi sinh sống
Voọc chà vá chân nâu tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đang bị mất dần nơi sinh sống

Rà soát để đưa ra chính sách phù hợp

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đông - chuyên gia chính sách công – nhận định, hiện hệ thống luật của chúng ta còn chồng chéo, mâu thuẫn. “Tại Điều 7 Luật Đa dạng sinh học 2008 về những hành vi bị cấm về đa dạng sinh học quy định: Cấm xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; cấm xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn. Nhưng Nghị định 117  sau đó lại có quy định lại cho phép các doanh nghiệp làm cáp treo vào vùng lõi của khu rừng đặc dụng. Chính từ đây đã mở những kẽ hở cho các đối tượng xâm phạm rừng đặc dụng”, ông Đông phân tích và băn khoăn: “Vậy tại sao 1 nghị định lại phủ định, vi phạm 1 luật như thế?

 Bên cạnh đó, ông Đông cũng cho rằng, nhìn từ góc độ chính sách có thể thấy chúng ta có nhiều các chính sách nhưng các chính sách này thực thi không đầy đủ hoặc không thực thi được. “Điểm mấu chốt nằm ở vấn đề tuân thủ luật và hệ thống bộ máy được tổ chức, thực thi như thế nào”, ông đặt vấn đề.

Để làm tốt công tác bảo vệ các khu rừng đặc dụng, các vườn quốc gia, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ phải rà soát, đánh giá hiện trạng bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng, bảo vệ biển, việc thực thi luật trong vòng 15 năm đã qua như thế nào, từ đó đưa ra các chính sách phù hợp. “Trước đây, chúng ta phải công bố thông tin nước ta đã mất bao nhiêu diện tích rừng nhưng thông tin này vẫn chưa nói hết được sự xâm hại thiên nhiên, xâm hại hệ sinh thái, đa dạng sinh học không thể tái tạo được. Chính vì thế cần có một báo cáo đầy đủ, khách quan”, ông Nghĩa cho biết.

Cũng theo ông Nghĩa, ngoài vai trò của nhà nước phải bảo vệ rừng, hệ sinh thái tại các khu đặc dụng, vườn quốc gia thì các doanh nghiệp cũng phải chung tay vào công việc này. Cùng với đó, các hiệp hội, các nhà khoa học, dư luận, báo chí cũng phải có tiếng nói để bảo vệ thiên nhiên.

Đồng quan điểm, TS. Lê Hoàng Lan, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, chúng ta cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Những khu bảo tồn nghiêm ngặt thì không thể phát triển du lịch, còn những khu có thể phát triển du lịch được thì cần nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý, của chủ đầu tư, của người dân để những khu bảo tồn ấy được phát triển bền vững.

Liên quan đến chế tài xử phạt với các đơn vị làm sai, TS. Lê Hoàng Lan đề nghị không chỉ áp dụng đối với chủ đầu tư mà hội đồng thẩm định và cơ quan quản lý cũng phải liên đới trách nhiệm. Việc bồi thường thiệt hại khi mọi chuyện đã xảy ra, khi đa dạng sinh học đã mất thì không thể khôi phục được, quan trọng là phải thực hiện nghiêm túc từ đầu. Hiện nay có rất nhiều quy định nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện để các khu bảo tồn được phát triển bền vững. 

Đọc thêm