Lồng ghép quảng cáo trong phim: Coi chừng phản cảm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Chuyện thương hiệu xuất hiện trong phim truyền hình, web drama, trong MV quảng cáo đã không còn xa lạ với khán giả Việt. Tuy nhiên, có những trường hợp lồng ghép lộ liễu, quá lố, thậm chí quảng cáo sản phẩm tiêu cực để lại những ấn tượng phản cảm trong lòng khán giả.
Một thương hiệu bia liên tục xuất hiện trong nhiều phân cảnh của web drama "Về nhà là Tết"
Một thương hiệu bia liên tục xuất hiện trong nhiều phân cảnh của web drama "Về nhà là Tết"

Quảng cáo hay cổ súy?

Mới đây, nhiều khán giả đã phản ứng với bộ phim "Về nhà là Tết" được phát sóng trên kênh Youtube. Sự không hài lòng của người xem không đến từ chất lượng hay nội dung phim mà đến từ những đoạn quảng cáo được lồng ghép hết sức khiên cưỡng, lộ liễu xuất hiện dày đặc trên phim.

Như cái tên của mình, bộ phim là một web drama ra mắt trong không khí đón xuân, xoay quanh những câu chuyện cảm động về một xóm lao động nghèo ở ven thành phố, cùng nhau trải qua những ngày tháng dịch bệnh cao điểm, rồi cùng trải qua những éo le gian khổ trong cuộc sống, để cùng nhận ra những giá trị thiêng liêng của Tết cổ truyền bên gia đình.

Bộ phim được đánh giá là giải trí tốt, khá có duyên, đồng thời dù chỉ ra mắt vài tập đầu đã thu hút hàng triệu lượt người xem. Thế những, việc một thương hiệu bia xuất hiện dày đặc trong các tập đầu của phim đã khiến người xem ngán ngẩm. Trong phim, các nhân vật liên tục rủ nhau nhậu, mời nhau uống bia, khen bia ngon, rồi nhân vật khác bán bia, nhân vật nọ lại làm nghề giao bia. Hình ảnh thùng bia, lon bia được quay cận cảnh. Thậm chí, có cả phân đoạn nhân vật bị cướp chặn đường nhưng không cướp xe mà... cướp bia, và nhân vật cũng chăm chăm tìm cách để tên cướp trả bia lại cho mình...

Việc để một thương hiệu bia xuất hiện dày đặc trong phim không chỉ khiến người xem lấn cấn, cảm thấy khó chịu như “nhai sạn” mà quan trọng, bia, cùng với thuốc lá và một số sản phẩm khác, là mặt hàng bị hạn chế quảng cáo, theo quy định về Luật Quảng cáo.

Đồng thời, theo Điều 1 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định về việc quản lý việc quảng cáo rượu, bia có nồng độ cồn là 5,5, quảng cáo không thể hiện nhiều nội dung, trong đó không cho phép quảng cáo có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia; thông tin rượu. Cạnh đó, quảng cáo phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Nếu xét theo những quy định như trên, thì phần quảng cáo bia nói trên trong web drama "Về nhà là Tết" có nguy cơ vi phạm những quy định của pháp luật về quảng cáo rượu bia.

Bia, rượu là sản phẩm “lợi nhiều hơn hại”, chính vì thế, việc một bộ phim web drama “ăn khách” xuất hiện dịp Tết lại xuất hiện dày đặc hình ảnh uống rượu bia sẽ góp phần cổ súy cho tện nạn nhậu nhẹt, bia rượu ngày Tết.

Cần coi trọng cảm nhận của khán giả

Không chỉ nhận tài trợ của nhãn hàng để hình ảnh thương hiệu xuất hiện đây đó trong sản phẩm nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ còn bắt tay với nhãn hàng để sản xuất những MV, web drama theo đặt hàng quảng cáo của nhà tài trợ.

Chính vì thế, có những bộ phim chiếu mạng, MV ca nhạc, mang tiếng là của nghệ sĩ, nhưng thực chất mục đích quảng cáo cho nhãn hàng. Và, vì làm không khéo, nên cả sản phẩm nghệ thuật cứ như một bản minh họa của nhãn hàng, khi sản phẩm liên tục được quay cận cảnh, được giới thiệu chi tiết, mọi phân cảnh đều xuất hiện hình ảnh của nhãn hàng.

Nhiều clip “độn” quảng cáo quá tay, khiến những phân cảnh có nhãn hàng được “nhét” vào hết sức thừa thãi, khiên cưỡng, phi logic khiến khán giả xem mà cảm thấy phản cảm, khó chịu.

Chuyện web drama, MV quảng cáo ngày càng được lồng ghép nhiều quảng cáo của thương hiệu là điều không lạ đối với khán giả. Thực tế, khán giả cũng hiểu rằng, kinh phí làm web drama hay các MV có đầu tư là không nhỏ. Chính vì thế, khán giả cũng sẵn lòng tiếp nhận các đoạn quảng cáo trong các MV, phim truyền hình hay web drama như một cách để ủng hộ người làm phim, nghệ sĩ bỏ công sức ra thực hiện sản phẩm cho khán giả thưởng thức.

Trong câu chuyện sòng phẳng này, có nhiều nghệ sĩ nhận hợp tác với nhãn hàng trên tinh thần tôn trọng khán giả. Việc lồng ghép quảng cáo diễn ra tế nhị, nhẹ nhàng, có duyên. Như những MV của Rapper Đen Vâu gần đây, dẫu cho có xuất hiện sản phẩm, nhưng chỉ thấp thoáng, như một cảnh đám bạn trẻ cùng dã ngoại, uống bia trái cây trong MV Bài này chill phết, hay một thương hiệu xe máy xuất hiện trong các phân cảnh về quê ăn Tết, chở cha mẹ đi chợ... trong các MV của Đen Vâu những mùa Tết gần đây.

Một số nghệ sĩ khác, đưa sản phẩm vào MV, vào phim, nhưng khán giả hầu như không nhận ra bởi cách đưa “mượt” quá, có mà như không, và sản phẩm xuất hiện rất phù hợp, như một phần của phân cảnh.

Đó chính là cách quảng cáo khéo léo, duyên dáng, giữ mạch phim, và trên hết là coi trọng cảm nhân của khán giả mà các nghệ sĩ nên học hỏi, cân nhắc khi quyết định đưa thương hiệu vào sản phẩm nghệ thuật của mình.